Ngày 9/3, Reuters dẫn tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông sẵn sàng ký dự luật cho phép tập đoàn ByteDance của Trung Quốc thoái vốn khỏi ứng dụng TikTok trong 6 tháng. Nếu ByteDance từ chối kế hoạch này, Washington sẽ cấm ứng dụng này hoạt động tại Mỹ.
Trước đó, ngày 7/3, Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu để thúc đẩy dự luật buộc ByteDance - công ty mẹ của TikTok, phải thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng này trong 6 tháng, nếu không sẽ bị cấm hoàn toàn tại nước này.
Hạ viện Mỹ dự kiện sẽ bỏ phiếu cho dự luật mới nhằm vào TikTok vào ngày 12/3 hoặc 13/3.
“Nếu Hạ viện Mỹ thông qua dự luật, tôi sẽ ký nó”, ông Biden nhấn mạnh.
Tuy nhiên dự luật trừng phạt mới nhằm vào TikTok có thể gặp "rào cản" tại Thượng viện Mỹ khi các nhà lập pháp muốn sửa đổi một phần của dự luật này.
Trong một tuyên bố vào ngày 8/3, ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết ông phản đội việc cấm TikTok, đồng thời cho rằng dự luật này sẽ có lợi cho các mạng xã hội khác như Facebook.
Dự luật của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ cho ByteDance 165 ngày để thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng TikTok, nếu không, các kho ứng dụng do Apple, Google và các hãng khác quản lý sẽ không được phép cung cấp các dịch vụ lưu trữ web cho các ứng dụng do ByteDance quản lý.
Phản ứng về quyết định trên, TikTok đăng cảnh báo người dùng về lệnh cấm hoàn toàn sẽ gây thiệt hại cho hàng triệu doanh nghiệp, hủy hoại sinh kế của nhiều người sáng tạo trên khắp nước Mỹ và ngăn cản nghệ sỹ kết nối với khán giả.
Việc dự luật mới được xúc tiến đánh dấu bước đi mạnh nhất của Mỹ đối với TikTok kể từ nỗ lực cấm ứng dụng này vào năm 2020, nhưng không thành công của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump.
Những nỗ lực tương tự trong năm qua cũng bị đình trệ do nỗ lực vận động hành lang của TikTok.
Tháng 11 năm ngoái, thẩm phán Mỹ đã phản đối lệnh cấm mạng xã hội TikTok mà bang Montana đưa ra trước đó lẽ ra có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Hiện ứng dụng này có khoảng 170 triệu người dùng tại Mỹ.
TikTok cũng đang chịu nhiều áp lực giám sát từ các cơ quan quản lý trên thế giới do lo ngại công ty này lạm dụng dữ liệu người dùng. Các nước như Anh và New Zealand đã cấm sử dụng ứng dụng này trên các điện thoại của cơ quan nhà nước.
Trong khi đó, TikTok nhiều lần bác bỏ cáo buộc trên.
Bình luận