Chủ quan, không khéo thành liều lĩnh
- Được biết, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) đang chuẩn bị may cho phóng viên những chiếc áo đặc biệt phù hợp để tác nghiệp tại “điểm nóng”. Câu chuyện này cụ thể là như thế nào, thưa Tổng Giám đốc?
Trong hoạt động tác nghiệp của phóng viên, bất cứ lúc nào cũng sẽ có những nguy hiểm. Người phóng viên muốn có những tin tức nóng thì phải dấn thân vào những điểm nóng, từ thiên tai, bão lũ, thảm họa đến sự đối mặt với các loại tội phạm, chống tham nhũng.
Để nghề bớt nguy hiểm và có thể bảo vệ được phóng viên tác nghiệp thì cũng cần trang bị cho phóng viên những phương tiện cần thiết. Đài TNVN đang chuẩn bị may cho anh em áo tác nghiệp mà ban đêm có thể nhận diện được đồng nghiệp, trên áo có những tín hiệu mà phát ra khi bị tai nạn. Và thậm chí còn in tên của phóng viên và tên Đài TNVN ở phía sau lưng để người khác nhận diện đây là người của Đài TNVN. Đó cũng là cách để không ai có thể mạo danh phóng viên của Đài.
- Đài TNVN là đơn vị lớn, các nhà báo phóng viên tỏa đi khắp tỉnh thành trong cả nước. Để hoạt động nghề nghiệp được thuận lợi, an toàn trong khi tác nghiệp tại các sự kiện thời sự, thiên tai, thảm họa... thậm chí là các “điểm nóng” trong phòng chống tham nhũng... việc “rèn kỹ năng, xử lý tình huống” là rất quan trọng, thưa Tổng Giám đốc?
Đúng vậy. Khi đi tác nghiệp tại những nơi khó khăn chúng tôi luôn phải dặn dò anh em, đặt an toàn lên trên hết. Đồng thời phải có cách tác nghiệp khéo, phối hợp với các ngành, các địa phương cùng quan tâm, vào cuộc. Chẳng hạn như trong phòng chống bão lũ, Ủy ban Cứu nạn quốc gia và địa phương sẽ có những kỹ năng cần thiết, họ sẽ hỗ trợ được cho phóng viên tránh trường hợp bị lở đất, lở núi, ảnh hưởng đến tính mạng.
Còn với những phóng viên đi điều tra về những vấn đề tiêu cực, tệ nạn, tham nhũng thì nhất thiết không được phép chủ quan. Đến những nơi có thể có kẻ xấu bức hại mình thì cũng phải biết phối hợp với những bên như công an, quân đội hay là các lực lượng chức năng của địa phương.
Thậm chí phải nghĩ đến chuyện có một sợi dây liên lạc với cơ quan nào đó, khi đi có thể báo cho tổ chức cấp phòng, ban, xin phép tác nghiệp ở chỗ này chỗ kia... Khi xảy ra sự cố sẽ có người hỗ trợ, các đồng nghiệp cũng có cách liên lạc với địa phương để bảo vệ phóng viên. Bởi làm điều tra rất nguy hiểm, phóng viên có thể bị bắt, bị thủ tiêu thì phải trang bị cho anh em những kỹ năng nhất định.
Phóng viên đi làm điều tra, không nên đi một người mà nên đi hai ba người, vào những nơi nguy hiểm, nhất là hang ổ của tội phạm thì có lực lượng chức năng đi cùng hỗ trợ. Đi một mình là nguy hiểm mặc dù là dũng cảm nhưng chủ quan, không khéo thành liều lĩnh.
Dũng cảm là cần thiết, dấn thân là cần thiết nhưng phải bảo vệ được tính mạng và tài sản của mình, thực hiện được công việc của mình. Nếu mình điều tra mà bị phát hiện ra hoặc tấn công thì không giành được thắng lợi.
- Thậm chí còn có những “cái bẫy” chết người được giăng ra nữa?
Đúng vậy. Trên thực tế, có cả việc phóng viên không hề bị cám dỗ trước đồng tiền nhưng lại có thể mất cảnh giác với những kẻ tội phạm. Ví dụ, anh không có ý định ăn hối lộ nhưng anh ngồi phỏng vấn đối tượng, tự dưng có ống kính quay phim nào đó đã sắp đặt trước, đồng thời họ đặt một cục tiền để trên bàn, sau đó chụp ảnh và quy chụp cho phóng viên là đòi tiền, vòi vĩnh. Nếu anh không biết đề phòng thì sẽ “sập bẫy” ngay.
Rồi những cái bẫy có thể đến từ sự thiếu tỉnh táo, thiếu chính xác về thông tin. Nếu anh điều tra mà số liệu, tư liệu không đầy đủ, bị bên kia “quật lại” thì thậm chí có thể bị kiện ra tòa. Nhiều khi mục đích, động cơ của phóng viên rất trong sáng nhưng cách thức làm việc sơ hở, không đủ chứng cứ.
Anh muốn có bằng chứng tham nhũng, hối lộ, tiêu cực, đưa hối lộ, nhận hối lộ thì phải rất chặt chẽ, không có chứng cứ rõ ràng, chỉ viết bằng sự cảm nhận của mình, bằng dư luận thì cũng rất nguy hiểm.
