Chiều 28/11, tại Hà Nội đã diễn ra buổi gặp mặt báo chí giới thiệu liveshow Mai Hoa - Thanh âm và những nốt trầm do kênh VTC3 (VOV) sản xuất. Buổi gặp gỡ có sự hiện diện của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.
Chia sẻ trong buổi họp báo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết: Đài Tiếng nói Việt Nam là nơi ra đời, giao lưu và là "đất dụng võ" của rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ. Trước đây khi không có Nhà hát lớn, cũng chưa có sóng truyền hình hay các loại hình truyền thông khác, một ca sĩ, nghệ sĩ muốn đưa tiếng hát, tác phẩm tới công chúng nên qua Đài Tiếng nói Việt Nam.
Đài TNVN tự hào rằng đây là cơ quan báo chí có nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ nhất. Để khai thác vốn tài nguyên đáng quý này, VOV đã thực hiện nhiều chương trình, một trong số đó là chuỗi chương trình Chân dung âm nhạc với số thứ 2 là ca sĩ Mai Hoa.
Cũng tại buổi gặp gỡ báo chí này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã thông báo việc Đài TNVN sẵn sàng nhận lại Hãng phim truyện Việt Nam: "Chúng tôi sẵn sàng nhận lại Hãng phim truyện Việt Nam về Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng đã đồng ý với đề xuất này.
Các anh em nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam cũng đã đến gặp tôi để đề nghị được về Đài. Lúc đó, tôi nói với họ rằng: Tôi tin chắc rằng với sự phát triển và tầm nhìn văn hóa lâu dài của Đài TNVN, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các anh, các chị về lương thưởng, sản xuất các tác phẩm điện ảnh để phục vụ xã hội".
Giữa Đài TNVN và Bộ VH, TT&DL cũng đã có những cuộc tiếp xúc, bản thảo thuận lợi về vấn đề này. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, Đài TNVN sẵn sàng tiếp nhận và tạo mọi điều kiện để ổn định tổ chức, tư tưởng của các nghệ sĩ, diễn viên, giúp Hãng phim truyện Việt Nam phát triển.
Hãng phim truyện Việt Nam là hãng phim đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam. Hãng thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim Chung một dòng sông ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển.
Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Con chim Vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Đến hẹn lại lên... Tuy vậy, những năm gần đây, nhiều dự án phim của hãng liên tục thua lỗ, các phim đều chật vật bán vé khi ra rạp.
Ngày 29/6/2010, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim truyện Việt Nam.
Năm 2016, Hãng phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Việt Nam (VIVASO) hoàn tất quá trình mua lại hãng phim vào tháng 6/2017 và trở thành cổ đông chiến lược. Sau khi cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam được đổi tên thành Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.
Tuy nhiên sau khi tiến hành cổ phần, rất nhiều nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam đã bức xúc lên tiếng vì cho rằng VIVASO đã không thực hiện đúng cam kết trước đó.
Các nghệ sĩ khẳng định, cổ phần hóa đã không đưa hãng vượt qua giai đoạn khó khăn và nhiều cam kết của nhà cổ đông chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy như đảm bảo việc làm, tôn trọng nghề nghiệp… đảm bảo mức lương theo quy định của Nhà nước không được thực hiện.
Trước những lùm xùm về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, ngày 21/9/2017, tại buổi làm việc về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/9/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam trong đó chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm và vi phạm trong quá trình cổ phần hóa.
Thanh tra Chính phủ cũng đưa ra những kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khắc phục những hạn chế, sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
>>> Đọc thêm: Báo Granma của Cuba tăng cường hợp tác với VOV
Bình luận