• Zalo

Tốt nghiệp THPT 2014: Phải thi tự chọn ngoại ngữ

Giáo dụcThứ Bảy, 15/02/2014 08:20:00 +07:00Google News

(VTC News)- Lãnh đạo nhiều Sở GD-ĐT cho rằng phải đưa môn thi ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn hoặc bắt buộc chứ không phải là môn thi khuyến khích cộng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.

Dự  thảo về đổi mới thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT đưa ra phương án  trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, môn Ngoại ngữ được xem là môn thi khuyến khích để cộng điểm. Bài thi môn Ngoại ngữ được 9,0 điểm trở lên được cộng 2 điểm, đạt 7 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm, đạt 5 điểm trở lên được cộng 1 điểm.
Nhiều chuyên gia giáo dục đã góp ý không nên để Ngoại ngữ là môn thi khuyến khích cộng điểm. Thậm chí, lãnh đạo nhiều Sở GD-ĐT trên cả nước cũng không đồng tình với quan điểm này.
Thi tự chọn ngoại ngữ
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, với phương án 4 môn thi, ông đồng ý đó là phương án “tập dượt” để giảm từ 4 môn còn 2 môn và bằng 0.
Ông Thắng cũng đề nghị Bộ cần đưa môn Ngoại ngữ là môn thi tự chọn, trong đó  2 môn tự chọn phải có một môn tự nhiên và một  môn xã hội.
thi tốt nghiệp thpt 2014

 Nhiều lãnh đạo Sở GD-ĐT cho rằng Ngoại ngữ phải là môn thi tự chọn chứ không chỉ là môn thi khuyến khích cộng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014

Vị Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam đưa ra dẫn chứng: “Môn Ngoại ngữ không nên chuyển thành môn khuyến khích. Vì hiện nay đó là môn học bắt buộc, các tỉnh đều đang nỗ lực để nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ. Trong năm qua, Quảng Nam chỉ có 2 trường xin thi thay thế môn tiếng Anh, tức là ngay cả Quảng Nam hiện nay cũng đã ổn định môn này. Không đưa Ngoại ngữ vào môn thi tự chọn sẽ làm ảnh hưởng đến quyết tâm triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường. Ngoại ngữ là công cụ không thể thiếu đối với học sinh”
Bầu chọn
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, Ngoại ngữ sẽ là môn?

Ông Hoàng Minh Quân – Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho biết, thực tế, hiện nay các tỉnh thành, các trường đều đang nỗ lực để nâng cao chất lượng môn Ngoại ngữ.
Thậm chí, ông Quân còn lo ngại nếu Ngoại ngữ là môn thi khuyến khích thì học sinh sẽ có tâm lý cứ đăng ký, khiến trường phải tổ chức phòng thi, nhưng đến lúc thi có thể các em không dự thi, sẽ gây lãng phí.
Quan điểm phải đưa Ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn cũng được lãnh đạo Sở GD-ĐT Cà Mau đồng tình. Ông Thái Văn Long - Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau nêu quan điểm, nếu Bộ có phương án 4 môn thi thì môn Ngoại ngữ phải là tự chọn, không nên là môn khuyến khích, nếu coi đó là môn thi khuyến khích có thể thời gian thi kéo dài hơn, gây khó khăn cho việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp.
Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa - Thiên Huế Phạm Văn Hùng đưa ra ý kiến bảo vệ quan điểm lấy môn Ngoại ngữ là môn tự chọn. “Lâu nay Bộ quy định môn này là môn bắt buộc trong chương trình học, hơn nữa chúng ta đang đẩy mạnh Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, vì thế phải  đưa Ngoại ngữ là môn tự chọn”.
“Chúng ta chưa đẩy mạnh được môn Ngoại ngữ thì ít nhất cũng phải giữ nhịp đi ngang chứ không nên đi xuống như thế (nếu đưa thành môn thi khuyến khích). Nếu chỉ là môn thi khuyến khích thì việc học ngoại ngữ sẽ chùng xuống” ông Hùng khẳng định.
Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP. HCM đề xuất trong 4 môn thi tốt nghiệp có thể có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, các tỉnh khó khăn có thể thay Ngoại ngữ bằng môn tự chọn.
Không nên miễn thi 20%
Ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam băn khoăn đặt câu hỏi: “miễn thi 20% mục đích ở đây là gì? Nếu để chuẩn bị cho việc tiến tới không thi tốt nghiệp thì đó là phương án đúng, nhưng nếu chỉ để gọn nhẹ, giảm tải thi cử thì không thực tế”.
Vị lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Nam cho rằng các Sở GD-ĐT sẽ mất quá nhiều thời gian để thực hiện việc miễn thi. Vì vậy, đề nghị Bộ chỉ giữ nguyên điều kiện miễn thi như quy định hiện hành.

 Không nên miễn thi 20% vì rất dễ dẫn đến tiêu cực

Cũng đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định nêu ý kiến: “Chúng ta đã từng phải bỏ chính sách tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp loại giỏi vào đại học. Kết quả đánh giá học sinh giữa các vùng miền, các trường, các giáo viên là khác nhau vì thế xét duyệt rất phức tạp, do đó không nên miễn thi 20%”.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP. HCM tuy đồng ý với phương án điều chỉnh thi của Bộ, nhưng về tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp Bộ cần cân nhắc khống chế tỷ lệ miễn thi, vì đây là vấn đề khó thực hiện, Bộ nên đưa ra các tiêu chuẩn miễn thi.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cũng cho hay, phương án miễn thi cần cân nhắc, bà Việt đề cập tới việc tại tỉnh Tuyên Quang tuyển dụng nhân sự tại tỉnh, kinh nghiệm cho thấy khi có chính sách ưu tiên sinh viên giỏi thì ngay lập tức sẽ có hàng trăm sinh viên đạt loại giỏi, trong khi năm trước chỉ có chục em, hoàn toàn có thể có việc “làm điểm” ở các trường.
"Vì thế có thể không cần miễn thi 20%, mà chỉ nên áp dụng chính sách cộng điểm khuyến khích cho các em như hiện nay", bà Việt đề xuất.
Trước những ý kiến góp ý của dư luận, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe và có phương án quyết định trong thời gian sớm nhất.
Bình luận
vtcnews.vn