Theo Newsweek, sau khi được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng, ông Christopher Miller cho biết sẽ giảm quân ở Iraq và Afghanistan vào giữa tháng 1, nhằm đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Trump về việc rút quân khỏi các "cuộc chiến trường kỳ" tại Trung Đông.
Thông báo này được đưa ra sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien cho biết nhà lãnh đạo Mỹ muốn chấm dứt các cuộc chiến bất tận của Mỹ.
"Chúng ta hãy đưa tất cả các binh sỹ về nhà", ông Trump từng nhấn mạnh trong một bài phát biểu ở Nhà Trắng.
Tới nay, hầu hết các cuộc xung đột mà Mỹ tham gia đều nằm dưới vỏ bọc "ủy quyền quân sự" được Quốc hội Mỹ trao cho Tổng thống.
Năm 2003, dưới sự ủy quyền này, Tổng thống George W. Bush tuyên bố khởi động một “cuộc chiến chống khủng bố” nhắm vào al Qaeda và Osama bin Laden, được chính quyền Taliban ở Afghanistan hỗ trợ và cung cấp nơi trú ẩn.
18 năm trước đó, Tỏng thống George H.W. Bush phát động Chiến tranh vùng Vịnh.
Dưới sự chấp thuận của Quốc hội, Tổng thống Ronald Reagan năm 1983 đưa quân tới Lebanon.
Những tổng thống khác cũng để Mỹ tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang ở nước ngoài. Với cựu Tổng thống Barack Obama là cuộc nội chiến Libya năm 2011 trong khi ông Bill Clinton điều 20.000 lính tới tham gia Chiến tranh Bosnia vào năm 1995.
Lần cuối cùng mà một nhà lãnh đạo Mỹ không điều quân tham dự một cuộc xung đột là thời cựu Tổng thống Jimmy Carter (nhiệm kỳ 1977–1981). Giống như Trump, ông Carter cũng chỉ tại nhiệm một nhiệm kỳ.
Ông Carter từng khẳng định đây là thành tựu lớn nhất của ông trong suốt thời gian tại vị.
“Chúng tôi chưa bao giờ tham chiến. Chúng tôi chưa bao giờ ném bom. Chúng tôi chưa bao giờ bắn một viên đạn”, ông Carter nói với The Guardian vào năm 2011.
Dù không để Mỹ dính dáng tới xung đột, nhưng ông Trump từng ra lệnh không kích Syria năm 2017 và 2018 để đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nghi do chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành.
Bình luận