• Zalo

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Nga: Một mũi tên trúng nhiều đích

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 05/08/2022 15:08:28 +07:00Google News
(VTC News) -

Hôm nay (5/8), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Nga, và sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin tại Sochi.

Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay nội dung thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo xoay quanh các vấn đề khu vực cũng như các biện pháp nhằm cải thiện mối quan hệ song phương. Đây là cuộc gặp trực tiếp lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong vòng 2 tuần.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Nga: Một mũi tên trúng nhiều đích - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại Tehran, Iran hôm 19/7. (Ảnh: AP).

Ý nghĩa của chuyến thăm đối với quan hệ Nga - Thổ

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có những quan hệ chặt chẽ trong nhiều vấn đề nóng của khu vực và toàn cầu hiện nay như liên quan tới tình hình Syria, Iraq, vấn đề xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, vai trò trung gian hòa giải Nga và Ukraine, tình hình Trung Á, Biển Đỏ.

Trước hết, Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng đạt được sự hiểu biết với Nga, tác nhân quan trọng nhất trong khu vực Trung Đông, nước có ảnh hưởng mạnh nhất đối với chế độ Syria và quyền kiểm soát không phận Syria. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ rất lo ngại vấn đề an ninh ở biên giới với Syria và Iraq. Nước này muốn đẩy lùi các cuộc tấn công bằng cách triển khai quân sự trên thực địa vào sâu lãnh thổ Syria mà cần có sự đồng ý của Nga hoặc là bật đèn xanh từ Nga.

Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ukraine, Liên hợp quốc đang hợp tác thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, chuyến hàng đầu tiên đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để chuyển tới Lebanon. Đây là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ nâng cao uy tín trong khu vực. Thứ ba, hai nước đang hợp tác đầu tư nhà máy điện hạt nhân Akkuyu với việc Nga đầu tư 20 tỷ USD sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ tư, Nga đang trục xuất các công ty Thổ Nhĩ Kỳ khỏi một số dự án với lý do vi phạm các điều khoản của hợp đồng và hủy hợp đồng trong lĩnh vực du lịch và bất động sản ở Nga. Do đó, có thể nói, cuộc gặp ở Sochi đưa ông Erdogan và ông Putin lại gần nhau hơn, có khả năng tạo ra những hiểu biết mới góp phần giúp hai nước bỏ qua một số xung đột lợi ích.

Tuy nhiên, cuộc gặp liên tiếp cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết hoàn thành cuộc chiến chống lại các tổ chức liên kết với PKK ở miền Bắc Syria, loại bỏ chúng khỏi biên giới của mình. Dự báo, cuộc gặp thượng đỉnh song phương trực tiếp luôn có thể đạt được những bước đột phá, đặc biệt là vì các hồ sơ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ rất nhiều và rất quan trọng.

Tác động tới tình hình khu vực

Hai nước có nhiều hồ sơ liên quan và các vấn đề này đều gắn với lợi ích cả về kinh tế, chính trị, quân sự cũng như ảnh hưởng ở Trung Đông. Quan hệ này được cải thiện càng mang lại nhiều lợi ích cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất là trong bối cảnh Nga đang chịu sức ép và các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần có Nga để đảm bảo an ninh, cân bằng đối trọng với Mỹ, cải thiện kinh tế trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một nút thắt quan trọng cho việc vận chuyển khí đốt của Nga đến Nam và Trung Âu.

Trong nội bộ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang phải đối mặt với sức ép phản đối việc ông tiếp tục nắm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2023, đồng thời phải chịu một cuộc khủng hoảng niềm tin lớn đối với tất cả các quốc gia xung quanh.

Với khu vực, sự hợp tác tích cực Nga – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề nóng hiện nay như có thể giảm leo thang và xung đột ở Syria, Libya, hỗ trợ ổn định an ninh ở Iraq, tạo nguồn cung ngũ cốc từ việc mở đường cung từ Ukraine cho Trung Đông, châu Phi hay vấn đề khí đốt. Bởi vì cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có những ảnh hưởng lớn ở Trung Đông. Sự hợp tác này còn điều chỉnh cân bằng đối trọng ảnh hưởng với Mỹ và phương Tây ở khu vực, góp phần giảm leo thang, xây dựng ổn định.

Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết các vấn đề nóng ở khu vực và toàn cầu

Các chuyên gia cho rằng, trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO duy nhất thể hiện sự linh hoạt, năng động và thực dụng trong chính sách đối ngoại của mình, chủ yếu nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Trong bối cảnh đối đầu ngày càng tăng giữa Nga với phương Tây, họ đang xem xét nghiêm túc những rủi ro của việc Washington chính thức mất vai trò lãnh đạo chính trị và kinh tế toàn cầu và chia rẽ các cấu trúc của phương Tây như NATO và Liên minh châu Âu.

Trên thực tế, quan điểm của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Ukraine hoàn toàn khác nhau. Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận Crimea là của Nga, đồng thời công khai bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Kiev, trang bị vũ khí cho Lực lượng vũ trang Ukraine và thậm chí tiến hành các cuộc tập trận chung với quân đội Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ bán máy bay không người lái Bayraktar TB2 cho Kiev và chúng được sử dụng để chống lại Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên trì thể hiện vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, xuất phát từ chính lợi ích của nước này. Theo chuyên gia quân sự Alexander Perendzhiev, Ankara đang chuyển từ hỗ trợ Kiev sang vị thế đứng trên cuộc xung đột, sang một nhà gìn giữ hòa bình. Vì một số quốc gia NATO, chẳng hạn như Mỹ, Pháp và Hy Lạp, một số quốc gia thuộc phương Tây muốn gia nhập liên minh này, như Phần Lan và Thụy Điển, khá công khai phớt lờ và xâm phạm lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, và đôi khi thực hiện các hành động gây hấn chống lại Ankara.

Đối với vấn đề Syria, mặc dù cùng tham gia trong định dạng Astana, nhưng quan điểm cũng như sự ủng hộ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cho các lực lượng ở đây là khác nhau. Dư luận cho rằng, tại hội đàm ở Sochi lần này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải làm rõ quan điểm của mình, bắt đầu tương tác với Nga và Iran ở Syria, và cũng từ bỏ một số thứ.

Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ phải tuân thủ các thỏa thuận đã được thống nhất vào ngày 5/3/2020, liên quan đến việc rút các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc đường cao tốc M-4 (Latakia-Aleppo) và quay trở lại thỏa thuận Adana năm 1999 được ký kết giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia, chính thức công nhận chế độ của Tổng thống Syria Assad và tạo ra mối quan hệ mới với Damascus trong tầm nhìn khu vực mà không có chỗ cho Mỹ.

Về cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan, trong khi Armenia là thành viên của Tổ chức hiệp ước về an ninh tập thể do Nga dẫn đầu. Nga coi trọng quan hệ hợp tác truyền thống trên nhiều lĩnh vực với cả Azerbaijan và Armenia. Do vậy, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tiếp tục thảo luận để giải quyết cuộc xung đột vẫn âm ỉ tại đây.

Nói chung, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là vừa hợp tác vừa kiểm soát bất đồng, mà không phải là một liên minh hoàn toàn thống nhất. Trong bối cảnh hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ cần sự hợp tác với Nga để vượt qua những khó khăn của nền kinh tế như lạm phát cao, đồng lira mất giá, sự ủng hộ của cử tri đối với Tổng thống giảm sút. Phe đối lập phản đối Tổng thống tái tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm 2023.

Về đối ngoại, Thổ Nhĩ Kỳ cần sự hỗ trợ của Nga để giải quyết một số vấn đề nóng trong khu vực như ở Syria, Libya, bất đồng với Hy Lạp, gia tăng ảnh hưởng ở Đông Địa Trung Hải và Trung Đông.

Về phần mình, Nga cũng cần sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ để vượt qua khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây, rõ nhất là đẩy mạnh hợp tác song phương về kinh tế-thương mại-năng lượng.

Ngọc Thạch, Anh Tú(VOV)
Bình luận
vtcnews.vn