"Chúng tôi có thể nói rằng Tổng thống và Thủ tướng đang nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi. Chúng tôi đã bắt họ tại dinh thự của Tổng thống", một binh sĩ trả lời báo chí tối 18/8. Tuyên bố được ít nhất hai nguồn tin an ninh tại thủ đô Bamako, Mali, xác nhận.
Sự việc diễn ra vài giờ sau khi các binh sĩ nổi dậy tại căn cứ quân sự Kati ở ngoại ô Bamako, vây bắt một số quan chức dân sự cấp cao và sĩ quan quân đội. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy Tổng thống Keita cùng Thủ tướng Boubou Cisse xuất hiện trong đoàn xe quân sự với các binh sĩ có vũ trang xung quanh, nhưng hình ảnh chưa được kiểm chứng.
Hiện chưa rõ ai là người cầm đầu nhóm binh sĩ, ai sẽ lãnh đạo Mali khi Tổng thống Keita vắng mặt, hay động cơ của những thành phần nổi dậy là gì. Một phát ngôn viên quân đội Mali nói ông không có thông tin.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) gọi cuộc binh biến là một "nỗ lực đảo chính", cảnh báo rằng nó có thể gây bất ổn "không chỉ tại Mali, mà toàn bộ khu vực". Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi thả các quan chức Mali và "ngay lập tức khôi phục trật tự hiến pháp và thượng tôn pháp luật".
Liên minh M5-RFP, nhóm đứng sau các cuộc biểu tình lớn tại quốc gia Tây Phi kể từ tháng 6 nhằm kêu gọi Keita từ chức, đã bày tỏ sự ủng hộ với hành động của nhóm binh sĩ nổi dậy. Phát ngôn viên Nouhoum Togo của liên minh này cho hay đây "không phải đảo chính quân sự, mà là cuộc nổi dậy toàn dân".
Hàng trăm người biểu tình chống chính phủ đổ ra quảng trường trung tâm thủ đô Bamako để ăn mừng sau khi có tin đồn Keita đã bị bắt. Họ cáo buộc Tổng thống tham nhũng, làm suy yếu an ninh tại miền bắc và miền trung Mali, nơi các phiến quân Hồi giáo đang hoạt động.
Keita lên nắm quyền hồi năm 2013 và tái đắc cử vào năm 2018. Tuy nhiên, người dân ngày càng tức giận trước sự yếu kém của chính phủ, nạn tham nhũng và nền kinh tế sa sút. Những người biểu tình tháng trước xuống đường sau khi tòa án hiến pháp đảo ngược kết quả tạm thời của cuộc bầu cử quốc hội tổ chức hồi tháng 3 và tháng 4, trong đó đảng của Keita bị thất thế.
Sự việc gợi nhắc tới cuộc binh biến hồi năm 2012 tại Mali, cũng bắt đầu từ căn cứ Kati, sau đó dẫn tới đảo chính quân sự lật đổ tổng thống khi đó là Amadou Toumani Toure, đẩy miền bắc Mali vào tay các phiến quân Hồi giáo.
Lực lượng Pháp một năm sau đó đã can thiệp để đẩy lùi phiến quân. Tuy nhiên, chúng đã tập hợp lại và mở rộng tầm ảnh hưởng sang các nước láng giềng Burkina Faso và Niger, tấn công binh lính, dân thường cùng du khách phương Tây.
Quy mô của cuộc nổi dậy cũng chưa rõ ràng. Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết số lượng tương đối nhỏ thành viên của lực lượng vệ binh quốc gia, dường như tức giận vì vấn đề lương bổng, đã chiếm giữ một kho đạn dược. Một nguồn tin quân sự Pháp lại cho hay các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa chỉ huy quân đội Mali và những kẻ nổi dậy.
Bình luận