• Zalo

Tổng thống Trump sẽ không mạo hiểm triển khai quân sự tới Venezuela

Thế giớiThứ Ba, 05/02/2019 16:50:00 +07:00Google News

Truyền thông nước ngoài nhận định, Tổng thống Trump là người không thích rủi ro về mặt sử dụng biện pháp quân sự, nên khả năng ông điều quân tới Venezuela để ủng hộ phe đối lập là điều khó xảy ra.

Hôm 23/1, thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido tuyên bố chấm dứt tình trạng tiếm quyền của Tổng thống Maduro, cam kết sẽ lập ra một chính phủ chuyển tiếp giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay.

"Tôi tuyên thệ chính thức đảm nhận quyền lực hành pháp với tư cách Tổng thống Venezuela để thiết lập một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức một cuộc bầu cử tự do", ông Guaido, hiện là Chủ tịch Quốc hội Venezuela tuyên bố.

Không lâu sau lời tuyên thệ của ông Guaido, Tổng thống Trump công nhận thủ lĩnh của phe đối lập này là Tổng thống lâm thời của Venezuela và ca ngợi kế hoạch tổ chức bầu cử của ông này. Canada và nhiều quốc gia Nam Mỹ khác trong đó có người hàng xóm của Venezuela là Brazil và Colombia cũng đưa ra quan điểm tương tự.

guaido-venezuela-1-1719409

 Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido, người tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời Venezuela. (Ảnh: Politico)

Trong một động thái đáp trả, Tổng thống Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ, yêu cầu nhân viên Venezuela rời Mỹ, trở về nhà.  

Nỗi lo Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela nổi lên trong nhiều tuần qua kể từ khi Washington tuyên bố công nhận thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaidó là Tổng thống lâm thời của Venezuela. Mối quan ngại này càng gia tăng khi nhiều người phát hiện Cố vấn an ninh Nhà Trắng John Bolton mang tờ ghi chú có dòng chữ "5.000 quân tới Venezuela" tới cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 28/1.

Cũng trong cuộc họp này, ông Bolton bác bỏ thông tin Mỹ đang lên kế hoạch can thiệp quân sự vào Cacaras nhưng khẳng định tất cả các lựa chọn đều đang nằm trên bàn. 

Những diễn biến mới này làm dấy lên lo ngại về một cuộc nội chiến sẽ xảy ra ở quốc gia Mỹ Latinh hoặc Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào Cacaras. Trước những giả thiết này, tờ BBC đưa ra những phân tích dự đoán tình hình Venezuela trong thời gian tới. 

Áp lực bên ngoài

Theo BBC, các tuyên bố từ Mỹ, Canada hay nhiều quốc gia Mỹ Latinh, trong đó có 2 hàng xóm của Venezuela là Brazil và Colombia có thể thay đổi mọi thứ nhưng cũng chẳng thay đổi điều gì. 

Tổng thống Maduro về cơ bản vẫn sẽ nắm giữ đòn bẩy quyền lực. Các đối thủ của ông mặc dù nhận được sự ủng hộ từ quốc tế nhưng điều này về cơ bản sẽ là một công thức dẫn tới xung đột quân sự và đàn áp. 

2 chính quyền song song được nhiều nước công nhận sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu Tổng thống Maduro vẫn được các lực lượng thực thi pháp luật và trật tự, đặc biệt là quân đội ủng hộ. 

Trong tình hình như vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela sẽ còn tồi tệ hơn. 

venezuela-politics-1719058 3

 Người dân Venezuela biểu tình phản đối Tổng thống Maduro tại Cacaras hôm 23/1. (Ảnh: Reuters) 

Mỹ sẽ can thiệp thế nào?

Chính quyền Tổng thống Trump có rất nhiều lựa chọn vào thời điểm này giống như tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ rằng "mọi phương án đều đang được xem xét” khi ông được hỏi về khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela. 

Mỹ có thể tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, cũng có thể đóng băng các tài sản nhắm vào các cá nhân và thực thể liên quan tới chính quyền ông Maduro hoặc cảnh báo sẽ theo dõi sát sao nếu chính quyền và các chỉ huy quân sự có ý định tấn công nhằm vào dân thường hay tăng cường đàn áp. 

