Kho tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vẫn chưa có tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nào có thể bắn tới lục địa Mỹ. Tuy nhiên, chương trình tên lửa Triều Tiên đang có tốc độ phát triển rất nhanh, được minh chứng bằng vụ phóng thử tên lửa đạn đạo vào ngày 14/5.
Vụ phóng thử, nếu đi theo quỹ đạo tiêu chuẩn sẽ đạt tầm bắn tới 4.023 km, đủ khả năng tấn công căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam. Daily Mail dẫn lời ông David Wright và Markus Schiller, 2 nhà khoa học hàng đầu đã phân tích những gì xảy ra nếu Triều Tiên tấn công nước Mỹ bằng tên lửa.
10 phút cho ông Trump
“Thời gian là rất ngắn, ngay cả đối với tên lửa tầm xa, cần rất nhiều bước để phát hiện ra việc phóng tên lửa, xác định quỹ đạo. Tổng thống có lẽ chỉ có 10 phút để quyết định có nên tấn công trả đũa hay không”, David Wright, giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu, nói.
Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa trên đất liền của Mỹ có thể phóng tên lửa trong vòng 5 phút, 15 phút với các tên lửa trên tàu ngầm hạt nhân sau khi nhận lệnh từ tổng thống. Thời gian cần thiết để ICBM bay được quãng đường 5.500 km ít hơn 20 phút.
Khoảng cách từ Triều Tiên đến New York hoặc Washington khoảng dưới 11.000 km. Nhà khoa học Markus Schiller cho biết tên lửa sẽ mất khoảng 30 phút, hoặc gần 40 phút để bay từ Triều Tiên đến Mỹ.
Trong vòng 10 phút ít ỏi đó, nếu tổng thống do dự, nước Mỹ có thể phải hứng chịu tổn thất nghiêm trọng. Nếu Triều Tiên nhắm tên lửa vào các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, hoặc Nhật Bản, thời gian để phản ứng thậm chí còn ít hơn.
Nếu Hàn Quốc bị tấn công, thời gian phản ứng chỉ khoảng 6 phút. Nếu tên lửa hướng về Nhật Bản, thời gian đối phó cũng chỉ 10 phút. Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD ở Hàn Quốc, Nhật Bản có hệ thống phòng thủ tầm xa Aegis BMD và tầm thấp Patriot.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại các hệ thống này có thể bị áp đảo nếu Bình Nhưỡng phóng loạt nhiều tên lửa cùng lúc. Bình Nhưỡng từng phóng loạt 4 tên lửa đạn đạo cùng lúc càng làm tăng mối quan ngại này.
Mỹ đang phụ thuộc vào hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền (GMD), với căn cứ chính ở Vandenberg, California và Fort Greely, Alaska để đánh chặn, cùng với sự hỗ trợ của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD.
Video: Lính Triều Tiên khoe kỹ năng mình đồng da sắt gây sốc
Tuy vậy, các nhà phê bình hoài nghi năng lực đánh chặn của hệ thống GMD, 40 tỷ USD đã được chi cho chương trình nhưng có đến 6 thất bại trong 9 lần thử nghiệm từ năm 2002-2016. Giới phê bình cho rằng hệ thống này không đánh tin cậy và chưa đối phó được với các loại mồi bẫy.
Liên minh các nhà khoa học Mỹ cho rằng, GMD là giải pháp phòng thủ không đáng tin cậy và lãng phí. Các quan chức Mỹ đã làm phức tạp những nỗ lực ngoại giao ở nước ngoài và duy trì ý thức sai về an ninh có thể làm hại công chúng Mỹ.
Bước tiến lớn của Bình Nhưỡng
Cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất của Triều Tiên đánh dấu bước tiến quan trọng của Bình Nhưỡng trong việc tiến tới sản xuất một ICBM có thể tấn công lục địa Mỹ, chuyên gia cảnh báo. Ngày 14/5, Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12, tên lửa bay được khoảng 787 km nhưng có độ cao quỹ đạo lên đến 2.111 km.
John Schilling, chuyên gia về vũ trụ, cho biết đợt phóng thử này thể hiện mức độ chưa từng thấy trước đó trong các thử nghiệm tên lửa trước đây của Triều Tiên, trong một bài phân tích trên trang web 38 North ở Mỹ.
Vụ phóng hôm 14/5, Bình Nhưỡng cố tình bắn tên lửa lên quỹ đạo cao nhất để tránh ảnh hưởng đến an ninh các quốc gia lân cận. Tuy nhiên, nếu tên lửa phóng theo quỹ đạo chuẩn, tên lửa sẽ đạt tầm bắn ít nhất 4.000 km, gần một nửa quãng đường để tiếp cận lục địa Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo nói vụ phóng thử là thành công. Khi được hỏi liệu chương trình tên lửa của Triều Tiên có phát triển nhanh hơn dự kiến, Bộ trưởng Han thừa nhận là có.
Bình luận