(VTC News) - Khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội, người đứng đầu Quốc hội khóa XII đã phát biểu rất khiêm nhường “chưa hiểu biết nhiều về công tác lập pháp và hoạt động nói chung của Quốc hội”, mặc dù ông được coi là một trong những nhà lý luận chính trị xuất sắc của Đảng ta. Sau 5 năm hoạt động, Quốc hội Khóa XII được coi là nhiệm kỳ thành công nhất của Quốc hội nước nhà, đặc biệt là trong khâu giám sát. Thành công này có vai trò hết sức quan trọng của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, người vừa được bầu làm người đứng đầu Đảng CSVN.
Nghị trường sôi động
Một trong những đại biểu Quốc hội kỳ cựu (kỳ cựu bởi ông là đại biểu 3 khóa liền: X, XI và XII), ông Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII là nhiệm kỳ thành công nhất mà ông từng biết, đặc biệt là trong khâu giám sát.
Một tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và chân thành đã giúp cho sinh hoạt của Quốc hội có chất lượng cao hơn. Chính tinh thần này đã làm cho các đại biểu Quốc hội bộc lộ và thực thi trách nhiệm một cách cao nhất trong vai trò đại diện của dân. Khâu chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, mặc dù có lúc, có chỗ căng thẳng, gay gắt, nhưng đều mang tính xây dựng, chân thành, và vì thế đạt hiệu quả cao.
Một tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và chân thành đã giúp cho sinh hoạt của Quốc hội có chất lượng cao hơn. Chính tinh thần này đã làm cho các đại biểu Quốc hội bộc lộ và thực thi trách nhiệm một cách cao nhất trong vai trò đại diện của dân. Khâu chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, mặc dù có lúc, có chỗ căng thẳng, gay gắt, nhưng đều mang tính xây dựng, chân thành, và vì thế đạt hiệu quả cao.
Những thành công này của Quốc hội Khóa XII có vai trò rất quan trọng của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, mặc dù, ngày 26/06/2006, khi nhậm chức, người đứng đầu Quốc hội Khóa XII đã phát biểu rất khiêm nhường: “chưa hiểu biết nhiều về công tác lập pháp và hoạt động nói chung của Quốc hội”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng điều hành kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XII (ảnh: TL) |
Về thành công của Quốc hội Khóa XII ông Nguyễn Lân Dũng lý giải: “Theo tôi, trong nhiệm kỳ này đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm tốt vai trò của Chủ tịch Quốc hội. Ông tham gia trực tiếp các cuộc họp từ toàn thể đến họp đoàn, nhờ đó giúp người đứng đầu có những chỉ đạo sâu sát, có tư duy thông thoáng nhưng hợp lý trong việc giải quyết từng vấn đề – nhờ đó Quốc hội hoạt động được thuận lợi hơn nhiều”.
Nhớ lại các buổi chất vấn, ông Nguyễn Lân Dũng nói: “Cũng có người nói Quốc hội có lúc hơi quá đà, nhưng tôi không nghĩ đến mức đó, có thể trong quá trình thảo luận, chất vấn, nhiều ĐBQH hơi nặng lời – nhưng đã được người chủ trì nhắc nhở rất nhã nhặn. Chủ tịch cũng rất tôn trọng các Phó Chủ tịch Quốc hội, khi cùng ngồi ở vị trí chủ tọa nhưng Chủ tịch đã để các Phó Chủ tịch điều khiển cuộc họp, trừ những nội dung rất quan trọng. Chủ tịch chỉ có mặt để phối hợp, chấn chỉnh chứ không hề ôm đồm, bao biện. Ngoài giờ họp, khi gặp gỡ với các ĐBQH ngoài hành lang, Chủ tịch Quốc hội rất thoải mái, thân tình, biểu hiện tinh thần bình đẳng trong Quốc hội”.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng khiến người tiếp xúc thấy rất gần gũi (ảnh do GS Nguyễn Lân Dũng cung cấp). |
Có cùng nhận xét như ông Dũng, một Đại biểu QH Khóa XII khác là ông Nguyễn Đình Xuân bổ sung: “Tôi thấy, về phương pháp làm việc và điều hành thì Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng có kỹ năng cầm trịch, bao quát được diễn biến của Quốc hội, để kỳ họp diễn ra có chừng mực, không quá đơn điệu, nhưng cũng không quá gay gắt”.
Còn gương mặt khá quen thuộc tại các diễn đàn Quốc hội Khóa XII Nguyễn Ngọc Đào thì nhấn mạnh: “Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII là nhiệm kỳ thể hiện rõ đổi mới của Quốc hội ở vai trò phản biện tích cực với các hoạt động của Chính phủ. Đây là kết quả của sự giám sát tích cực của Quốc hội, ví như trong dự án đường sắt cao tốc, dự án bôxit Tây Nguyên hay vụ Vinashin…”.
Người học trò nghèo
Trên chốn công đường, ông là người “cầm cân nẩy mực” dân chủ, công bằng, kiên quyết và hiệu quả. Tuy nhiên trong cuộc sống đời thường ông lại là người chân thành, bình dị, rất dễ gần, hòa đồng. Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng THPT Nguyễn Gia Thiều, nơi mà Tân TBT Nguyễn Phú Trọng học thuở thiếu thời, kể: “Cách đây gần 10 năm, tập thể giáo viên học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều tổ chức buổi gặp mặt các cựu học sinh từng học tại trường những năm 1960 để mừng thọ thầy giáo Nguyễn Văn Quế 75 tuổi. Sáng hôm đó, chúng tôi thực sự bất ngờ khi anh Nguyễn Phú Trọng, khi đó đã là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội lại tới trường bằng xe máy.
Tân TBT Nguyễn Phú Trọng và các thầy giáo: Nguyễn Duy Ninh, Đoàn Thanh, Vũ Huy Đông, Trần Thái Bình (ảnh: TL) |
Và trong khi, nhiều cán bộ khi đó giữ vị trí lãnh đạo tại TP Hà Nội và huyện Gia Lâm, cũng từng là học trò của thầy Quế đề nghị đi ô tô để mời thầy về trường thì anh Trọng lại kiên quyết đi bộ, dẫu quãng đường từ trường đến nhà riêng của thầy Quế cũng chẳng gần".
“Hình ảnh ấy của đồng chí Trọng quả thực đã để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng mọi người. Một cán bộ cấp cao nhưng hoàn toàn không có sự quan cách. Và trên hết, đó là hình ảnh một người lãnh đạo giữ vững nghĩa tôn sư trọng đạo”, thầy Đại nói.
Có lẽ trong số những người thầy, người cô từng có thời gian giảng dạy Nguyễn Phú Trọng, thầy Lê Đức Giảng, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B mang theo mình nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất về người học trò này.
“Tôi về công tác tại trường từ năm học 1961 – 1962, được phân làm chủ nhiệm lớp 9B. Khi ấy, anh Trọng vừa là Bí thư Chi đoàn, vừa là lớp trưởng lớp 9B. Phải thú thật, có một cán bộ lớp như anh Trọng, tôi rất… nhàn. Trong những giờ sinh hoạt lớp thì Trọng làm tất cả.
Người học trò này rất giói quán xuyến tình hình của lớp, đặc biệt các bạn trong lớp rất “nể” Trọng vì cách nói năng và truyền đạt rất tốt. Tôi chỉ tham gia một vài ý kiến sau khi lớp sinh hoạt”.
Cũng theo thầy Giảng, đến nay mỗi khi hai thầy trò gặp lại nhau, cả hai đều nhắc lại kỷ niệm những buổi tối Nguyễn Phú Trọng mang theo sách vở qua phòng thầy học nhờ bởi chỗ trọ thiếu đèn lại “thừa” muỗi. Những hôm trời mưa, hai thầy trò run lập cập trong tấm chăn chiên mỏng manh và thức thâu đêm.
Còn khi nhắc về người học trò vốn nổi bật với năng lực lãnh đạo tập thể, thầy giáo Đoàn Thanh, nguyên hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (1960 – 1964) năm nay đã 84 tuổi bùi ngùi hồi tưởng: “Quả thực từ ngày đó, tôi đã có ấn tượng rất đặc biệt với trò Trọng. Tôi còn nhớ rất rõ, do nhà nghèo lại ở xa, nên Trọng phải trọ học trong một ngôi chùa gần trường. Đã có nhiều thầy cô giáo nói với tôi về tư chất, năng lực lãnh đạo đoàn thể của cậu trò này.
Khi đó, anh Trọng giữ cương vị là Hiệu đoàn trường, phụ trách khối thanh niên. Để hình dung hết cái khó khăn của Trọng thì phải nhắc lại rằng, thời điểm ấy trường THPT Nguyễn Gia Thiều mới thành lập, hàng trăm học sinh đến từ nhiều vùng miền khác nhau”.
“Nhưng điều làm tôi nhớ nhất về trò Trọng, chính là sự cẩn trọng trong học tập và mọi công việc. Với trò này, chúng tôi chưa một lần phải nhắc nhở trong chuyện học hành hay trong cách cư xử”.
Thầy giáo Đoàn Thanh kể lại kỷ niệm về học trò Nguyễn Phú Trọng (ảnh: Nam Phong) |
Tuy nhiên kỷ niệm sâu sắc nhất về học trò Nguyễn Phú Trọng đã đi theo thầy Đoàn Thanh suốt mấy chục năm nay, như là hình ảnh đẹp nhất về một trong thế hệ đầu tiên lớn lên dưới mái trường XHCN, được ông nhớ lại: “Năm 1963, trên bộ bất ngờ có chỉ thị là khuyến khích học sinh không cần phải thi đại học mà ở quê nhà phục vụ quê hương hoặc đi bộ đội. Ngày ấy chúng tôi có 3 lớp 10A, 10B và 10C, tôi đã truyền đạt ý này và không có em nào đăng ký thi đại học. Nhưng sau đó, Bộ GD&ĐT có văn bản đề nghị phải có người thi đại học, một số học sinh lại đăng ký thi đại học, trong số này có Trọng. Cũng trong năm đó, Trọng thi đỗ vào khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp”.
