(VTC News) - Với những gì bộ tứ giám khảo của Vietnam's Next Top Model (VNNTM) đang dạy và sự khắt khe đòi hỏi ở thí sinh thì có lẽ, cuộc thi sẽ cho ra đời một đội ngũ chiến binh hùng mạnh.
Những chiến binh phải biết tạo dáng giữa bầy rắn
Còn nhớ ở 3 tập đầu phát sóng của VNNTM, khán giả chỉ thấy ngập tràn quảng cáo với những biệt thự hạng sang, phòng tập, du thuyền…và các thí sinh không khác gì người đóng vai trò là PR cho những thương hiệu xuất hiện trong chương trình một cách dày đặc từ đầu đến cuối.
Thậm chí những màn phấn khích tốt độ, những giọt nước mắt khi được ở trong một căn phòng lộng lẫy hay được tham dự một bữa tiệc “quý tộc” cùng những lời chia sẻ đầy ngạc nhiên và thích thú cũng được nghi là diễn.
Và những màn xung đột, ghen ghét, đố kị đến mức nhỏ nhặt giữa các thí sinh khi cùng chung sống hay bật khóc nức nở khi giám khảo gõ cửa phòng lúc nửa đêm mà chưa kịp thay bộ quần áo ngủ đang mặc trên người cũng khiến người xem không khó để nhận ra bóng dáng đạo diễn phía sau.
Và hình như các thí sinh đang chịu khổ sở nhục nhã mất đi tính cách và hình ảnh của chính mình nhằm mua vui cho BGK và nhà sản xuất để đi đến cái đích mà vẫn được họ tung hô là người mẫu đỉnh cao và chuyên nghiệp?
Nhưng điều đáng nói nữa là sau những màn quảng cáo được dàn dựng công phu nhưng còn vụng ấy là cách huấn luyện và đào tạo, đến mức nhiều người phải bật ra câu hỏi “Top Model đang đào tạo người mẫu hay chiến binh?” khi nhìn những bài học “ra nước mắt” của các cô gái.
Giám đốc của một trong những công ty đào tạo người mẫu hàng đầu Việt Nam cho biết, hai kĩ năng chính của một người mẫu là catwalk và chụp hình, và việc huấn luyện cũng chú trọng vào hai kĩ năng này, sao cho bám sát vào thực tế nhất.
Theo đánh giá của vị này, những kĩ năng mà bộ tứ giám khảo dậy cho các thí sinh VNNTM hoàn toàn không giúp ích gì cho công việc của nghề người mẫu, mà nó chỉ phục vụ cho mục đích là truyền hình và thương mại.
Không chỉ là những kĩ năng rất xa vời, mà những gì bộ tứ giám khảo của VNNTM đang dậy và sự đòi hỏi khắt khe thì có lẽ, cuộc thi sẽ cho ra đời một đội ngũ chiến binh hùng mạnh.
Mất bao nhiêu giọt nước mắt để có được những tấm hình này? |
Những concept chụp hình với động vật là hình ảnh quen thuộc của các người mẫu trên thế giới, nhưng chụp hình với cả 50 con rắn xanh bò lổm ngổm trong người, trên tóc, chui rúc khắp nơi khiến thí sinh khóc lóc thảm thương thì chỉ có ở VNNTM.
Ngay cả khi thí sinh đó có sợ rắn bẩm sinh và coi đó là loại vật khiếp đảm nhất trên thế giới thì họ cũng không được phép nói không, vì với VNNTM, một người mẫu chuyên nghiệp phải vượt qua được tất cả những sự sợ hãi đó.
Nếu như một diễn viên có quyền đòi hỏi người đóng thế khi phải đóng với loài vật mà họ sợ hãi, người mẫu có quyền từ chối chụp hình nếu concept đó ảnh hưởng tới tinh thần cũng như sức khỏe hay nhan sắc của họ, thì các cô gái VNNTM phải làm mọi cách cho vừa lòng BGK, nếu không, họ sẽ phải dừng cuộc chơi ngay lập tức.
