Kết quả này vượt 115% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 810 tỷ vượt 147% kế hoạch, được Vietnam Report xếp hạng nhất trong 10 doanh nghiệp Logistics của Việt Nam…Và cùng trong top 10 này còn có 2 công ty con của PV Trans là PV Trans Pacific và Công ty Gas Shipping.
Nhưng để có được con số này, người PV Trans đã phải một năm " vượt qua sóng dữ" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Ngày 23/12, tại TP.HCM, PV Trans tổ chức Hội nghị Người lao động. Sau khi nghe báo cáo tổng kết năm 2020 và thì đến phần các đơn vị phát biểu tham luận. Đến lượt Công ty vận tải Việt Nhật. Mọi người có vẻ hơi ngạc nhiên khi không thấy lãnh đạo cao nhất của đơn vị mà lại là chị Nguyễn Hồng Thúy, Giám đốc Quản lý thuyền viên của công ty lên đọc tham luận.
Chị phát biểu vo, không có sổ sách giấy tờ gì cả. Chị cũng không nói nhiều về con số của kết quả kinh doanh Kết quả kinh doanh của năm 2020 tuy có thấp hơn - Mặc dù Việt Nhật Trans năm 2020 là đơn vị có lợi nhuận trước thuế đứng thứ nhì trong số 11 đơn vị của PV Trans.
Chị nói về những điều đang day dứt trong lòng về số phận của hàng trăm thuyền viên đang lênh đênh trên 31 con tàu ở khắp các đại dương.
Trong số này, người đã không được về nhà ít nhất là 6 tháng, và người lâu nhất đã là 2 năm.
Năm 2020, đã có 5 thuyền viên phải hủy đám cưới vì không thể về bờ được. Và cũng trong năm 2020, 6 thuyền viên có tứ thân phụ mẫu qua đời nhưng cũng không thể về chịu tang.
43 thuyền viên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, công ty đã phải có trợ cấp đột xuất. Đã có những thuyền viên xin thôi việc, hoặc chuyển sang làm cho nước ngoài.
Đã có những lời oán trách, những lời than vãn nặng nề, thậm chí cả những câu chửi.
15 năm làm quản lý thuyền viên, nhưng chưa khi nào chị Thúy phải chứng kiến tình cảnh này. Mà đâu phải riêng chị phải chịu đựng, lãnh đạo Việt Nhật Trans, cũng như lãnh đạo PV Trans cũng hiếm có được giấc ngủ yên khi mà đêm nào, ngày nào cũng nhận được báo cáo về tình hình tư tưởng của anh em, và nhận được cả những bức thư cầu cứu…
Biết cả đấy, thấu hiểu cả đấy. Nhưng lực bất tòng tâm, lãnh đạo PV Trans và Việt Nhật không có cách nào giúp anh em được.
Sở dĩ có chuyện quái gở này là chính vì dịch COVID-19. Vì dịch bệnh, nên hầu như tất cả các cảng trên thế giới đều không cho anh em thuyền viên lên bờ để thay ca. Mà muốn thay ca, không phải là đưa cả con tàu hàng ngàn tấn từ Nam Mỹ, hay từ Châu Âu về Việt Nam…Mà phải đưa anh em đi máy bay sang, nhận ca trực rồi anh em cũ lại đi máy bay về…
Từ trước tới nay, việc thay ca tàu viễn dương thường là như vậy. Còn nếu tàu về nước thì mọi sự đơn giản hơn, chỉ cần lên bờ, cách ly 14 ngày là xong…Chuyện tưởng như rất đơn giản như vậy, nhưng khi bệnh dịch bùng phát, thì con tàu chỉ còn biết lênh đênh ngoài biển. Họ chỉ được vào cảng khi cần tiếp tế lương thực, nước, dầu máy và các vật tư, thiết bị cần thiết khác…Thuyền viên tuyệt đối không được lên bờ.
Đội tàu của Việt Nhật Trans đã phần là đi chở thuê cho nước ngoài. Năm 2020, trong số gần nửa triệu tấn hàng đã vận chuyển thì hai phần ba là chở cho nước ngoài.
Khi nói đến những điều này, chị ngẹn giọng và cố lắm không để nước mắt trào ra. Cả hội trường lặng im phăng phắc, tưởng như con muỗi bay cũng nghe thấy tiếng.
Và sau tham luận của chị Thúy, Tổng Giám đốc PV Trans, ông Phạm Việt Anh nói luôn : "Theo tôi, chúng ta nên kết thúc phần tham luận ở đây. Vì bây giờ có nói gì nữa cũng bằng thừa. Bây giờ là lúc chúng ta cần hành động. Hành động vì người lao động".
Năm 2020, doanh thu của PV Trans có kém một chút so với năm 2019 nhưng đây thực sự là con số ấn tượng, đặc biệt là trong bối cảnh PV Trans cũng như toàn Tập đoàn Dầu khí phải đối phó với cuộc khủng hoảng kép: Đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu kéo dài.
Cũng phải nói thêm là năm 2020, PV Trans còn hỗ trợ bằng cách giảm cước vận tải cho một số đơn vị gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, và giá dầu giảm. Tổng gói hỗ trợ bằng giá cước này khaongr hơn 150 tỷ.
Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp PV Trans luôn có sự tăng trưởng vào loại cao nhất Tập đoàn Dầu khí.
Năm 2019 là một năm "đại thắng" của PV Trans khi mà nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.035 tỷ…Những tưởng vào năm 2020 thì sẽ tiếp đà vượt sóng…Nhưng ở đời, chẳng ai học được chữ ngờ.
Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm thê thảm đã khiến cả thị trường dầu mỏ thế giới lao đao. Hàng loạt các công ty khai thác, vận chuyển dầu khí bị phá sản, nhiều dự án khai thác phải dừng, giãn tiến độ; nhiều công ty vận tải danh tiếng phải bán tống, bán tháo tàu để có tiền trả nợ và nuôi công nhân…
Hoạt động khai thác tàu của PV Trans trên thị trường quốc tế bị thu hẹp dần. Các tuyến vận tải chính của PV Trans như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Thái Bình Dương đều hạn chế thông thương nghiêm ngặt… Khi dịch bệnh bùng phát, các nước thực hiện chặt chẽ việc kiểm dịch, gây kéo dài thời gian trả hàng, nhận hàng lên gấp đôi so với trước…Cần biết rằng, một con tàu cỡ hai chục ngàn tấn, mỗi ngày nằm tại chỗ cũng mất hàng ngàn USD.
Khó khăn chồng chất khó khăn, vì thế, ngay từ đầu năm, lãnh đạo PV Trans đã phải xây dựng kịch bản "sống sót".
Các biện pháp để ứng phó với biến động rủi ro, kể ra thì rất nhiều, nhưng tựu trung lại, chỉ là: Dự báo chính xác độ rủi ro và quyết tâm vươn đi xa để tìm kiếm thị trường mới; dám cạnh tranh sòng phẳng với các hãng tàu khác bằng chất lượng dịch vụ, thời gian giao hàng và giá cả hợp lý. Bên cạnh đó là triển khai quyết liệt việc tiết giảm chi phí doanh nghiệp, tối ưu hóa cơ cấu tổ chức, phân công lại lao động…Chú trọng cải tiến, đổi mới công tác quản lý, tiêu hao nhiên liệu, rút ngắn quá trình sửa chữa, bảo dưỡng tàu…
Trong các đơn vị Thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV Trans là đơn vị có bộ máy quản lý gọn nhẹ nhất. Bộ máy Công ty Mẹ chỉ có hơn 40 người, Tổng Giám đốc Phạm Việt Anh không có trợ lý, thư ký giúp việc…
Chính nhờ đã xây dựng được kịch bản "sống sót" và chủ động ứng phó các biến động rủi ro một cách bình tĩnh, tự tin nên PV Trans đã vượt qua sóng dữ về giá dầu, giá cước và đại dịch COVID-19 một cách ngoạn mục.
Cũng năm 2020, chưa bao giờ PV Trans lại phải đối phó với bão dữ nhiều như vậy. Có thời điểm vào tháng 9 và 10 , trung bình mỗi tuần phải hứng chịu một cơn bão trên khắp vùng biển Thái Bình Dương và ở Biển Đông.Nhưng tất các con tàu của PV Trans đều an toàn, đó không chỉ là nhờ có đội ngũ thuyền viên giỏi mà cũng có chút nào may mắn.
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn như vậy, nhưng PV Trans vẫn vượt qua được "sóng dữ" và có được kết quả kinh doanh vận tải rất tốt.
Một thắng lợi cũng rất ngoạn mục nữa là Công ty Dịch vụ Hàng hải Dầu khí đã thắng thầu và trở thành nhà cung cấp dịch vụ trọn gói vận hành giàn khai thác khí Sao Vàng-Đại Nguyệt do nhà đầu tư Nhật Bản quản lý… Đây là sự kiện quan trọng, góp phần khẳng định thương hiệu PV Trans không chỉ trong lĩnh vực vận tải mà còn ở khâu dịch vụ.
PV Trans bây giờ là doanh nghiệp vận tải biển hàng đầu Việt Nam, có " số má" trong làng vận tải biển thế giới.
Còn nhớ vào khoảng năm 2010, PV Trans là đơn vị khó khăn nhất của PVN, khó khăn đến mức đã có không ít ý kiến cho rằng nên để doanh nghiệp này phá sản : Nợ nần chồng chất; công việc làm không có, nhiều con tàu xuống cấp nghiêm trọng, nhiều thủy thủ giỏi tìm đường chạy .
Trong bối cảnh đó mà TGĐ Phạm Việt Anh đã "cứu" được "con tàu sắp đắm" thì quả thực đó là một kỳ tích.
Những bài học của PV Trans tromng suốt gần chục năm qua, thực sự đáng để các doanh nghiệp vận tải biển có vốn của Nhà nước phải học tập. Nếu như ai đó cho rằng PV Trans có lợi thế là "của dầu khí" thì họ hoàng toàn nhầm. Lượng hàng hóa chở cho dầu khí chiếm tỷ trọng không lớn mà doanh thu lớn nhất của PV Trans chính là từ nước ngoài.
Năm 2021, dự báo tình hình vận tải biển còn khó khăn hơn nữa. Và lãnh đạo PV Trans vẫn quyết tâm để "sống sót" trong tâm bão.
Bình luận