Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny cho biết, cuộc xung đột với Nga đã đi vào bế tắc và không bên nào có thể đạt được bước đột phá mang tính quyết định.
Trong một bài bình luận trên tờ The Economist, Tướng Valery Zaluzhny, đã đưa ra đánh giá thẳng thắn về diễn biến của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ông nói rằng, cuộc chiến đang đi đến bế tắc về mặt địa lý và công nghệ, khi cả hai bên đều phải tìm cách phù hợp với bên kia.
Trên tờ báo, ông nêu ra 5 lĩnh vực mà Ukraine phải đánh bại người Nga nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc xung đột này.
Giành ưu thế trên không
Làm mù các máy bay không người lái (UAV) của Nga và tăng cường sử dụng máy bay không người lái giá rẻ là hai chiến thuật tiềm năng được tướng Zaluzhny vạch ra nhằm giành ưu thế trên bầu trời.
Tướng Zaluzhny chỉ ra rằng, Ukraine cần sử dụng máy bay không người lái giá rẻ để tấn công lực lượng Nga, trong khi một số phương tiện bay khác đóng vai trò mô phỏng mục tiêu khiến cho người Nga nhầm lẫn và để lộ vị trí của các hệ thống phòng không.
Ông cũng lưu ý việc sử dụng sóng radar giả có thể khiến phi công Nga nghĩ rằng, các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt, đồng thời sử dụng đèn nhấp nháy để để làm giảm khả năng quan sát của UAV vào ban đêm, trong khi đó cần phải phát huy tối đa các hệ thống làm nhiễu thiết bị điện tử.
Hoá giải các bãi mìn của Nga
Tướng Zaluzhny cho biết một số bãi mìn của Nga sâu tới 20km, bên cạnh đó các máy bay không người lái trên cao luôn theo dõi và nhanh chóng thông báo cho pháo binh tấn công bất kỳ đơn vị Ukraine nào cố gắng rà phá chúng.
Theo vị tướng này, quân đội Ukraine cần phải tìm ra cách sử dụng các cảm biến laser hiện đại để tạo ra bản đồ 3D trên mặt đất và cũng đưa ra một số ý tưởng cấp tiến hơn, như sử dụng động cơ phản lực từ những chiếc máy bay ngừng hoạt động để làm nổ tung một số vị trí trên bãi mìn.
Bom chùm và tên lửa chứa chất nổ mạnh cũng có thể là một cách khác để làm nổ tung các bãi mìn, bên cạnh đó có thể sử dụng máy đào hầm và robot đào hang để có thể di chuyển bên dưới các bãi mìn.
Tác chiến điện tử
Nga có ưu thế vượt trội so với Ukraine khi nói đến chiến tranh điện tử. Tướng Zaluzhny cho biết, Ukraine cần sản xuất nhiều công nghệ của riêng mình hơn, đồng thời sử dụng chuyên môn và dữ liệu của các đồng minh để tiếp cận tốt hơn với lưu lượng tín hiệu của Nga.
Tướng Zaluzhny cũng đề nghị máy bay không người lái của Ukraine cần được sử dụng không chỉ để trinh sát và tấn công mà còn là vũ khí tác chiến điện tử.
Ưu thế về pháo binh
Chiến trường Ukraine ghi nhận 80% hoạt động của cả hai bên đều liên quan đến pháo binh, điều này cho thấy vai trò rất lớn của lực lượng pháo binh trong cuộc xung đột. Xác định được vị trí trận địa pháo của đối phương và nhắm mục tiêu trước khi chúng kịp di chuyển (được gọi là hỏa lực phản pháo), đây là một trong những thế mạnh của Ukraine.
Ukraine đã được cung cấp đạn pháo Excalibur 155mm do Mỹ sản xuất, loại đạn thông minh sử dụng GPS để tìm mục tiêu, nhưng người Nga đã học được cách gây nhầm lẫn cho hệ thống dẫn đường của vũ khí này.
Ngoài ra, Nga hiện đang sử dụng máy bay không người lái Lancet để chỉ thị các mục tiêu cho vũ khí dẫn đường tấn công. Để đối phó với chiến thuật này, tướng Zaluzhny cho biết Ukraine cần xây dựng mạng lưới GPS của riêng mình để cải thiện khả năng dẫn đường của các loại vũ khí dẫn đường chính xác, trong đó máy bay không người lái cảm tử cũng cần được điều chỉnh để có thể tìm kiếm vị trí của pháo binh Nga.
Công tác hậu cần
Vị tướng này cho biết, Ukraine đã cho thấy sự cần thiết phải có kho dự trữ vũ khí và đạn dược dồi dào, một khái niệm đã bị loại bỏ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Bất chấp các lệnh trừng phạt, ông cho biết Nga vẫn có thể sản xuất nhiều loại vũ khí và đang tăng cường dự trữ.
Mặc dù Ukraine đang cố gắng đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị từ trong nước nhưng vẫn sẽ phải mất tới hai năm mới đáp ứng được một phần nhu cầu của cuộc xung đột.
Tướng Zaluzhny cho biết lực lượng của ông cần tiếp tục tấn công vào các kho vũ khí và các tuyến đường vận chuyển, để khiến Moskva gặp khó khăn do phải vận chuyển xa hơn trong việc bảo đảm hậu cần cho các lực lượng của mình.
Để làm được điều này, ông cho biết Ukraine cần tên lửa có tầm bắn xa hơn và tốt nhất là những tên lửa do nước này tự chế tạo.
Bình luận