• Zalo

Tổng thống Pháp và Thái tử Ả Rập Xê Út để lộ hội thoại riêng căng thẳng tại G20

Thế giớiThứ Bảy, 01/12/2018 12:25:00 +07:00Google News

Microphone vô tình bắt được cuộc hội thoại không chính thức giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và hoàng tử Ả Rập Xê Út, người bị nghi chỉ thị sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi tháng 10.

Video: Tổng thống Pháp và Thái tử Ả Rập Xê Út để lộ hội thoại riêng tại G20

Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, người bị nghi chỉ thị vụ ám sát nhà báo đối lập Jamal Khashoggi và bị cáo buộc phạm tội chiến tranh tại Yemen nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron “đừng lo” trong một cuộc hội thoại bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.

Theo The Guardian, hai lãnh đạo đang có một cuộc trò chuyện không chính thức bên lề sự kiện. Họ đứng gần nhau và dường như không nhận ra cuộc hội thoại đang được micro ghi lại.

Một chuyên gia phân tích của Guardian đã "gỡ băng" phần nào cuộc hội thoại, trong đó ông Macron nhắc lại lời của hoàng tử Mohammed. “Tôi có lo. Tôi đã nói với ngài là tôi rất lo.”

“Vâng, ngài đã nói với tôi. Cảm ơn ngài rất nhiều.”  - hoàng tử nói.

“Ngài chưa bao giờ lắng nghe tôi” – ông Macron nói.

“Không, tất nhiên tôi có nghe chứ” – ông Mohammed đáp lại và cười tươi khi nhận ra ống kính truyền hình.

“Tôi đã nói với ngài rằng điều đó quan trọng hơn đối với ngài” – Tổng thống Pháp nói tiếp, trước khi quay lưng đi khỏi ống kính để nói chuyện thêm với hoàng tử Ả Rập Xê Út.

Trong đoạn hội thoại được ghi lại ngắt quãng sau đó, lãnh đạo Ả Rập Xê Út nói: “Được rồi. Tôi có thể giải quyết chuyện đó”. Vẫn chưa rõ chủ đề nói chuyện của cuộc hội thoại ngắn là gì.

Trong khi đó, Điện Elysee cho biết hai lãnh đạo đã có một cuộc trò chuyện dài khoảng 5 phút bên lề hội nghị, và ông Macron truyền tải một thông điệp mạnh mẽ đến hoàng tử về vụ nhà báo bị sát hại cũng như sự cần thiết phải có một giải pháp chính trị cho tình hình Yemen.

Quyết định tham dự hội nghị G20 tại Argentina của ông Mohammed tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì không rõ các lãnh đạo khác có chỉ trích ông liên quan đến vụ việc Khashoggi hay không.

Nhiều cấp dưới thân cận và nhân viên an ninh của ông có liên quan đến vụ sát hại nhà báo Washington Post ngày 2/10 tại lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Thổ Nhĩ Kỳ, và tình báo Mỹ CIA đánh giá rằng Thái tử Mohammed đã đưa ra chỉ thị vụ ám sát.

Phản ứng của các lãnh đạo thế giới trong ngày đầu tiên diễn ra hội nghị G20 đối với Ả Rập Xê Út khá đa dạng. Ông Macron và Thủ tướng Anh Theresa May đồng ý có cuộc gặp với ông Mohammed. Bà May khẳng định cần truy cứu trách nhiệm đầy đủ của những người liên quan đến vụ sát hại.

Video: Tổng thống Nga Putin và Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman vui vẻ chào nhau tại G20

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi đến Buenos Aires cũng tuyên bố sẵn sàng gặp thái tử Ả Rập Xê Út, trong khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton loại bỏ khả năng này, cho biết lịch trình của tổng thống đã kín chỗ.

Ông Trump trước đó phủ nhận đánh giá của CIA về khả năng lãnh đạo Ả Rập Xê Út chỉ thị vụ sát hại, cho rằng báo cáo đánh giá chưa đầy đủ.

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong 2 ngày 30/11 và 1/12 tại Buenos Aires, Argentina. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Nga - Ukraine mâu thuẫn trên Biển Đen, Ả Rập Xê Út đứng trước khủng hoảng vụ nhà báo Jamal Khashoggi, Mỹ tuyên bố ý định rút khỏi thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân INF và bất ổn gia tăng tại Trung Đông.

Theo The Guardian, vẫn chưa rõ những người tham gia hội nghị có thể đưa ra tuyên bố cuối cùng hay không, vì Mỹ đã phản đối một số tuyên bố trong dự thảo về thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương. Tuyên bố vẫn chưa được ấn định tính đến chiều 30/11 (giờ địa phương), theo các nhà ngoại giao tại hội nghị.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trả lời các nhà báo: "Vì đây là thời khắc khó khăn của hợp tác quốc tế, tôi mong muốn các lãnh đạo thế giới sử dụng hội nghị này, bao gồm cả những cuộc trao đổi song phương và không chính thức, để nghiêm túc thảo luận các vấn đề thực sự như chiến tranh thương mại, tình hình Syria và Yemen hay sự hung hăng của Nga ở Ukraine."

"Tôi thấy không có lý do gì để các lãnh đạo G20 không thể có một cuộc thảo luận ý nghãi giải quyết những vấn đề này. Nhất là khi mọi công cụ đều nằm trong tay họ. Điều kiện duy nhất cần có là thiện chí." - ông nói. 

>>> Đọc thêm: Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ lục soát biệt thự nghi giấu thi thể nhà báo Khashoggi

Phương Anh(Nguồn: The Guardian )
Bình luận
vtcnews.vn