Trong thông báo thường lệ gửi Quốc hội Mỹ, ông Trump cho biết sẽ tiếp tục gia hạn "tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến Triều Tiên".
"Sự tồn tại và nguy cơ phổ biến vật liệu vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cùng với các hành động, chính sách của chính phủ Triều Tiên tiếp tục là mối đe dọa bất thường và to lớn đối với an ninh quốc gia, với chính sách đối ngoại, kinh tế của Mỹ", ông Trump viết nhằm giải thích lý do kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia sau hôm 16/6.
Tổng thống Trump cũng cho rằng, các hành động và chính sách của chính phủ Triều Tiên "gây bất ổn cho bán đảo Triều Tiên và các lực lượng vũ trang Mỹ, đồng minh và các đối tác thương mại trong khu vực".
Ông Trump đề cập đến việc Bình Nhưỡng theo đuổi các chương trình hạt nhân và tên lửa, có các hành động và chính sách "khiêu khích, gây bất ổn và đàn áp" khác.
Tình trạng này lần đầu tiên được tuyên bố vào ngày 26/6/2008, theo Sắc lệnh số 13466. Theo đó, Sắc lệnh này kêu gọi trừng phạt Triều Tiên đối với các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân, được mở rộng từ các đời tổng thống Mỹ trước đó.
Theo luật, tuyên bố khẩn cấp quốc gia sẽ tự động chấm dứt trừ khi tổng thống gia hạn trong vòng 90 ngày trước đó. Việc gia hạn này là thường lệ nhưng thời điểm hiện nay, căng thẳng cũng đang gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên và các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng.
Bình Nhưỡng hôm 16/6 đã phá hủy một văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc, cáo buộc Seoul không ngăn chặn những người đào thoát thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới.
Mỹ sau đó tuyên bố hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của Hàn Quốc trong quan hệ liên Triều và kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các hành động gây phản tác dụng
Trong 2 năm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau 3 lần để cố gắng đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Các cuộc đàm phán dừng lại kể từ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vào tháng 2/2019. Cuộc họp bị cắt ngắn do sự khác biệt thỏa thuận về phạm vi phi hạt nhân hóa và việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Bình luận