Ngay cả những thông tin mà báo bạn đã đăng nhưng chưa được kiểm chứng, hoặc thông tin trên mạng xã hội chưa kiểm chứng cũng không được phép lấy làm tư liệu viết bài. Ở Đài TNVN, việc này được sàng lọc rất kỹ, chứ không vội vàng, bởi vì đây là cơ quan báo chí của Chính Phủ, việc sai sót về thông tin là rất nguy hiểm.
Quan điểm của tôi là việc anh em làm đúng thì tôi không bao giờ để anh em phải hối tiếc, đau khổ vì công sức bỏ ra để điều tra kỹ, cũng như sự tâm huyết đấu tranh với tiêu cực.
PGS TS Nguyễn Thế Kỷ
Bản lĩnh của người đứng đầu
- Kỹ năng làm nghề là quan trọng, cơ chế bảo vệ nhà báo là quan trọng nhưng “tự bảo vệ” mình thông qua việc “rèn đạo đức” cũng không kém phần, thưa ông?
Câu chuyện giáo dục đạo đức cho phóng viên trong thời điểm này là rất quan trọng. Rèn đạo đức là cách để phóng viên “tự bảo vệ” mình, “đề kháng” trước cám dỗ. Dĩ nhiên, người làm báo chân chính thì phải biết cái gì được phép, cái gì được làm, cái gì không được, cái gì được viết, cái gì không được viết, nơi nào được đến, nơi nào không được đến.
Câu chuyện của năm 2017 mà phóng viên Nguyễn Thế Thắng – Đài TNVN thường trú tại Tây Nguyên có những biểu hiện tiêu cực, nhận hối lộ. Chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan thường trú có những động thái quyết liệt xử lý.
Sau khi nhận được thông tin chính thức từ Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi cưỡng đoạt tài sản, Cơ quan thường trú của Đài khu vực Tây Nguyên đã ban hành quyết định kỷ luật với hình thức buộc thôi việc. Đó cũng là bài học cho việc quản lý cán bộ.
Tôi là người có nhiều năm làm nghề, thấu hiểu hơn ai hết những “cám dỗ” mà phóng viên gặp phải nhưng chúng tôi kiên quyết đấu tranh với những sai phạm. Và chắc chắn nếu không có hình thức kỷ luật nghiêm thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín cơ quan báo chí và ảnh hưởng đến uy tín người lãnh đạo.
- Nhưng lãnh đạo Đài cũng sẽ cương quyết bảo vệ nếu phóng viên mình đúng mà có “sức ép” từ nhiều phía chứ, thưa ông?
Đương nhiên rồi. Chúng tôi không thỏa hiệp với người lợi dụng đấu tranh chống tiêu cực để làm bậy, nhất định chúng ta không bao giờ thỏa hiệp, không cho qua, phải xử lý nghiêm. Nhưng nếu phóng viên đi tác nghiệp với thái độ và cái tâm trong sáng thì phải bảo vệ anh em chứ. Khi anh em bị kẻ tiêu cực gây sự, tấn công lại, xâm phạm cả thân thể danh dự thì dứt khoát phải bảo vệ đến cùng.
Có hai việc mà tôi còn nhớ mãi. Tình huống này, nếu là người lãnh đạo không vững vàng thì sẽ rất thiệt thòi cho phóng viên của mình. Cách đây vài năm, phóng viên của chúng tôi phát hiện ra sự cố Formosa.
Anh em phóng viên bỏ tiền túi thuê cả thợ lặn xuống biển, tìm ra ống xả thải gây ảnh hưởng đến môi trường biển. Khi thông tin được công bố, các cơ quan chức năng lên tiếng phản đối, nói rằng thông tin ấy gây hoang mang cho bà con và ảnh hưởng đến lĩnh vực đầu tư của tỉnh. Chúng tôi không trách móc phóng viên của mình mà ngược lại còn động viên anh em, thậm chí, sau đó còn có khen thưởng.
Hay như mới nhất là sự cố Vĩnh Tân 2, có lãnh đạo địa phương bảo rằng phóng viên phản ánh không chính xác. Tôi đã trực tiếp xem tác phẩm và thấy rằng phóng viên của mình đã áp dụng kỹ năng nghề nghiệp rất tốt chứ không phải bằng cảm quan. Ví dụ sử dụng cả máy đo độ sâu của nước để chứng minh dưới đáy nước có sinh vật, có san hô thì rõ ràng không thể nói vùng này có thể đổ bùn được vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển.
Vì thế, tôi quyết liệt bảo vệ và đảm bảo rằng chúng tôi có băng ghi hình đầy đủ. Tôi cũng thẳng thắn trao đổi với lãnh đạo đó rằng: “Các đơn vị của anh báo cáo với anh là không chính xác”.
Trên thực tế, có thể có những người lãnh đạo không bản lĩnh, dễ thỏa hiệp với cơ quan, chính quyền địa phương rồi bảo anh em phóng viên không tiếp tục điều tra nữa. Nhưng quan điểm của tôi là việc anh em làm đúng thì tôi không bao giờ để anh em phải hối tiếc, đau khổ vì công sức bỏ ra để điều tra kỹ, cũng như sự tâm huyết đấu tranh với tiêu cực.
Vâng, xin cảm ơn ông!
Video: PGS TS Nguyễn Thế Kỷ: Vị thế mỗi công dân tạo nên vị thế đất nước
Bình luận