"Tổng thống Joe Biden cam kết tiếp tục cung cấp cho Ukraine hỗ trợ cần thiết để tự vệ, bao gồm các hệ thống phòng không tiên tiến", Nhà Trắng cho biết sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky hôm 10/10.
"Ông Biden cũng nhấn mạnh sự phối hợp của Mỹ với các đồng minh và đối tác để tiếp tục áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Nga, buộc Moskva phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình, đồng thời cung cấp cho Ukraine hỗ trợ an ninh, kinh tế và nhân đạo", Nhà Trắng cho biết.
Đến nay, Washington đã cung cấp hỗ trợ an ninh trị giá hơn 16,8 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2 và áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế trên phạm vi rộng đối với Moskva.
Hôm 10/10, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, quân đội Nga thực hiện loạt cuộc không kích nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự của Ukraine bằng tên lửa dẫn đường tầm xa.
Ông Putin còn nhấn mạnh nếu Ukraine vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào lãnh thổ Nga, Moskva sẽ có phản ứng quân sự mạnh hơn tương tự cuộc không kích hôm nay 10/10.
Lãnh đạo Nga cũng xác nhận việc lực lượng vũ trang Nga đã sử dụng vũ khí chính xác tầm xa tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng, chỉ huy và thông tin liên lạc của Ukraine. Hành động quân sự này diễn ra hai ngày sau khi cầu Crimea bị tấn công (8/10).
Vào sáng 10/10 (theo giờ địa phương), nhiều vùng của Ukraine, đặc biệt là thủ đô Kiev đã bị không kích bởi hàng chục tên lửa.
Theo Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal, ít nhất 11 cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này đã bị hư hại trong các cuộc tấn công. Phía Ukraine cho biết Nga đã tập kích vào Kiev, Lviv, Zhytomyr và Ternopil ở miền tây và Dnieper ở miền trung Ukraine.
Lần gần nhất thủ đô Ukraine bị tập kích trước đó là ngày 26/6. Giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine hiện tập trung chủ yếu ở khu vực Kharkov ở vùng đông bắc và Kherson ở miền nam nước này.
Bình luận