Tuy nhiên, đòn trừng phạt kinh tế dường như sẽ không có quá nhiều hiệu quả đối với một đất nước đang chìm trong khủng hoảng kinh tế và nếu có cũng sẽ chỉ làm cuộc sống của người dân quốc gia Nam Mỹ trở nên tồi tệ hơn. 

Còn với khả năng Mỹ can thiệp quân sự, BBC cho rằng nó khó có thể xảy ra. Tổng thống Trump là người không thích rủi ro về mặt triển khai quân sự. Có thể thấy rõ điều đó khi ông quyết định rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Syria và có thể sẽ là một nửa số quân của Mỹ ở Afghanistan. 

Vì vậy, khả năng ông điều quân tới Venezuela vào thời điểm hiện tại là không cao. Tuy nhiên, nếu Venezuela vẫn chìm trong khủng hoảng, Mỹ có thể sẽ kêu gọi can thiệp từ các quốc gia Mỹ La tinh và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, ở cấp độ quốc tế, mọi thứ sẽ không đơn giản khi Nga tuyên bố ủng hộ chính quyền của ông Maduro trong khi Trung Quốc từng nhiều lần nhấn mạnh họ không muốn can thiệp vào vấn đề nội bộ của các quốc gia khác. 

Hiện tại, chính quyền ông Maduro vẫn đang nắm giữ lợi thế vì nhận được sự ủng hộ từ quân đội, lực lượng tuyên bố không công nhận nhà lãnh đạo lâm thời bị chi phối bởi những lợi ích đen tối bên ngoài. Trước đó, ông Maduro thường xuyên tăng lương và tưởng thưởng cho sự trung thành của họ. Nhà lãnh đạo Venezuela cũng đưa các quan chức quân sự cấp cao vào các vị trí chủ chốt trong chính phủ. 

Theo BBC, chính sự trung thành này sẽ quyết định số phận của chế độ. Nhưng nếu quân đội và lực lượng an ninh xuất hiện bất đồng và chia rẽ, không loại trừ khả năng bạo lực sẽ lan rộng và khó kiểm soát. 

Cộng đồng quốc tế chia rẽ

Nga là một trong số ít các quốc gia tuyên bố ủng hộ chính quyền ông Maduro, trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Trump. Matxcơva cũng cảnh báo Mỹ không can thiệp quân sự vào Cacaras. 

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng việc nước ngoài can thiệp vào nội bộ của Vanezuela là không thể chấp nhận. Nga hiện đầu tư lớn vào ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela và có mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Cacaras. 

Cuối tháng 12, Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga điều hai máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack cùng 1 máy bay vận tải quân sự An-124 và 1 máy bay chở khách tầm xa Il-62 thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương dài 10.000 km tới Venezuela tham gia diễn tập quân sự. Matxcơva cũng được cho là đang cân nhắc thiết lập một căn cứ không quân chiến lược ở ngoài khơi Venezuela để đối phó với Mỹ. 

Ngoài Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico cũng lên tiếng ủng hộ ông Maduro.

_105330923_gettyimages-1124476942-594x594 (1)

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador lên tiếng ủng hộ chính quyền ông Maduro. (Ảnh: Getty)

Các quốc gia Mỹ Latinh đang chứng kiến sự chia rẽ về vấn đề này. Trong khi Brazil, Colombia, Chile, Peru, Ecuador, Argentina, Paraguay và Costa Rica ủng hộ quan điểm của Mỹ, Bolivia lại chỉ trích Washington "tấn công vào quyền tự quyết và dân chủ ở Nam Mỹ". 

Liên minh châu Âu trong khi đó kêu gọi Venezuela đảm bảo quá trình chính trị dẫn tới cuộc bầu cử tự do và công bằng. 

Phe đối lập có thể nhận được phần lớn sự ủng hộ từ bên ngoài nhưng quân đội Venezuela và người dân mới là những người quyết định vận mệnh của họ. 

Sức mạnh phe đối lập

Biểu tình phản đối Tổng thống Maduro là chuyện không mới ở Venezuela. Nhưng lần đầu tiên sau nhiều năm, phe đối lập đoàn kết để ủng hộ một lãnh đạo duy nhất. 

Ông Juan Guaido có thể là cái tên mới với nước ngoài nhưng lại là người truyền cảm hứng cho những người phản đối ông Maduro theo cách mà các lãnh đạo đối lập trước ông không làm được. Ông cũng kêu gọi những người ủng hộ chính phủ tham gia và các cuộc tuần hành phản đối. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn