Tổng thống Trump có thể phạm sai lầm khi rút quân Mỹ khỏi Syria

Thế giớiThứ Bảy, 22/12/2018 07:39:00 +07:00

Việc quân đội Mỹ bất ngờ rời khỏi Syria có thể tác động xấu đến hình ảnh, lợi ích của Washington ở khu vực Trung Đông và toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/12 tuyên bố rút toàn bộ binh sĩ khỏi Syria. Động thái này diễn ra bất ngờ, nhưng không khó đoán bởi Trump hồi đầu năm nay khẳng định muốn rút quân Mỹ về nước càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, quyết định rút quân một cách triệt để và chớp nhoáng này có thể ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, theo Defense One.

Các chỉ huy quân đội từng thuyết phục Trump rút lại ý định rút quân khỏi Syria, đặc biệt là sau cuộc không kích vào các mục tiêu ở nước này hồi tháng 4. Ông chủ Nhà Trắng sau đó thông báo quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện ở Syria để tiếp tục cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Kể từ đó, các quan chức quân đội Mỹ coi như vấn đề đã được giải quyết, khi đưa ra một loạt tuyên bố khẳng định Mỹ sẽ hiện diện quân sự lâu dài ở Syria để ngăn Iran mở rộng tầm ảnh hưởng tại quốc gia này. Tuy nhiên, có vẻ như lập trường của Trump trong việc rút Mỹ khỏi những cuộc chiến hao người tốn của vẫn không bị lung lay.

181011114942-donald-trump-super-tease

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: CNN) 

Derek Chollet, cố vấn chính sách an ninh và quốc phòng tại Quỹ Marshall của Mỹ, cho rằng việc rút binh sĩ khỏi Syria của Trump là quyết định được đưa ra một cách vội vàng, thiếu sự tham vấn kỹ lưỡng và là một sai lầm.

Lý do rút quân của Trump là "IS đã bị đánh bại" ở Syria. Đây dường như là một tuyên bố chiến thắng của Tổng thống Mỹ trước phiến quân, nhưng nó trái ngược với đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ rằng nhóm khủng bố này chưa bị đánh bại hoàn toàn và vẫn đang tập hợp hàng chục nghìn tay súng còn sót lại trên lãnh thổ Syria.

Phiến quân IS đang cố thủ ở một số ngôi làng dọc thung lũng sông Euphrates, nơi chúng chứng tỏ khả năng phát động các cuộc phản công quy mô ngay cả khi hứng chịu thất bại lớn trên chiến trường. 

"Vấn đề nghiêm trọng nhất với quyết định rút quân là IS chưa bị đánh bại", Jennifer Cafarella, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chiến tranh Mỹ, khẳng định.

linh_my_yhbp 3

 Lính Mỹ làm nhiệm vụ ở Syria. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Trump tuyên bố rút quân chỉ vài ngày sau khi lực lượng dân quân người Kurd (YPG) do Mỹ hậu thuẫn tấn công cứ điểm do IS kiểm soát ở Hajin, đông Syria sau nhiều tháng bao vây, khiến phiến quân phải rút chạy. Hiện chưa rõ liệu YPG có đủ sức đối phó IS nếu thiếu hỏa lực yểm trợ đường không và pháo binh của quân đội Mỹ hay không.

Việc lính Mỹ gấp gáp rút về nước cũng khiến YPG, đồng minh được đánh giá là hiệu quả nhất của họ trong cuộc chiến chống IS, bị bỏ rơi hoàn toàn trước nhiều kẻ thù, trong đó có quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng coi dân quân người Kurd là một phong trào khủng bố cần bị tiêu diệt.

Mỹ rút quân đúng lúc Thổ Nhĩ Kỳ đang tập hợp lực lượng để phát động chiến dịch tấn công mới nhắm vào YPG. Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc YPG phải dồn lực lượng lên biên giới phía bắc để đối phó, để trống khu vực phía đông Syria, nơi IS có khả năng trỗi dậy và mở rộng hoạt động.

Nếu IS hồi sinh trong thời gian tới, Mỹ sẽ rất khó đối phó khi đã mất chỗ đứng chân ở Syria, đồng thời mất đi mạng lưới tình báo giá trị trong khu vực, điều từng xảy ra sau khi họ rút khỏi Iraq năm 2011. Việc từ bỏ các đồng minh người Kurd sẽ cản trở nỗ lực giành sự tin tưởng của những tay súng địa phương tại Afghanistan, Yemen hay Somalia trong tương lai.

Quyết định rút quân của Trump còn khiến Mỹ đánh mất hoàn toàn lợi thế trên bàn đàm phán ngoại giao trong nỗ lực tìm ra giải pháp kết thúc cuộc khủng hoảng Syria.

linh_my_o_syria_xehy 4

Dù nhiệm vụ chính tại Syria là đánh bại IS, quân đội Mỹ cũng muốn kiềm chế ảnh hưởng của Iran ở quốc gia này. 

Các chuyên gia phân tích cho rằng rút quân là sự nhân nhượng và tạo khoảng trống lớn cho các đối thủ địa chính trị lớn của Mỹ như Nga, Iran và chính quyền Syria. "Việc rút khỏi Syria khi cuộc chiến đang diễn ra là sai lầm lớn. Nó giống như rời khỏi đám cháy rừng khi ngọn lửa vẫn đang âm ỉ", đô đốc James Stavridis, cựu tư lệnh NATO, đánh giá.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 19/12 hoan nghênh động thái rút quân của Mỹ, cho biết quyết định này thắp lên hy vọng cho nền hòa bình lâu dài ở Syria. Giới quan sát cho rằng Nga có lý do để vui mừng, bởi khi không còn Mỹ ngáng đường, Moskva thể mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng tại Syria. Các tay súng nổi dậy hoạt động ở khu vực al-Tanf, gần căn cứ do Mỹ xây dựng, có thể bị tiêu diệt nhanh chóng một khi Mỹ rút hoàn toàn lực lượng khỏi căn cứ. 

Dưới sự hỗ trợ của Nga, quân đội Syria sẽ giành lại những vùng lãnh thổ trong tay phe nổi dậy và định đoạt cục diện cuộc chiến.

Dù nhiệm vụ chính tại Syria là đánh bại IS, quân đội Mỹ cũng muốn kiềm chế ảnh hưởng của Iran ở quốc gia này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 10 khẳng định mục tiêu của Mỹ là đẩy mọi lực lượng Iran và dân quân được Tehran hậu thuẫn khỏi Syria. 

Video: Nga vận chuyển tên lửa S-300 đến Syria

Việc Washington rút quân sẽ khiến nhiều khu vực ở miền nam Syria nằm trong quyền kiểm soát của các nhóm dân quân thân Tehran. Đây là một tin xấu với Israel, quốc gia luôn đối đầu với Iran và thường không kích Syria để ngăn động thái quân sự của nước này. Nó cũng chứng minh một điều rằng Mỹ đang hoàn toàn thiếu một chiến lược nhất quán nhằm đối phó với ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông.

Quyết định bất ngờ của Trump cũng gây lo ngại cho nhiều đồng minh, không chỉ ở khu vực Trung Đông. Tổng thống Mỹ từng công khai đe dọa rút quân Mỹ ở Hàn Quốc cũng như rút khỏi khối NATO nếu các đồng minh không gia tăng đóng góp tài chính. "Sau Syria, không có gì đảm bảo Mỹ sẽ không có động thái tương tự với Hàn Quốc và NATO", Chollet nhận xét.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn