Trong phiên chất vấn sáng nay, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề kê khai tài sản, tham nhũng, xử lý tham nhũng
Đáng chú ý, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhắc lại vụ 'lùm xùm' xung quanh việc Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh có quá nhiều tài sản, thậm chí có nhiều cổ phần cổ phiếu trong ngân hàng. Vị đại biểu này cũng đề nghị ông Huỳnh Phong Tranh xác nhận thông tin này.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi về khối tài sản "khủng" của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. |
Trả lời câu hỏi này, ông Huỳnh Phong Tranh khẳng định: Về tài sản của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - ông Ngô Văn Khánh, như báo chí đưa tin thời gian qua, sau khi có thông tin đăng tải, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu ông Khánh báo cáo trước Ban cán sự về tài sản và nguồn gốc tài sản từ năm 2007 đến giờ.
Thanh tra khẳng định việc kê khai của ông Khánh đúng pháp luật.
“Chúng tôi đã đề nghị đồng chí Ngô Văn Khánh giải trình và gửi tới các cơ quan chức năng để đối chiếu, quản lý”, ông Tranh thông tin.
Hiện tại, ông Khánh là cán bộ thuộc diện Ban Bí Thư quản lý nên Ban Kiểm tra TƯ đã vào cuộc để kiểm tra, xác minh mức độ khách quan trung thực trong kê khai tài sản và sẽ thông báo kết luận sau.
Liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) cũng đặt câu hỏi giải pháp kê khai tài sản hiện nay có phải là giải pháp hữu hiệu để phòng chống tham nhũng hay chưa?Ông Rinh cũng nhắc lại kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý đất đai tại Đà Nẵng gây sai phạm đến 3.400 tỷ đồng nhưng địa phương này phản ứng, không chấp nhận con số Thanh tra đưa ra. Vị đại biểu này muốn biết nhận định của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc cuộc thanh tra này có gì thay đổi?
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh
Trả lời câu hỏi này, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho rằng việc kê khai tài sản đã thực hiện từ 2008 và từ đó đến nay hàng năm đều thực hiện việc kê khai lần đầu và kê khai bổ sung. Ngoài ra có những đối tượng có biến động về tài sản cũng phải kê khai thêm.
Từ năm 2012, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi có hiệu lực đã khiến việc kê khai tài sản này có tiến bộ hơn.
Vì vậy, đến 2013, đã có 640.000 đối tượng được kê khai, công khai hơn 59%. Đến nay 116/170 đơn vị đã hoàn thành việc kê khai. Hơn 910.000/930.000 người phải kê khai đã thực hiện kê khai, đạt 98%, việc công khai hoạt động kê khai cũng đạt 97%.
Qua đó đã có 3.000 người có dấu hiệu kê khai không trung thực rõ ràng đã được kiểm tra làm rõ, có 88 cán bộ trong đó đã bị xử lý,.
“Có thể nói việc kê khai tài sản của các đối tượng đến thời điểm này đã được thực hiện tương đối tốt”, vị Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá.
... Đến thanh tra đất đai ở Đà Nẵng
Tại phiên chất vấn sáng nay, một đại biểu cũng đặt câu hỏi liên quan đến kết luận Thanh tra đất đai tại TP Đà Nẵng có nhiều tranh cãi, đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ giải thích.
Người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cho biết, việc này được nắm tình hình từ trước 2010. Năm 2011, Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền khi đó đã có chủ trương thực hiện cuộc thanh tra này. Cuộc thanh tra này thực hiện theo liên ngành, cùng với Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương khi đó.
Kết thúc thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã làm việc nhiều lần với Đà Nẵng, Bộ Tài chính. Văn phòng Chính phủ cũng đồng ý với nội dung kết luận đó và kết luận thanh tra được công bố tại địa phương và trên Cổng thông tin của Thanh tra Chính phủ.
Vì Đà Nẵng không đồng ý nên Chính phủ đã lập đoàn kiểm tra liên ngành, gồm cả Bộ Tư pháp, Tài chính và đều thống nhất nhận định kết luận của Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra, thanh tra còn kiến nghị chuyển điều tra làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái trong chuyển nhượng đất đai và dự án tại đây.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng khẳng định việc thanh tra đất đai tại Đà Nẵng là có đầy đủ cơ sở pháp luật.
Dấu hiệu vi phạm của Ban cán sự Đảng của thành phố Đà Nẵng sau đó cũng được xem xét. Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã và đang thực hiện kết luận Thanh tra, có báo cáo về nội dung này gồm 7 điểm, trong đó có việc kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch thành phố, Bí thư Ban cán sự Đảng thành phố thời kỳ đó.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) đặt câu hỏi vì sao có tình trạng số vụ tham nhũng bị phát hiện, có dấu hiệu hình sự nhưng thanh tra không chuyển hoặc chậm chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đặt câu hỏi về việc chậm chuyển các vụ việc sang cơ quan điều tra |
Giải thích vấn đề này, ông Tranh cho rằng đã rất tích cực trong việc này nhưng chuyển chưa được nhiều vì yếu tố cấu thành tội phạm trong nhiều trường hợp chưa nhiều lắm, chưa đủ điều kiện chuyển.
Thời gian qua, ngành đã chuyển 200 vụ với 244 người, trong đó Thanh tra Chính phủ trực tiếp chuyển 20 vụ.
Bình luận