Chiều 15/6, tại cuộc họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vụ gây rối ở Bình Thuận và khả năng Quốc hội xem xét luật về biểu tình, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định Quốc hội rất quan tâm đến dự luật này và đang giao Chính phủ xem xét để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội.
“Về Luật Biểu tình, chúng tôi cũng rất quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng rất quan tâm. Năm 2016, khi họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề cập vấn đề này với Chính phủ. Chính phủ cho biết hiện vẫn đang tích cực hoàn thiện, bao giờ Chính phủ hoàn thiện sẽ trình Quốc hội cho ý kiến”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Về việc Quốc hội dừng thông qua Dự Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) và chính thức thông qua Luật An ninh mạng, người phát ngôn Văn phòng Quốc hội cho biết, với Luật An ninh mạng, Quốc hội lắng nghe rất nhiều, cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp thu nhiều ý kiến và có sự chỉnh lý nên Luật đã được thông qua với tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, truyền thông phải làm sao để dư luận hiểu đúng các vấn đề quy định trong Luật. Còn Luật đặc khu có rất nhiều vấn đề và cần thêm thời gian để trao đổi.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, đối với Luật Đặc khu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức nhiều hội nghị xin ý kiến, tìm hiểu và học tập ở các đặc khu của nước ngoài nhưng qua trao đổi, đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, nhà khoa học cũng tham gia ý kiến và còn nhiều ý kiến khác nhau.
Bên cạnh đó, những điều khoản chưa phù hợp như cho thuê đất 99 năm thì điều chỉnh, quy định như Luật đất đai, hay các chính sách về thuế cũng sẽ được rà soát lại cho phù hợp.
Trả lời báo chí về lý do Luật An ninh mạng nhận được đa số sự đồng tình của đại biểu Quốc hội, ông Phúc cho biết: “Luật An ninh mạng sau khi Quốc hội có ý kiến, lắng nghe rất nhiều, tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội thì chắc chắn thông qua sẽ cao thôi. Còn nói sẽ ảnh hưởng đến sản xuất doanh nghiệp là không đúng”.
Làm rõ hơn vấn đề Luật An ninh mạng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, Ủy biên thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh cho biết, trong quá trình thẩm tra và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý Luật An ninh mạng, Uỷ ban Quốc phòng An ninh hết sức lắng nghe ý kiến cử tri, chuyên gia và đại diện một số quốc gia như Mỹ, Úc, Liên minh Châu Âu hay Liên minh internet viễn thông... Theo đó, nhiều vấn đề đã được tiếp thu, chỉnh lý đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng.
Ông khẳng định an ninh mạng không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là thách thức của toàn cầu. “Hiện nay nhiều nước cũng đang sửa đổi luật về an ninh mạng theo hướng của Việt Nam”, ông Hồng cho hay.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa 14 đã thông qua 7 Luật
7 Luật được Quốc hội thông qua gồm:
- Luật Đo đạc và bản đồ được ban hành nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ. Luật gồm 9 chương, 61 điều, quy định cụ thể về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.
- Luật An ninh mạng được ban hành nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời, phải phù hợp với thực tiễn, khả thi, tránh sự lạm dụng, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp. Đây là một dự án luật khó, đã được tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri, Nhân dân để phân định rõ giữa an ninh mạng và an toàn thông tin mạng, rà soát các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các chủ thể bảo vệ an ninh mạng.
Luật gồm 7 chương, 43 điều quy định về: biện pháp bảo vệ an ninh mạng, không gian mạng quốc gia; các hành vi bị nghiêm cấm; hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.
- Luật Tố cáo được sửa đổi toàn diện, gồm 8 chương, 67 điều quy định nhiều nội dung quan trọng về người có quyền tố cáo; quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; hình thức tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo; bảo vệ người tố cáo…
- Luật Cạnh tranh được sửa đổi toàn diện, gồm 10 chương, 118 điều với nhiều quy định mới quan trọng về: hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam; chính sách của Nhà nước về cạnh tranh; hạn chế cạnh tranh; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; quy trình tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh...
- Luật Quốc phòng được sửa đổi toàn diện, gồm 7 chương, 40 điều; quy định bổ sung, cụ thể hơn về nhiều nội dung như: quân sự; chiến tranh nhân dân; thế trận quốc phòng toàn dân; phòng thủ đất nước; chiến tranh thông tin; tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; thảm họa; công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Hội đồng nhân dân các cấp về quốc phòng; việc kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế - xã hội; quyền, nghĩa vụ của công dân “bình đẳng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”; phòng thủ quân khu; đối ngoại quốc phòng; hành vi bị nghiêm cấm; công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương...
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao đã sửa đổi, bổ sung các quy định về: thể dục, thể thao quần chúng; trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; thể thao thành tích cao (bổ sung cụ thể quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên; thẩm quyền ban hành luật thi đấu của môn thể thao); đặt cược thể thao; kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và thể thao bắt buộc có người hướng dẫn luyện tập; đất đai dành cho thể dục, thể thao…
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch được ban hành nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, loại bỏ các quy hoạch sản phẩm. Quy hoạch phát triển khu công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; quy hoạch phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ không tiếp tục được lập riêng mà được tích hợp trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh không lập riêng mà được tích hợp tại quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Bình luận