• Zalo

Tổng thống Putin nêu điều kiện khôi phục quan hệ với Ukraine

Thế giớiThứ Ba, 19/03/2019 15:37:00 +07:00Google News

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu ra các điều kiện để có thể khôi phục mối quan hệ giữa Mátxcơva và Kiev.

Ngày 18/3, trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày Bán đảo Crưm sáp nhập vào Nga, Tổng thống Putin khẳng định người dân Nga và người dân Ukraine không ở trong bất cứ tranh chấp nào, tuy vậy Mátxcơva có một số điểm khó có thể đồng thuận với Kiev, với chính phủ Ukraine hiện tại và tình hình khó có thể thay đổi.

TongthongPutinthamCrimea1_KHRQ 4

 Tổng thống Vladimir Putin đến Crimea dự lễ kỷ niệm 5 năm Bán đảo này sáp nhập vào Nga. (Ảnh: AP)

Bài phát biểu của Tổng thống Putin có đoạn: “Quan hệ giữa Nga và Ukraine vẫn tốt đẹp, nhưng Mátxcơva và chính quyền Ukraine hiện tại không hiểu nhau và không thể tìm được tiếng nói chung”.

Nhà lãnh đạo Nga cũng thừa nhận những quyết định của chính quyền Ukraine hiện tại đôi khi khiến Điện Kremlin kinh ngạc và hoang mang.  

Trong bài phát biểu ngày 18/3, Tổng thống Putin cũng nói về các điều kiện để Matxcơva và Kiev khôi phục mối quan hệ. Ông cho biết: “Chỉ cần Ukraine có những quyết định sáng suốt, chúng tôi cũng sẽ cho xây dựng mối quan hệ ở cấp độ lãnh đạo. Hy vọng rằng xu hướng đối địch với Nga thể hiện trong cuộc tranh cử ở Ukraine, như những gì mà chúng tôi đang chứng kiến, sẽ giảm dần và tạo ra một số điều kiện nhất định cho sự phát triển mối quan hệ song phương”.

2

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. (Ảnh: Rusmi)

Bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trước đó không lâu tuyên bố rằng sẽ đòi lại Crưm từ Nga trong một chiến dịch tranh cử. Ông Poroshenko tuyên bố: “Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ giao dịch hay thỏa thuận nào. Và Crưm phải được trả lại cho Ukraine. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng quá trình này được thực hiện càng sớm càng tốt, ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống”.

Theo đánh giá của ông Oleg Morozov, một thành viên của Ủy ban quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang Nga, ông Poroshenko chỉ đơn giản là đang “làm trò” trước cử tri. Những “lời hứa” kiểu như vậy của Tổng thống Ukraine chủ yếu là nhằm thu hút sự chú ý của phương Tây.

Trong khi đó, Chủ tịch hội đồng chính trị đảng “Nền tảng đối lập – Vì cuộc sống” của Ukraine, ông Viktor Medvedchuk lại khẳng định rằng việc chối bỏ Hiệp ước hữu nghị với Nga là một sai lầm của chính quyền Ukraine. Vị chính trị gia nói: “Đây là một sai lầm của Tổng thống Ukraine, một sai lầm của Quốc hội. Chúng ta thực sự đã từ chối gia hạn một thỏa thuận lớn, và từ ngày 1/4 hiệp ước này sẽ chấm dứt”.

Ông Medvedchuk cho biết thêm rằng Hiệp ước này điều chỉnh nhiều khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ tương tác giữa hai nước và việc thiếu đi một Hiệp ước hữu nghị mới sẽ khiến người Ukraine sống ở Nga không có được sự bảo vệ pháp lý.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, tuyên bố rằng việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine sẽ không đảm bảo lợi ích của bất cứ bên nào.

3 3

Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Nga và Ukraine chấm dứt. (Ảnh: Ugyalta) 

Ngày 12/3 vừa qua, Ukraine xác nhận đã nhận được công hàm từ Nga liên quan đến Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác không được gia hạn giữa 2 nước. 

Tháng 9/2018, Ukraine đã thông báo chính thức cho Nga về ý định rút khỏi Hiệp ước này. Ba tháng sau đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký thông qua luật chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị và nói rằng, đây là “một phần chiến lược chuyển hướng sang châu Âu của Ukraine”. 

Để giải thích cho quyết định chấm dứt Hiệp ước hữu nghị với Nga, nhà lãnh đạo Ukraine đã viết trên tài khoản mạng xã hội của mình rằng: “Không nên coi việc ngừng gia hạn Hiệp ước về tình hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Ukraine và LB Nga là một tình tiết độc lập, mà nên coi đó là một phần trong chiến lược chia tay với quá khứ và định hướng lại theo châu Âu của chúng ta”.

Cơ quan Thông tin và báo chí của Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng động thái đó của ông Poroshenko sẽ gây ra thiệt hại đáng kể cho lợi ích quốc gia của chính Ukraine. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết họ rất tiếc về việc chấm dứt Hiệp ước và gọi hành động chấm dứt Hiệp ước của ông Poroshenko là 'tự bắn vào chân mình'.

Quyết định rút khỏi Hiệp ước hữu nghị với Nga của ông Poroshenko cũng bị chỉ trích bởi một nghị sỹ Ukraine. Nghị sỹ Vadim Rabinovich cho biết: “Việc dỡ bỏ các thỏa thuận với Nga ngày hôm nay đồng nghĩa với việc mỗi người dân Ukraine sẽ bị mất đi 500 Hryvnia (khoảng 430 nghìn đồng) và khiến giá cả tăng lên. Khi phá vỡ Hiệp ước này, người chịu tổn thất sẽ là Ukraine, bởi vì Nga vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của đất nước”.

Cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ukraine, ông Yevgeny Chervonenko, cũng tin rằng nước này sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ kinh tế nếu quan hệ với phía Nga tiếp tục xấu đi. Theo vị chính trị gia này, Ukraine nên theo đuổi một chính sách độc lập, chứ không phải là một “kẻ ăn xin hạ đẳng” đối với các nước phương Tây.

Video: Tổng thống Putin tại buổi lễ khánh thành cầu Crưm

Cựu đại biểu Quốc hội Nga, ông Vladimir Oleinik, chỉ ra rằng các doanh nghiệp Ukraine cũng không tán thành với các chính sách của Kiev. Ông này khẳng định: “Trong điều kiện phức tạp như hiện nay Nga vẫn là nhà đầu tư số một. Giao thương bằng cách nào đó vấn tăng trưởng đều. Những mặt hàng xuất sứ từ Nga tại khu vực Lviv đã tăng lên 60-70%. Nền kinh tế và mối quan hệ con người phát triển theo các quy tắc khác biệt. Tuy nhiên giờ đây mọi thứ sẽ bị bóp nghẹt, 3,5 triệu lao động đang làm việc tại Nga cũng sẽ gặp khó khăn”.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine xấu đi từ đầu năm 2014, liên quan đến vấn đề Crimea và tình hình ở miền Đông Ukraine. Quan hệ hai nước tiếp tục leo lên nấc thang căng thẳng mới sau sự cố Lực lượng bảo vệ bờ biển Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine với cáo buộc xâm phạm lãnh hải hôm 25/11/2018.

Tường Nguyễn
Bình luận
vtcnews.vn