"Tôi đã rất mong chờ tới Đan Mạch nhưng tôi nghĩ rằng tuyên bố của Thủ tướng nước họ đưa ra là vô lý và khó chịu. Thay vì nói ý tưởng mua Greenland là vô lý, bà ấy có thể nói rằng nước mình không quan tâm tới việc mua bán", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 21/8.
Tuần trước, tờ Wall Street Journal loan tin về ý tưởng mua đảo Greenland thuộc lãnh thổ của Đan Mạch của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen hôm 18/8 khẳng định Greenland không phải để bán và nhấn mạnh việc mua hòn đảo này là vô lý.
Một ngày sau đó, ông Trump tuyên bố hoãn chuyến thăm tới Đan Mạch dự kiến sẽ diễn ra vào 2 tuần tới.
Động thái này khiến bà Frederiksen cùng nhiều chính trị gia quốc gia Bắc Âu bất ngờ.
"Thật tiếc nuối và ngạc nhiên khi nhận được tin Tổng thống Trump hủy bỏ chuyến đi. Tôi đã mong muốn có một cuộc đối thoại về nhiều lợi ích chung giữa Đan Mạch và Mỹ, bao gồm kêu gọi hợp tác hơn giữa Mỹ, Greenland, đảo Faroe và Đan Mạch để phát triển thêm ở Bắc Cực", bà Frederiksen nói, cho biết thêm rằng Đan Mạch đã chuẩn bị đủ mọi thứ để tiếp đón nhà lãnh đạo Mỹ.
Cựu Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen thậm chí còn nói tuyên bố của ông Trump nghe như trò đùa Cá tháng Tư.
"Cảm thấy hỗn loạn hoàn toàn với ông Donald Trump và việc ông ta hủy bỏ chuyến thăm cấp nhà nước tới Đan Mạch. Một cơ hội lớn để tăng cường đối thoại giữa các đồng minh đã trở thành một khủng hoảng ngoại giao", cựu Ngoại trưởng Đan Mạch Kristian Jensen, một thành viên của Đảng Tự do đối lập bình luận trên Twitter.
Greenland thu hút sự chú ý từ các cường quốc thế giới bao gồm Trung Quốc, Nga và Mỹ do vị trí chiến lược và sự giàu có về khoáng sản, là lãnh thổ tự trị nhưng kém phát triển và dựa vào Đan Mạch về kinh tế.
"Về cơ bản, đây là một bản hợp đồng bất động sản lớn. Rất nhiều điều có thể được thực hiện. Đan Mạch đang chịu tổn thất vì mỗi năm họ phải chi gần 700 triệu USD để gánh vác nơi này", ông Trump nói về ý tưởng mua Greenland của mình.
Theo các chuyên gia, việc Tổng thống Trump dòm ngó tới vùng lãnh thổ nằm giữa Bắc Cực và Đại Tây Dương có thể xuất phát từ việc Trung Quốc đang tăng cường hoạt động ở Bắc Cực.
Bình luận