Theo kết quả đánh giá của khối Trung ương, Tổng cục Thuế xếp thứ nhất ICT Index ngành Tài chính năm 2016, tiếp theo là Tổng cục Hải quan xếp thứ hai và cơ quan Bộ Tài chính xếp thứ ba.
Trong khi đó, ở khối Sở Tài chính tỉnh, thành phố, năm 2016, Sở Tài chính Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí thứ Nhất. Vị trí thứ hai thuộc về Sở Tài chính Lâm Đồng; vị trí thứ Ba thuộc về Sở Tài chính tỉnh Đồng Tháp. Khối Kho bạc Nhà nước: Kho bạc Nhà nước tỉnh Hậu Giang tiếp tục dẫn đầu; tiếp đó vị trí thứ hai thuộc về Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Giang và vị trí thứ ba thuộc về Kho bạc Nhà nước tỉnh Bạc Liêu.
Khối Cục Thuế tỉnh, thành phố: Cục Thuế tỉnh Nghệ An từ vị trí thứ Mười năm 2015 đã vươn lên vị trí thứ Nhất trong năm nay; vị trí thứ Hai thuộc về Cục Thuế tỉnh Hậu Giang và vị trí thứ Ba thuộc về Cục Thuế tỉnh Cao Bằng.
Khối Cục Hải quan: Cục Hải quan TP. Đà Nẵng xếp vị trí thứ nhất; vị trí thứ Hai thuộc về Cục Hải quan Quảng Trị và vị trí thứ ba thuộc về Cục Hải quan tỉnh Bình Dương.
Khối Cục Dự trữ Nhà nước khu vực: Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc xếp thứ Nhất trong bảng xếp hạng; vị trí thứ Hai thuộc về Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc và vị trí thứ Ba thuộc về Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên.
Mức độ phát triển ngày càng cao của các ứng dụng công nghệ thông tin – tin học (CNTT-TT) vào các hoạt động nghiệp vụ tài chính đòi hỏi phải có được công cụ khoa học, kết xuất ra được những số liệu xác thực, phân tích đánh giá nhiều chiều và khoa học.
Một trong những công cụ đánh giá, phân tích hoạt động ứng dụng CNTT-TT đáp ứng nhu cầu kể trên đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT sử dụng để đánh giá, xếp hạng mức độ sẵn sàng về ứng dụng và phát triển CNTT-TT tại Việt Nam là bộ Chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT-TT (Vietnam ICT Index).
Đánh giá được tầm quan trọng và hiệu quả của ICT Index, kể từ năm 2008, Cục Tin học và Thống kê tài chính đã trình Lãnh đạo Bộ Tài chính và giao cho Tạp chí Tài chính điện tử (e-Finance) xây dựng ICT Index hàng năm của ngành Tài chính và công bố kết quả xếp hạng trên Website http://efinance.vn (hoặc http://taichinhdientu.vn), đồng thời phục vụ trực tiếp việc cung cấp số liệu hàng năm để xây dựng ICT Index của Việt Nam do Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT thực hiện.
Năm 2016 là năm thứ 8 liên tiếp, Tạp chí Tài chính điện tử - Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) thực hiện thu thập số liệu, phân tích, đánh giá và đưa ra Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính (ICT Index ngành Tài chính).
ICT Index ngành Tài chính sẽ giúp các đơn vị thuộc hệ thống ngành Tài chính xác định được vị trí của mình hiện đang ở đâu trong bảng xếp hạng, từ đó có thể định hướng chiến lược phát triển CNTT cho đơn vị mình một cách hiệu quả hơn.
ICT Index ngành Tài chính 2016 được xây dựng hoàn chỉnh hơn trên cơ sở các nhóm đối tượng theo tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính, trong đó có nhóm các đơn vị cấp tỉnh, thành phố theo hệ thống ngành dọc và nhóm các sở tài chính được tách riêng để phù hợp trong việc đánh giá, xếp hạng.
ICT Index ngành Tài chính 2016 được khảo sát trên 5 nhóm với 283 đối tượng gồm: Nhóm các cơ quan trung ương của các hệ thống gồm 6 đối tượng. Nhóm các đơn vị cấp tỉnh, thành phố (sở tài chính, cục thuế, kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố, cục hải quan, cục dự trữ nhà nước các khu vực) gồm 244 đối tượng. Nhóm các vụ, cục thuộc Bộ Tài chính gồm 19 đối tượng. Nhóm các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính gồm 10 đối tượng. Nhóm các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính gồm 4 đối tượng.
Với 68 chỉ tiêu, ICT Index ngành Tài chính 2016 tập trung vào các lĩnh vực sau: Hạ tầng kỹ thuật CNTT (9 chỉ tiêu), ứng dụng CNTT (23 chỉ tiêu), nhân lực CNTT (16 chỉ tiêu), đầu tư cho CNTT (13 chỉ tiêu), môi trường tổ chức - chính sách (7 chỉ tiêu).
Bình luận