Ngày 10/7, Tổng thống Trump bắt đầu chuyến công du 4 nước châu Âu giữa những tranh cãi sục sôi xung quanh vấn đề thương mại và chi phí quân sự với các đồng minh châu Âu và sự hoài nghi về việc ông sẽ đối thoại thế nào với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Không lâu sau khi đặt chân tới Bỉ tham gia Hội nghị thượng đỉnh NATO, nhà lãnh đạo Mỹ đã lên tiếng công kích Đức trong bữa sáng làm việc cùng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Brussels.
"Tôi rất buồn khi Đức đi tới một thỏa thuận dầu khí lớn với Nga. Trong khi chúng ta phòng vệ chống Nga, Đức lại chi trả hàng tỷ USD mỗi năm cho Matxcơva. Điều này không thích hợp", ông Trump nói, đồng thời nhấn mạnh Berlin đang bị Matxcơva kiểm soát hoàn toàn.
Thỏa thuận mà ông Trump nói đến được cho là dự án Nord Stream-2 (Dòng chảy phương Bắc 2), Nga và Đức sẽ xây dựng đường ống dẫn khí đốt có chiều dài 1.225km, xuất phát từ vịnh Narva thuộc khu vực biên giới giữa Nga và Estonia tới Lubmin, miền Đông bắc nước Đức, trong đó có 85km đường ống chạy bên trong lãnh thổ Đức.
"Điều này không bao giờ được phép xảy ra, Đức bị Nga kiểm soát hoàn toàn vì họ nhận được 60-70% năng lượng từ Nga thông qua một đường ống mới", ông chủ Nhà Trắng nói thêm.
Cùng với đó, nhà lãnh đạo Mỹ chỉ trích Đức chỉ bỏ ra hơn 1% GDP cho chi tiêu quốc phòng thay vì 2% như cam kết trong khi Washington phải bỏ ra tới 4,2%.
"Tôi nghĩ điều đó không công bằng. Kế hoạch của Đức là đảm bảo mức 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng tới trước năm 2030. Nhưng họ hoàn toàn có thể làm được điều đó vào ngày mai", ông nói.
Chỉ vài giờ sau những chỉ trích của Tổng thống Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới trụ sở NATO và lên tiếng phản pháo.
Video: Tổng thống Trump từ chối bắt tay Thủ tướng Merkel
"Chúng tôi từng trải qua thời kỳ Đức bị Liên Xô kiểm soát, chúng tôi đẫ thống nhất và tự do dưới tư cách Cộng hòa Liên bang Đức. Vì vậy tôi có thể nói rằng chúng tôi tự định đoạt mọi chính sách của mình, tự đưa ra quyết định của mình", bà Merkel nhấn mạnh.
Về cáo buộc Berlin không chịu tăng chi tiêu quốc phòng, bà Merkel khẳng định Đức đóng góp rất nhiều cho NATO, là quốc gia đóng góp số binh sĩ lớn thứ nhì trong tổ chức và việc Đức cho đến nay vẫn can thiệp quân sự ở Afghanistan cho thấy nước này cũng đang bảo vệ lợi ích của Mỹ.
Các bình luận qua lại giữa 2 lãnh đạo Đức và Mỹ ngay khi Hội nghị Thượng đỉnh NATO vừa mới khai mạc cho thấy chương trình nghị sự của hội nghị năm nay sẽ diễn ra rất căng thẳng.
Dự kiến, hội nghị sẽ kết thúc bằng một cuộc họp với sự tham gia của 29 nước thành viên NATO và 20 đối tác về tình hình Afghanistan vào ngày 12/7.
Bình luận