Nhân kỷ niệm ngày phát thanh thế giới với chủ đề “Phát thanh chính là Bạn' 13/2, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm cùng các phiên họp chuyên ngành phát thanh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ chủ trì Lễ Kỷ niệm và Hội thảo bên lề với chủ đề “Phát thanh chính là Bạn” và “Truyền thông tăng cường bình đẳng giới”.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ cho biết: “Chủ đề Ngày Phát thanh thế giới 2017: ‘Phát thanh chính là bạn’ là ý tưởng về một ngành phát thanh phong phú, đa dạng, lành mạnh, nhân văn; nhấn mạnh sự tham gia, tương tác của thính giả vào các chương trình. Thính giả là nhân tố then chốt, là lực lượng đóng góp chính cho chiến lược và chính sách của các đài phát thanh.
Trong quá trình hình thành và phát triển, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn là đơn vị tiên phong trong việc đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện truyền thông nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của công chúng trong thời đại hội tụ truyền thông.
Các kênh phát thanh của Đài chú trọng xây dựng nhiều chương trình có nội dung mở, tăng tính tương tác nhằm thu hút sự tham gia của công chúng vào các chương trình phát thanh, từng bước đổi mới và làm hấp dẫn các chương trình trên làn sóng của Đài. Cách thức này đã tạo ra bước tiến trong việc nâng cao chất lượng âm thanh, là cơ sở để phát thanh thực sự trở thành người đồng hành chung thủy của công chúng trong mọi hoàn cảnh."
Trong thông điệp nhân ngày Phát thanh Thế giới 2017, bà Susan Vize – Quyền Trưởng đại điện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nói: “Phát thanh vẫn là một trong những phương tiện truyền thông năng động, tương tác và sôi động nhất, làm chúng ta thay đổi qua thông tin, giải trí và sự tham gia của thính giả.
Có một chiếc radio có nghĩa là bạn không bao giờ cô đơn – bạn luôn có một người bạn trong radio. Phát thanh vẫn là phương tiện truyền thông đại chúng đến được với nhiều khán giả nhất trên thế giới. Đặc biệt, với thính giả vùng sâu vùng xa, nhóm người dễ bị tổn thương: người mù chữ, khuyết tật, dân tộc thiểu số và người nghèo.”
Tại 2 cuộc hội thảo bên lề lễ kỷ niệm, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỹ cho biết, hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đang xây dựng dự án sản xuất radio để phục vụ cho người dân. Trong đó, có 2 bản demo, một dành cho bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa. Thay vì phải dò kênh, sóng, người dân chỉ việc bấm nút để nghe các kênh VOV1, VOV2 hay bất cứ kênh nào của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Phiên bản thứ 2 dành cho ngư dân, ngư dân là đối tượng không thể đọc báo, không thể xem tivi hay báo điện tử. Cách truyền tin hiệu quả nhất là qua sóng radio. Phiên bản này sẽ cung cấp thông tin về các cơn bão, tình hình thời tiết, cứu nạn… cho ngư dân. Sóng của bản tin có thể chèn vào bất kỳ kênh, chương trình nào mà ngư dân đang nghe để cung cấp thông tin khẩn cấp mà ngư dân đang cần.
Kết thúc buổi lễ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh: “Nhiều thập kỷ qua, phát thanh vẫn luôn chứng minh là loại hình và lực lượng truyền thông tiện lợi, đại chúng, thông tin về các sự kiện, vấn đề của xã hội quan tâm; góp phần nâng cao dân trí, dân chủ, thúc đẩy phát triển của xã hội.
Với nhiều đặc tính riêng biệt như nhanh nhạy, chi phí kỹ thuật thấp, dễ tiếp cận, mức độ quảng bá rộng, phát thanh vẫn duy trì chỗ đứng vững chắc, gắn kết cộng đồng, thúc đẩy trao đổi thông tin trong bối cảnh nhiều phương thức truyền thông mới xuất hiện.
Hiện nay, các tổ chức truyền thông đang tận dụng sự đổi mới mạnh mẽ của các loại hình và phương tiện truyền thông mới nhằm tăng cường hiệu quả, tính hấp dẫn của phát thanh để bắt kịp với xu thế phát triển chung của truyền thông thế giới."
Video: Nữ Phát thanh viên tiếng Anh nổi tiếng Trịnh Thị Ngọ qua đời ở tuổi 87
Bình luận