“Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự toàn diện ở Ukraine vào năm 2022, các đồng minh đã cung cấp viện trợ quân sự trị giá khoảng 40 tỷ euro cho Ukraine mỗi năm. Chúng ta phải duy trì ít nhất mức hỗ trợ này mỗi năm trong thời gian cần thiết”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Ông Jens Stoltenberg muốn 32 nước NATO chia sẻ gánh nặng một cách "công bằng" và sẵn sàng công bố kế hoạch tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Washington.
“Chúng tôi cần một cam kết chắc chắn về lâu dài để đảm bảo rằng Ukraine có thể lập kế hoạch, có khả năng cần thiết để tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ này”, ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh.
Vào tháng 4, ông Stoltenberg đã đưa ra mục tiêu tổng thể là 100 tỷ euro trong vòng 5 năm để hỗ trợ Ukraine, nhưng mục tiêu này vấp phải phản ứng từ nhiều nước thành viên.
Ngoại trưởng Séc Jan Lipavsky hoan nghênh đề xuất mới nhất của ông Stoltenberg, cho rằng đề xuất này khả thi vì chiếm một phần nhỏ trong chi tiêu quốc phòng của các nước.
Với việc Nga đang tiến hành cuộc tấn công lớn mới, các ngoại trưởng NATO đã gặp nhau tại Praha để đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tại Washington, kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh quân sự này và tìm kiếm những cách thức mới nhằm củng cố sức mạnh cho Ukraine.
Mỹ dẫn đầu trong nỗ lực viện trợ cho Ukraine. Washington đang nối lại viện trợ sau thời gian trì hoãn kéo dài nhiều tháng do tranh cãi tại Quốc hội Mỹ. Trong động thái mới nhất nhằm tăng cường hỗ trợ Kiev, Ngoại trưởng Blinken xác nhận Tổng thống Joe Biden đã ủy quyền cho Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ chống lại các mục tiêu xuyên biên giới vào Nga để đáp trả trực tiếp các cuộc tấn công.
NATO đang lên kế hoạch để liên minh này thay thế Mỹ trong việc điều phối cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đến nay, NATO vẫn chưa tham gia vào việc cung cấp vũ khí cho Kiev vì lo ngại Nga coi đây là một hành động khiêu khích.
Ông Stoltenberg lưu ý rằng các đồng minh NATO đã cung cấp 99% viện trợ quân sự cho Ukraine, nhấn mạnh "việc NATO đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực này là điều hợp lý”.
Bình luận