Hôm 26/4, ông Guterres có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga trong khuôn khổ chuyến thăm Moskva.
Hình ảnh truyền thông Nga đăng tải về cuộc trao đổi cho thấy ông Guterres và ông Putin ngồi ở hai đầu đối diện của chiếc bàn dài 6 m tại điện Kremlin.
Chiếc bàn này từng gây chú ý khi Tổng thống Nga sử dụng nó trong các cuộc hội đàm với các lãnh đạo phương Tây, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Điện Kremlin trước đó giải thích chiếc bàn siêu dài được sử dụng như một nghi thức ngoại giao để ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19, là biện pháp đảm bảo khoảng cách giữa Tổng thống Putin và các vị khách.
“Không có gì kinh khủng hay đặc biệt ở đây cả. Chúng tôi đang trong giai đoạn áp dụng các biện pháp đặc biệt”, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Tổng thống Nga cho biết.
Ông này nói thêm rằng các biện pháp giãn cách này là “tạm thời”, được áp dụng để đề phòng Omicron – biến chủng COVID-19 có khả năng lây nhiễm cao và thường không gây triệu chứng.
Theo AFP, các lãnh đạo nước ngoài, nhà báo và quan chức cần tự cách ly trước khi gặp Tổng thống Putin. Các phái đoàn ngoại giao và báo chí nước ngoài muốn đến điện Kremlin cần cung cấp 3 kết quả xét nghiệm PCR âm tính 4 ngày trước chuyến thăm. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo gặp mặt trực tiếp ông Putin cần đồng ý xét nghiệm do điện Kremlin tổ chức hoặc ngồi ở phía xa của bàn.
Trong trường hợp của Tổng thống Macron và Thủ tướng Scholz, 2 lãnh đạo Pháp-Đức được cho là đã từ chối làm xét nghiệm của điện Kremlin và đưa kết quả từ bác sĩ riêng.
Không chỉ trong các cuộc gặp lãnh đạo nước ngoài, ông Putin cũng sử dụng bàn dài trong cuộc gặp với các quan chức Nga. Hồi giữa tháng 2, Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cũng ngồi xa ông Putin khi báo cáo về tình hình Ukraine.
Trong cuộc hội đàm hôm 27/4, Tổng thống Putin đảm bảo với Tổng thư ký Liên hợp quốc rằng Nga tạo mọi điều kiện cho sơ tán dân thường.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh tình hình ở Mariupol phức tạp nhưng không có giao tranh và nhà máy Azovstal đã hoàn toàn bị cô lập.
Về phần mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định cơ quan này sẵn sàng sử dụng tất cả các nguồn lực của mình để cùng với chính quyền Nga và Ukraine tạo ra cơ hội, đảm bảo việc sơ tán người dân ở Mariupol. Theo ông, đó sẽ là một quá trình dài, cần thiết lập các hình thức hợp tác cụ thể.
Ông Guterres cũng đề xuất thành lập Nhóm liên lạc nhân đạo, trong đó Liên hợp quốc, Nga và Ukraine có thể cùng nhau thảo luận về tình hình để các hành lang này thực sự hiệu quả.
Bình luận