Ngày 22/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận với các quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Nga tại Học viện Tên lửa Chiến lược ở phía đông thủ đô Matxcơva.
Đây là cơ sở đào tạo ra các sĩ quan tương lai, những người sẽ phụ trách kho vũ khí hạt nhân của Nga. Học viện này bao gồm các giảng đường tiện nghi, các phòng thí nghiệm hiện đại và các loại mô hình tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Tại đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu ra quan điểm của mình về tầm nhìn cho việc xây dựng lực lượng quân đội Nga – lực lượng nhỏ, cơ động, đầy đủ vũ khí và chuyên nghiệp có khả năng tác chiến tốt hơn nhiều so với NATO nhờ vào sự vượt trội về công nghệ.
“Nga phải nằm trong số những nước đứng đầu và trong một số lĩnh vực phải đứng ở vị trí số 1 trong việc xây dựng quân đội thế hệ mới, quân đội với mô hình công nghệ mới.
Đây là vấn đề ưu tiên hàng đầu để đảm bảo chủ quyền, hòa bình và sự an toàn cho công dân của chúng ta, cho sự phát triển bền vững của đất nước, cho việc theo đổi chính sách ngoại giao mở và độc lập dựa trên lợi ích của đất nước”, ông Putin phát biểu.
Tổng thống Nga so sánh mức chi cho quốc phòng của Nga, vào khoảng 80 tỷ USD trong năm 2018 và được ước tính chiếm khoảng 2,85% GDP, so với khoản ngân sách khổng lồ hơn 700 tỷ USD của Mỹ và cho rằng Nga chỉ có thể giải quyết được chênh lệch cực lớn nói trên bằng cách sử dụng chất xám.
“Chúng ta cần trở nên thông minh. Chúng ta sẽ không thuần túy dựa vào sức mạnh quân sự và chúng ta sẽ không bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang vô nghĩa làm kiệt quệ nền kinh tế. Chúng ta không cần vô số các căn cứ quân sự trên toàn thế giới và cũng không đóng vai trò sen đầm quốc tế”, Tổng thống Nga tuyên bố.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhiều lần đề cập đến trí tuệ nhân tạo và ông cho rằng trí tuệ nhân tạo đóng vai trò là bước tiến quyết định đối với các quốc gia hoàn thiện được công nghệ này. Nhiều chuyên gia nhận định rằng trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong quân đội Nga ở tương lai không xa.
Trung tâm Chỉ huy Quân sự của Nga được khánh thành hơn 3 năm về trước “có nhiều yếu tố có thể gọi là liên quan đến trí thông minh nhân tạo”, chuyên gia quân sự Aleksey Leonkov nhận định.
Các thuật toán tự học được dùng để phân tích và tổng hợp khối lượng khổng lồ dữ liệu thu được từ các nguồn quân sự và dân sự, như báo cáo của các căn cứ hay hình ảnh của vệ tinh, từ đó tăng cường đáng kể hiệu quả công tác hậu cần và thông tin.
Video: Quân đội Nga thử thành công tên lửa đánh chặn cực mạnh
“Công tác hậu cần trong chiến dịch tại Syria bao gồm việc cung cấp và vận chuyển lượng lớn hàng hóa một cách tối ưu xét về mặt kinh tế. Dữ liệu về việc sử dụng đạn dược và hoạt động di chuyển của các con tàu được truyền về do các thuật toán AI xử lý”, ông Leonkov cho biết.
Lĩnh vực khác mà trí tuệ nhân tạo rất phù hợp là tự động nhận diện các mối đe dọa với việc nhận diện các vật thể trên cơ sở kết hợp hình ảnh trên không, hình ảnh vệ tinh và dữ liệu của các trạm radar, ông Leonkov giải thích. Hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể được dùng để xác định đâu là mục tiêu thật và đâu là mục tiêu giả.
Yếu tố con người ở thời điểm hiện tại vẫn đóng vai trò quan trọng bởi trình động công nghệ hiện tại chưa cho phép các hệ thống máy móc bắt kịp khả năng của con người, chuyên gia này giải thích. Song ông Leonkov nhận định 1 đội tác chiến với thuật toán AI có thể nhận diện được môi trường chiến đấu tốt hơn và sẽ có ưu thế hơn trên chiến trường.
Bình luận