Mỹ thông báo các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Iran được kích hoạt theo cơ chế "tự động nối lại" (snapback) theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, bất chấp nước này đã rút khỏi thỏa thuận hai năm trước.
Khi các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân với Iran nghi ngờ tính pháp lý của động thái trên, Mỹ cảnh báo sẽ buộc các quốc gia này "phải chịu hậu quả" nếu không tuân thủ. Tuy nhiên, Tổng thống Hassan Rouhani nói chiến dịch của Mỹ nhằm gây áp lực tối đa lên Iran đã phản tác dụng.
"Chúng tôi có thể nói rằng 'áp lực tối đa' của Mỹ nhằm vào Iran, xét trên khía cạnh chính trị và pháp lý, đã trở thành sự cô lập tối đa với nước này", Rouhani nói trên truyền hình ngày 20/9.
Lệnh cấm vận vũ khí thông thường nhằm vào Iran được dỡ bỏ theo Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) được ký với Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức năm 2015 về chương trình hạt nhân của quốc gia Trung Đông. Theo thỏa thuận, Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc giảm bớt lệnh trừng phạt quốc tế.
Tổng thống Donald Trump năm 2018 tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA do thỏa thuận "không hiệu quả", đồng thời thực hiện chiến dịch gây áp lực tối đa với Iran bằng cách áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với nước này, bất chấp sự phản đối của các nước còn lại trong thỏa thuận. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định vẫn là một bên tham gia JCPOA và có thể kích hoạt cơ chế "snapback".
"Snapback" được Mỹ đưa vào JCPOA, quy định các thành viên được quyền yêu cầu Liên Hợp Quốc khôi phục các lệnh cấm vận với Iran nếu phát hiện nước này vi phạm thỏa thuận. Để chống lại việc kích hoạt điều khoản này, Hội đồng Bảo an sẽ phải thông qua một nghị quyết nới cấm vận Iran trong 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo của Mỹ.
Việc kích hoạt "snapback" được coi là động thái quyết liệt nhất của Mỹ nhằm trừng phạt Iran tới cùng, sau khi Hội đồng Bảo an khước từ đề xuất gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Tehran do Mỹ đưa ra. Là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Mỹ có quyền phủ quyết bất cứ nghị quyết nới cấm vận nào với Iran, khiến không ai có thể cản được cơ chế trừng phạt "snapback".
Nhà Trắng dự kiến ban hành một sắc lệnh hành pháp hôm nay, nêu rõ cách thức Mỹ sẽ thực thi các lệnh trừng phạt đã được khôi phục. Bộ Tài chính Mỹ sẽ liệt kê những hình thức trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức vi phạm.
Bình luận