• Zalo

Tổng giám đốc USAID: Cảm thấy trách nhiệm và gắn bó với việc làm ở Việt Nam

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 10/03/2023 21:08:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tổng giám đốc USAID nói cảm thấy có trách nhiệm và gắn bó với Việt Nam khi thực hiện hợp tác sâu rộng, từ khắc phục hậu quả chiến tranh đến hợp tác y tế, giáo dục.

Đến thăm Việt Nam, Tổng giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power đã có cuộc gặp và trả lời câu hỏi của báo chí chiều 10/3, qua đó thông tin về những chương trình mà USAID sẽ tiếp tục hợp tác cùng Việt Nam thực hiện như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, khắc phục hậu quả chiến tranh, cũng như các lĩnh vực khác.

“Tất cả các bạn đều biết rằng năm nay, Việt Nam và Mỹ sẽ kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện. Chúng tôi tin rằng Việt Nam và Mỹ sẽ còn có thể có quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ hơn nữa. Chuyến thăm của tôi cùng với chuyến thăm của các quan chức cấp cao khác trong cả năm nay sẽ tiếp tục minh chứng cho mối quan hệ sâu sắc hơn giữa hai nước”, bà nói.

Tổng giám đốc USAID: Cảm thấy trách nhiệm và gắn bó với việc làm ở Việt Nam - 1

 Tổng giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power.

Chia sẻ ưu tiên với Việt Nam

Nói về các lĩnh vực có thể trở thành trọng tâm hợp tác trong thời gian tới, bà Power cho biết trong khi rất nhiều lĩnh vực hợp tác mà USAID đang triển khai với Việt Nam có mối liên hệ với nhau, các cơ quan phía Mỹ mong được chia sẻ về các ưu tiên từ các bộ ngành và cộng đồng ở Việt Nam, để có sự phối hợp hiệu quả. “Vì vậy, tôi sẽ không đặt bất kỳ lĩnh vực nào trong số này lên trên lĩnh vực kia, mà cho rằng sự tích hợp giữa các lĩnh vực này sẽ là chìa khóa thành công của bất kỳ chương trình nào hoặc bất kỳ hỗ trợ nào chúng tôi cung cấp”, bà nói.

Nói về mục tiêu của USAID trong việc hỗ trợ các nước giảm phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, Tổng giám đốc USAID cho biết, Mỹ đã luôn mong muốn hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Việt Nam, giảm phụ thuộc vào mối quan hệ hỗ trợ giữa hai quốc gia để nâng thành quan hệ đối tác thương mại, và với tốc độ phát triển của Việt Nam, “tôi nghĩ không có gì có thể cản trở các bạn”.

Tổng giám đốc USAID: Cảm thấy trách nhiệm và gắn bó với việc làm ở Việt Nam - 2

Bà Power tới thăm cơ sở khởi nghiệp do phụ nữ địa phương thành lập và quản lý để nghe giới thiệu về một ứng dụng đang hỗ trợ cho công việc của những người thu lượm ve chai. (Ảnh: USAID Vietnam)

Khắc phục hậu quả chiến tranh

Trong số các chương trình USAID tham gia tại Việt Nam, họp báo dành nhiều thời gian chia sẻ về lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, một trong những hợp tác quan trọng giữa hai nước.

“Mối quan hệ của chúng ta được xây dựng trên nền tảng là khắc phục hậu quả của một cuộc chiến tranh tàn khốc đã để lại biết bao đau thương. Và giờ đây, nó đã phát triển thành một mối quan hệ đối tác sâu sắc với một số ưu tiên chung, như chống biến đổi khí hậu, hiện đại hóa giáo dục, tăng cường hệ thống y tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Tổng giám đốc USAID nói. 

Bà Power bắt đầu chuyến đi đến Việt Nam bằng việc đến thăm sân bay Biên Hòa, nơi USAID đang làm việc với Bộ Quốc phòng Việt Nam trong việc làm sạch gần 500.000 m3 đất bị ô nhiễm bởi tàn dư chất độc da cam. 

Trong chuyến thăm của Tổng giám đốc USAID, các quan chức USAID và Bộ Quốc phòng cũng cùng khánh thành một công viên do USAID và Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc Phòng Việt Nam cùng thực hiện - là khu vực đầu tiên thuộc sân bay Biên Hòa được bàn giao mặt bằng cho cho Bộ Quốc phòng Việt Nam sau khi xử lý sạch dioxin. 

Tổng giám đốc USAID: Cảm thấy trách nhiệm và gắn bó với việc làm ở Việt Nam - 3

(Ảnh: USAID Vietnam) 

Tại sự kiện hôm 7/3, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper và Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, cũng công bố một hợp đồng mới trị giá 73 triệu USD để xử lý và làm sạch đất tại sân bay Biên Hòa. Trong khuôn khổ hợp đồng, công ty xử lý môi trường Mỹ sẽ thiết kế, xây dựng và vận hành một khu xử lý để làm sạch đất và trầm tích ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay. Giai đoạn 1 sẽ xử lý hơn 100.000 mét khối đất và trầm tích trong tổng số khoảng 500.000 mét khối đất và trầm tích ô nhiễm dioxin.

Một chương trình khác trong các nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh được thông tin thêm tại họp báo là Sáng kiến tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh (VWAI). Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, chương trình vẫn đang được tiếp tục, với hai khía cạnh nổi bật. Một là đưa công nghệ DNA tiên tiến nhất có thể về Việt Nam để cho phép các cơ quan, tổ chức sử dụng trong việc nhận dạng những thi hài được tìm thấy. Một phần khác của sáng kiến ​​là sử dụng tài liệu lưu trữ và cho phép các cơ quan nhà nghiên cứu Việt Nam truy cập vào hồ sơ lưu trữ ở Mỹ để tìm kiếm các thông tin.

“Đây là một nỗ lực cần nhiều thời gian, công sức, nhưng chính phủ Mỹ hoàn toàn cam kết thực hiện”, theo ông Knapper. 

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn