Trong một cuộc phỏng vấn với TF1 và LCI của Pháp, ông Macron mô tả cuộc gặp của ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần vừa qua là một “thành công”. Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về “hòa bình” hậu xung đột Nga-Ukraine.
Ông Macron thừa nhận mối quan ngại của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng “NATO sẽ triển khai vũ khí đe dọa Nga”. Theo ông, NATO “cần chuẩn bị” để đưa ra “đảm bảo an ninh cho Nga” khi Moskva cùng Kiev và phương Tây ngồi vào bàn đàm phán.
Mặc dù tập trung vào giải pháp hòa bình, ông Macron cũng cam kết sẽ “làm tối đa” để củng cố quân đội Ukraine trong thời gian này.
Ukraine rút khỏi các cuộc đàm phán với Nga vào tháng 4. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó đã cấm đàm phán với Moskva, đồng thời tuyên bố ý định giành lại Crimea.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định vẫn sẵn sàng nối lại đàm phán với Ukraine. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hồi tháng 10 cho rằng cuộc đàm phán cần có sự tham gia của các bên khác, vì bất kỳ thỏa thuận nào giữa Ukraine và Nga cũng có thể sẽ bị “hủy bỏ ngay lập tức theo lệnh” từ phương Tây.
Ông Macron không phải là nhà lãnh đạo duy nhất của một quốc gia EU công khai đề cập đến một thỏa thuận tiềm năng hậu xung đột trong những ngày gần đây. Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Berlin ngày 30/11 Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, Berlin có thể sẽ không bao giờ quay trở lại “mối quan hệ đối tác” trước năm 2022 với Nga, nhưng Đức sẵn sàng thảo luận về các hiệp ước kiểm soát vũ khí và triển khai tên lửa với Moskva trong tương lai.
Theo ông Scholz, những thỏa thuận như vậy đã hình thành “nền tảng cho trật tự hòa bình và an ninh” ở châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tuy nhiên, cũng giống như Tổng thống Pháp Macron, ông Scholz cam kết sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine “nếu cần thiết”.
Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng việc tiếp tục “bơm” vũ khí cho Ukraine có nguy cơ kéo dài cuộc xung đột, đồng thời khiến phương Tây trở thành một bên tham chiến trên thực tế.
Bình luận