Yonhap đưa tin, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 4/3 bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ và Triều Tiên cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận về phi hạt nhân hóa; đồng thời yêu cầu các quan chức an ninh hàng đầu trong đội ngũ của ông tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa hai bên.
Không để bế tắc Mỹ-Triều Tiên kéo dài
“Tôi tin các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng nhưng tôi yêu cầu các quan chức liên quan hành động để sớm nối lại đối thoại cấp làm việc giữa hai bên, bởi vì chúng ta không muốn sự bế tắc bị kéo dài”, Tổng thống Moon Jae-in nói trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) được tổ chức tại văn phòng của ông ở Nhà Xanh.
Đây là cuộc họp đầu tiên của NSC có sự chủ trì của Tổng thống sau gần 9 tháng. Cuộc họp diễn ra 4 ngày sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội. Hội nghị này đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
Trong một cuộc họp báo ngay sau cuộc gặp với ông Kim hôm 28/2, Tổng thống Trump nói rằng Triều Tiên đã yêu cầu phải dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế nhưng chỉ đề nghị loại bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon được nhiều người biết đến. Tổng thống Mỹ nói rõ rằng Triều Tiên phải tháo dỡ nhiều cơ sở hạt nhân và vũ khí mới có thể đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Tại cuộc họp với các quan chức NSC, ông Moon Jae-in cho rằng dù không có một tuyên bố chung nhưng cuộc gặp Thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ 2 vẫn đạt được những kết quả tốt đẹp.
“Dù kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 không được như kỳ vọng nhưng nó vẫn là cơ hội để xác nhận những tiến bộ rất ý nghĩa mà hai bên có được thông qua đối thoại”, ông Moon nói.
Tín hiệu tích cực từ cuộc gặp Trump-Kim lần 2
Tổng thống Moon cũng nhấn mạnh, cả Washington và Bình Nhưỡng đều đã kiềm chế, không để căng thẳng leo thang, ngay cả khi hai bên không đạt được thỏa thuận thì họ vẫn cho thấy khả năng có được những tiến triển trong tương lai.
Ông Moon lưu ý, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 đề cập triển vọng đóng cửa vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon, đồng nghĩa với việc quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên sẽ bước vào giai đoạn không thể đảo ngược.
“Lần đầu tiên, việc đóng cửa hoàn toàn cơ sở hạt nhân Yongbyon đã được thảo luận. Việc phá hủy vĩnh viễn cơ sở Yongbyon - vốn là xương sống của chương trình hạt nhân của Triều Tiên, dưới sự giám sát và kiểm tra của Mỹ đã được lãnh đạo hai bên nói đến.
Nếu cơ sở hạt nhân Yongbyon, trong đó bao gồm cả cơ sở xử lý plutoni và cơ sở làm giàu urani được tháo dỡ hoàn toàn, quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên có thể được cho là bước vào giai đoạn không thể đảo ngược”, Tổng thống Hàn Quốc nói.
Để đạt được kết quả như kịch bản nêu trên, ông Moon yêu cầu các quan chức an ninh hàng đầu của mình tìm cách thu hẹp sự khác biệt hiện đang tồn tại giữa Mỹ và Triều Tiên.
Video: Khác biệt khiến Mỹ-Triều chưa đạt được thỏa thuận tại Hà Nội
“Đầu tiên, tôi yêu cầu xác định chính xác sự khác biệt ngăn cản hai bên đạt được thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều mới nhất và tìm cách thu hẹp sự khác biệt đó”, ông Moon nói.
Trong cuộc điện đàm ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Trump đã yêu cầu ông Moon giúp thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và Triều Tiên bằng cách nói chuyện với Bình Nhưỡng trước, và sau đó thông báo cho phía Washington biết về kết quả của đối thoại liên Triều.
Con đường duy nhất cho tương lai
Tổng thống Moon lưu ý rằng con đường duy nhất thúc đẩy đối thoại trong tương lai cũng có thể giúp chính Hàn Quốc cải thiện mối quan hệ với Triều Tiên.
“Tôi yêu cầu tích cực tìm cách hỗ trợ đối thoại Triều Tiên – Mỹ bằng cách phát triển mối quan hệ liên Triều không vượt ra khỏi phạm vi của các lệnh trừng phạt. Tôi yêu cầu chuẩn bị để bắt đầu các dự án hợp tác liên Triều theo những gì đã nêu trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm và Tuyên bố Bình Nhưỡng”, ông Moon nói.
Tổng thống Hàn Quốc trước đó đã đề xuất với phía Mỹ sử dựng hợp tác kinh tế liên Triều như một trong những lựa chọn “trao thưởng” cho phía Triều Tiên để đổi lại các bước phi hạt nhân hóa. Theo ông Moon, việc nối lại hoặc khởi động các dự án hợp tác liên Triều theo Tuyên bố Bàn Môn Điếm và Tuyên bố Bình Nhưỡng có thể giúp làm giảm bớt một số khó khăn mà Triều Tiên đang gặp phải, đồng thời khuyến khích Bình Nhưỡng tích cực hơn trong tiến trình phi hạt nhân hóa.
Cho đến nay, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có 3 cuộc gặp thượng đỉnh song phương với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Lần gần đây nhất hai người gặp nhau là vào tháng 9 năm ngoái ở Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi hy vọng hai nước sẽ tiếp tục đối thoại, lãnh đạo hai nước sẽ gặp lại nhau trong tương lai gần và đạt được thỏa thuận mà họ chưa thể có được lần này”, Tổng thống Moon nói trong cuộc họp của NSC.
Bình luận