Bất chấp thất bại đau đớn của Đảng Dân chủ tại cuộc bầu cử Quốc hội, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn tỏ thái độ cứng rắn với Đảng Cộng hòa.
Mọi dấu hiệu cho thấy tình trạng căng thẳng ở Washington sẽ tiếp diễn.
Theo báo Washington Post, phát biểu tại Nhà Trắng, ông Obama khẳng định ông sẵn sàng hợp tác với quốc hội mới do Đảng Cộng hòa kiểm soát trong hai năm cuối cầm quyền của ông.
Đảng Dân chủ thất bại, nhưng ông Obama không tỏ ý muốn nhượng bộ - Ảnh: Reuters |
Bình luận về thất bại của Đảng Dân chủ, ông Obama nói: “Với tất cả cử tri đã bỏ phiếu hoặc không, tôi muốn nói rằng tôi lắng nghe và hiểu các bạn”. Ông cho rằng kết quả bầu cử là khoảnh khắc để Đảng Dân chủ nhìn lại chính mình.
Ông Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua khoản chi 6,18 tỉ USD để chống dịch Ebola và cho biết sẽ xin sự phê chuẩn từ đồi Capitol để thực hiện chiến dịch quân sự chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.
Ông cũng cam kết sẽ tìm kiếm thỏa thuận với Đảng Cộng hòa trong các lĩnh vực như các thỏa thuận thương mại quốc tế, cải tổ thuế, đầu tư vào hạ tầng...
|
Phản ứng lại, các lãnh đạo Cộng hòa chỉ trích ông Obama “chìa một tay ra với chúng tôi nhưng đánh chúng tôi bằng tay còn lại”. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện, mô tả việc ông Obama đe dọa đơn phương cải tổ chính sách nhập cư là “vẫy cờ đỏ trước mặt một con bò”.
Một số nhà quan sát nhận định bài phát biểu ở Nhà Trắng cho thấy ông Obama không có ý định “tự trừng phạt” sau thất bại của Đảng Dân chủ. Sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ năm 2006, người tiền nhiệm của ông Obama là George W. Bush từng sa thải Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld.
Tuy nhiên báo New York Times dẫn lời các cố vấn của ông Obama cho biết ông sẽ không cải tổ nội các.
Đảng Cộng hòa cũng không che giấu tham vọng tiếp tục tấn công ông Obama. Trong bài viết đăng trên báo Wall Street Journal, ông McConnell và Chủ tịch Hạ viện John Boehner khẳng định Đảng Cộng hòa quyết xóa bỏ luật bảo hiểm y tế Obamacare của ông Obama.
Dù vậy, ông McConnell cũng hứa sẽ tìm cách làm Thượng viện “hoạt động trở lại” và “chúng ta phải bắt đầu bằng quan điểm rằng có những vấn đề hai bên có thể đạt thỏa thuận”.
Ông McConnell cũng cam kết rằng Quốc hội sẽ không để Chính phủ phải bị đóng cửa hoặc không thể trả nợ như trước đây.
Thách thức đối ngoại
Giới quan sát cho rằng việc Đảng Cộng hòa kiểm soát toàn bộ Quốc hội Mỹ sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến chính sách đối ngoại của Washington, nhưng ông Obama sẽ phải đối mặt với một số thách thức mới.
Reuters dẫn lời nhà phân tích Aaron David Miller bình luận thế giới sẽ đánh giá rằng ở thế “vịt què”, quyền lực của ông Obama đã sụt giảm đáng kể.
Sau cuộc bầu cử, Đảng Cộng hòa sẽ có thêm vị thế để buộc chính quyền Obama phải tỏ thái độ cứng rắn hơn trong cuộc đàm phán giữa các cường quốc với Iran. Ông Obama cũng sẽ chịu sức ép phải hành động mạnh tay hơn để trấn áp IS và thể hiện sự cứng rắn với Nga vì khủng hoảng Ukraine.
Dù vậy, Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ ủng hộ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Washington đang đàm phán với các nước. Đây sẽ là chủ đề lớn tại Hội nghị APEC ở Bắc Kinh tuần tới.
Chuyên gia thương mại Jeffrey Schott thuộc Viện kinh tế quốc tế Peterson cho biết phần lớn các nghị sĩ Cộng hòa đều ủng hộ TTP.
Vấn đề lớn nhất với ông Obama là khi ông đến châu Á tuần tới, ông sẽ bị xem là một nhà lãnh đạo đã tổn thất quá nhiều quyền lực. Điều đó có thể ảnh hưởng đến chiến lược “tái cân bằng lực lượng” của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
“Ở thời điểm hiện tại, tất cả những gì các nước bạn bè của Mỹ ở châu Á có thể làm là chờ đến năm 2016 và hi vọng Mỹ có một tổng thống được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai viện quốc hội” - báo Today Online dẫn lời nhà phân tích Keith Richburg, cựu biên tập viên báo Washington Post.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận