Đại hội Đảng lần thứ XIII khai mạc ngày 26/1 tại Hà Nội với chủ đề "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đứng trước nhiều thời cơ, thách thức đan xen, nhiều vấn đề chiến lược mới đặt ra cần giải quyết; tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục dự báo diễn biến phức tạp, khó lường. Ở khía cạnh tích cực, đất nước ta đã trải qua một năm với nhiều thành tựu, thành công trong việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch Covid-19, vừa tăng trưởng kinh tế, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2020. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay".
Tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhóm phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), đại biểu dự Đại hội.
- Theo ý kiến của ông, Đảng viên và nhân dân đặt kỳ vọng như thế nào vào Đại hội Đảng lần thứ XIII?
Đại hội Đảng lần thứ XIII là đại hội của đổi mới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Trong đó, mong muốn của cán bộ, đảng viên và người dân là làm sao kinh tế đất nước phát triển, với một sự biến đổi về chất và vươn lên tầm khu vực.
Trong công tác nhân sự, người dân mong muốn bầu ra một Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, những người tham gia là những người có đức có tài, có uy tín và năng lực thực hiện, để lãnh đạo những công việc của Đảng và đất nước.
- Trước đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhiều đến việc không xa rời Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng của Đảng ta, đất nước ta. Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn cho thấy: Chính chủ nghĩa tư bản hiện nay cũng tìm về với chủ nghĩa Mác-Lênin, về những giá trị nhân văn và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là một thực tế rất khách quan.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách nghiêm túc, nhưng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống lý luận của Bác về đấu tranh giải phóng đất nước, con đường đi lên của Việt Nam. Con đường đi của Bác vạch ra những nét rất cơ bản. Hiện nay, dựa trên con đường đó, chúng ta phải từ thực tiễn của Việt Nam và thế giới đẩy mạnh công cuộc đổi mới.
Nhất là hiện nay, chúng ta nói nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là cơ hội để chúng ta bứt phá. Có thể, một bước đi của hôm nay bằng nhiều tháng, nhiều năm trước đây.
Muốn bứt phá phải nói đến yếu tố con người. Trước hết là bộ máy lãnh đạo của Đảng và nguồn nhân lực của đất nước, đó là những người thực hiện công cuộc đổi mới.
- Ngay trong chủ đề của Đại hội có nhắc đến cụm từ “khát vọng”. Liệu có phải chúng ta đã có nguồn lực con người rồi, nhưng cần thêm “khát vọng”?
Thực ra khát vọng vươn lên của dân tộc đã có hàng nghìn năm. Nhưng khát vọng đó gắn liền với thực tế của chúng ta. Ở thời điểm này chúng ta vừa có khát vọng, vừa có một thực tiễn rất sinh động, thuyết phục để đưa đất nước đi lên.
Khát vọng, ý chí vươn lên và cả khả năng của chúng ta để thực hiện khát vọng đó. Hiện nay, những điều kiện đó có thể nói là vừa cần và vừa đủ để chúng ta đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước.
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nhiều lần phát biểu “Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như hiện nay”. Nhìn lại thành quả của 35 năm đổi mới, ông đánh giá như thế nào về những thành tựu đã đạt được của đất nước?
Trong lời phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn nhắc cả về “vị thế”. Hiện nay, uy tín của chúng ta không phải do chúng ta nói, mà do quốc tế đánh giá. Như năm 2020 vừa qua, quốc tế đánh giá mô hình phát triển của Việt Nam rất đáng ghi nhận.
Cách chúng ta tổ chức xã hội là khoa học, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Chỉ số niềm tin của chúng ta được xếp vào mức rất cao. Chẳng hạn như việc giãn cách xã hội, ở nhiều nước dù lãnh đạo mong muốn, nhưng để người dân làm điều đó không phải dễ.
Nhưng ở nước ta, người dân làm điều này rất tự giác. Đường lối của Đảng là rất chính xác, nhưng phải qua hành động cách mạng của toàn dân thì mới đạt được kết quả.
Công cuộc đổi mới của chúng ta qua 35 năm đã đạt được những thành quả rất rõ ràng và những bài học giá trị. Từ những thành quả và bài học đó giúp chúng ta đi tiếp, trong nhiệm kỳ 5 năm tới có thể bằng 2-3 nhiệm kỳ trước đây.
Thể hiện như vậy vừa để nói về tốc độ, số lượng nhưng quan trọng hơn hết là chất lượng tăng trưởng của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, ngay cả về lĩnh vực văn hóa. Sau khi chúng ta phát triển kinh tế qua một thời kỳ thì bây giờ mọi người chú ý nhiều hơn đến văn hóa, đến con người.
Nếu kinh tế tăng trưởng mà không quan tâm đến văn hóa và con người thì đôi khi sự tăng trưởng kinh tế không thực sự có nhiều ý nghĩa. Đời sống vật chất phải luôn hài hòa với đời sống văn hóa, tinh thần. Điều này tôi thấy trong quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã được các cấp của Đảng, cán bộ đảng viên, nhân dân đặc biệt quan tâm.
- Văn kiện lần này đặt ra mục tiêu không chỉ 5 năm, 10 năm mà đến năm 2045 nước ta trở thành một nước phát triển. Để đạt được mục tiêu đó thì Đại hội lần thứ XIII của Đảng phải đặt ra những định hướng nào, thưa ông?
Mục tiêu, chỉ tiêu của một đại hội thực ra là 5 năm. Nhưng nếu chúng ta chỉ nhìn vào 5 năm tới thì đó là tầm nhìn ngắn. Giống như đi đường, chúng ta phải nhìn rất xa, để phán đoán, dự báo được thuận lợi, thời cơ và lường trước những khó khăn thách thức, nhằm định hướng công việc của mình.
Tôi nghĩ con đường của chúng ta từ nay cho đến khi kỷ niệm 100 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, lúc ấy chắc chắn chúng ta sẽ vươn lên, như dự thảo Nghị quyết đã đặt ra. Xác định các mục tiêu trong ngắn hạn, cả trung hạn và dài hạn để chúng ta chuẩn bị tất cả các nguồn lực, chuẩn bị tâm thế và đặc biệt là chuẩn bị lực lượng nhân lực cho đất nước.
Bình luận