Ngày 13/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Trình bày Báo cáo một số nội dung lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan thanh tra và ngược lại trong quá trình lập, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán; giao Kiểm toán Nhà nước chủ trì trong công tác phối hợp để xử lý chồng chéo, trùng lắp.
Tại kỳ họp thứ 7, thảo luận về dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Kiểm toán Nhà nước đã có quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán nhưng chưa thực sự đầy đủ, đặc biệt là chưa bảo đảm quyền khởi kiện ra tòa khi đơn vị được kiểm toán không đồng ý với đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cũng chưa có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kết luận, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định rõ đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán.
Đơn vị được kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết luận, kiến nghị trong Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại; quy định hết thời hạn giải quyết khiếu nại, Tổng Kiểm toán Nhà nước phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động Kiểm toán Nhà nước.
Đồng thời, quy định rõ nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khởi kiện ra tòa.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo luật bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là các cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Nêu rõ luật hiện hành chưa có giải thích về “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” do đó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc bày tỏ nhất trí với sự cần thiết làm rõ khái niệm này trong luật.
Ông Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, những năm qua chưa từng có khiếu nại nào đối với kết quả kiểm toán.
Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước lại cho rằng nếu giải thích theo hướng chỉnh lý của Ủy ban Tài chính – Ngân sách là “các cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có dấu hiệu vi phạm” trong bối cảnh Kiểm toán Nhà nước chưa được tiếp cận hồ sơ, đối chiếu kiểm tra thì không có cơ sở xác định “dấu hiệu vi phạm”; hơn nữa theo quy định hiện hành nếu xác định được dấu hiệu vi phạm thì phải chuyển cho cơ quan điều tra để điều tra, truy tố.
Thực tế, theo quy định của Hiến pháp 2013, chỗ nào có sử dụng tài chính công tài sản công thì cần được kiểm tra và đơn vị sử dụng tài chính công tài sản công liên quan đến đơn vị đang được kiểm toán thì Kiểm toán Nhà nước được kiểm tra theo thẩm quyền.
Nếu quy định có thêm điều kiện “có dấu hiệu vi phạm” thì Kiểm toán Nhà nước sẽ không thể thực hiện kiểm tra đối với các dự án BT, BOT, kiểm tra việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia do tổ chức ngoài nhà nước thực hiện... như lâu nay vẫn làm.
Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị được giải thích lại nội dung này theo hướng đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan là những đơn vị đang sử dụng tài chính công, tài sản công và có liên quan trực tiếp đến đơn vị đang được kiểm toán.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, việc xác định đối tượng kiểm toán liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công đã được thông qua từ đầu năm.
Nếu đoàn kiểm toán nào hoạt động ngoài kế hoạch sẽ phải chịu trách nhiệm và quy định này cũng tránh để xảy trùng lặp. Ông Phớc cũng cho biết, từ khi phát hiện ra đối tượng cần kiểm toán cho đến khi công bố kết quả phải trải qua 4 khâu trong đó có việc đánh giá những chứng cứ liên quan nên rất chính xác và khoa học.
Bình luận