Còn nhớ năm ngoái, cựu giám khảo Hà Anh và Đức Hải phải bật cười khi biết thí sinh phải tập catwalk trên cầu khỉ, học giữ thăng bằng trên cà kheo… Thì năm nay, cũng không ít người lắc đầu thì nhìn thí sinh phải ngã dúi dụi và ướt sũng khi tập catwalk ở một sàn diễn dưới bể bơi.
Sẽ có một dàn chiến binh ra đời? |
Ngay cả việc các thí sinh chật vật với vũ điệu salsa, ngọng nghịu trên sân khấu ca nhạc để hóa thân thành Diva rồi tự biến mình thành thảm họa dường như cũng được nhà sản xuất sử dụng nhằm mua vui trên truyền hình.
Những kĩ năng khó khăn, những khắt khe quá mức của giám khảo cùng những hành động và thái độ trịch thượng dành cho các thí sinh không biết có thực sự có ích cho nghề người mẫu?
Hay người mẫu đơn giản cũng chỉ là một ngành nghề, và không nhất thiết phải nâng tầm nó lên thành quá quan trọng để các thí sinh phải khổ sở và vất vả như vậy. Bởi VNNTM, theo tiêu chí mà nhà sản xuất rêu rao, được kì vọng cho ra đời những người mẫu đỉnh cao, chứ không phải những nữ chiến binh.
Đừng đòi hỏi nhiều hơn ở một gameshow!
Giám đốc một công ty đào tạo người mẫu hàng đầu Việt Nam đã phân tích, ngay từ khi ra đời, cuộc thi America’s Next Top Model phiên bản gốc đã được khẳng định là một gameshow, một chương trình truyền hình thực tế dành cho phụ nữ và các bạn gái trẻ.
Trong chương trình này các bạn gái sẽ tranh tài với nhau để giành được cơ hội trở thành Người mẫu của Mỹ và bước chân vào ngành công nghiệp người mẫu. Tuy nhiên vì là một gameshow nên chương trình phục vụ mục đích truyền hình nhiều hơn chứ không phải chú trọng vào đào tạo người mẫu một cách thực sự chuyên nghiệp và bài bản như ở các công ty đào tạo người mẫu khác.
VNNTM phục vụ mục đích truyền hình nhiều hơn là mục đích đào tạo |
Vì thế việc nhà sản xuất Vietnam’s Next Top Model mua một gameshow phiên bản gốc về Việt Nam và thổi giá trị của nó lên thành một cuộc thi tìm kiếm người mẫu chuyên nghiệp đẳng cấp là chưa nhìn nhận đúng tiêu chí và bản chất của chương trình.
Khi mua bản quyền một chương trình nhà sản xuất phải trung thực đúng với bản gốc. VNNTM chỉ là một sân chơi, tất cả những hoạt động của nó chỉ để phục vụ mục đích truyền hình, không phải để đào tào người mẫu chuyên nghiệp.
Làng người mẫu thế giới không có một siêu mẫu nào đi ra từ cuộc thi Top Model, bởi họ không được đào tạo từ những kĩ năng cơ bản nhất. Trong số báo tháng 9/2006, chính nhà thiết kế thời trang danh tiếng của thương hiệu Chanel, Karl Lagerfeld, đã thẳng thừng phê phán chương trình America's Next Top Model là: “Họ chả có ích gì cho ngành công nghiệp thời trang”. Và ông gọi họ bằng một từ nặng nề là “thứ rác rưởi”.
Nếu nhà sản xuất không quá tung hô về cuộc hành trình tìm kiếm người mẫu và trải đầy hoa hồng trên con đường của các thí sinh sau khi bước ra khỏi cuộc thi này thì người xem sẽ hiểu đúng bản chất của vấn đề và nghĩ đơn giản, VNNTM là một gameshow, nhằm phục vụ mục đích giải trí và thương mại chứ đừng đòi hỏi nhiều hơn rằng, những tập phát sóng với kĩ năng không phù hợp thực tế ấy kéo dài trong vòng vài tháng lại cho ra đời một siêu mẫu hoàn hảo sải bước tại những kinh đô thời trang hàng đầu thế giới.
Ngọc Mai
Bình luận