Tuổi thơ bình dị
Tuổi thơ bình dị
Trong những ngày rét buốt giữa tháng 1/2011, chúng tôi đã về thôn Lại Đà, xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội), nơi Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra và lớn lên. Đây là một làng quê, thân thuộc, thanh bình với những người nông dân hiền hậu nhưng chăm chỉ và phong trào hiếu học truyền thống. Dọc theo lối vào làng là những chiếc cổng được xây dựng theo lối kiến trúc Bắc Bộ; những ngôi nhà 3 gian lợp ngói san sát nhau hai ven đường vẫn còn giữ lại được cái vẻ thanh bình của một ngôi làng Bắc Bộ từ hơn một nửa thế kỷ trước.
Cụ Ngô Bá Dục đang xem lại những bức ảnh kỷ niệm sau những lần họp lớp của mình có người bạn Nguyễn Phú Trọng tham gia (ảnh: Quang Tùng) |
Nhà đầu tiên mà chúng tôi tới thăm là nhà cụ Ngô Bá Dục, ở xóm 7, nằm ngay giữa thôn. Trước đây cụ Dục là Hiệu trưởng của trường cấp 3 Cổ Loa (từ năm 1991 đến năm 2003) và cũng là bạn học từ nhỏ với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đến hết cấp 3.
Tại đây cụ Dục đã kể cho chúng tôi nghe về người bạn thời thơ ấu Nguyễn Phú Trọng, kể về những kỷ niệm đã theo ông cùng năm tháng mà ông không thể quên. “Từ những năm 1953 – 1954 làng không có trường học, nhưng may thay trong làng có cụ giáo Cầm đã ra mở lớp ngoài đình để dạy học cho mấy đứa trẻ. Thời đó cả thôn chúng tôi có hơn 40 người theo học cụ giáo Cầm. Trong lớp, có người mới chỉ bắt đầu học a bờ cờ, có người đã học tính toán. Cụ Cầm biết được những gì cụ dạy hết. Nổi bật nhất trong đám chúng tôi có cậu Trọng con bác Nội ở ngay đầu làng học rất khá nên được cụ giáo Cầm rất quý.
Trọng là con út trong gia đình có 4 anh chị em, sinh ra trong một gia đình thuần nông. Trọng có dáng người nhỏ bé, nhưng đôi mắt thì lại sáng lạ thường. Đặc biệt, ngoan hiền và rất chăm chỉ học tập”.
Ông Dục còn nhớ, ngoài làm nông, gia đình nhà ông Trọng còn làm bỏng mật. Những buổi chiều tan học về lũ trẻ trong xóm thường được ông Nguyễn Phú Nội (cụ thân sinh ra TBT Nguyễn Phú Trọng-NV) gọi vào cho ăn bỏng mà không lấy tiền. Những lúc ấy, bọn trẻ con trong thôn rất thích. Mỗi lần vào cho bỏng cụ Nội thường khuyên phải chăm học, đoàn kết, giúp đỡ thương yêu lẫn nhau để sau này thành tài.
Sau khi hòa bình lập lại (1954 – 1956) ông Dục cùng ông Trọng là lứa học sinh đầu tiên của xã học hết cấp 1. Sang cấp 2, do ở xã không có lớp để học tiếp ông Dục cùng 19 học sinh khác, trong đó có ông Trọng phải sang xã Mai Lâm cách nhà 5 cây số để theo học.
Ông Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh chung cùng bạn bè tại đình làng thôn Lại Đà trong một dịp về thăm quê (ảnh: TL) |
Thường ngày lũ trẻ con trong làng vẫn thường tụm lại rồi gọi nhau đi học. Trong quãng thời gian học lớp 4, ông Dục vẫn còn nhớ rất rõ, cô giáo của lớp khi đó là cô Đặng Thị Phúc mới chỉ 22 tuổi nhưng đã có những đánh giá rất tinh tế và chuẩn xác. Trong lễ tốt nghiệp, cậu Trọng được cô Phúc đánh giá là một trong ba học sinh giỏi nhất lớp. Hai người khác cô chỉ khen chứ không công nhận xuất sắc còn ông Trọng được cô công nhận là xuất sắc. Ngoài tấm bằng khen ông Trọng còn được thưởng một bức họa báo có 1 tờ can mấy trang liền nhau mang tên là “Nước non nghìn dặm”.
Năm 1957 – 1958 sau khi tốt nghiệp, lẽ ra các ông phải lên Bắc Ninh để học tiếp cấp 2, cấp 3 nhưng do năm đó đã xảy ra trận vỡ đê ở Mai Lâm nên đã phải sang Gia Lâm, Hà Nội gửi học tại trường Nguyễn Gia Thiều.
Do học xa nhà nên trong quá trình học tập, những cậu học trò của thôn Lại Đà thường xuyên giúp đỡ nhau trong quá trình học tập. Ở lớp, học trò Nguyễn Phú Trọng là người khá nhất, đặc biệt nổi trội về môn Văn và vẫn thường được mọi người khen là điềm đạm, cẩn thận, hiền lành, được bạn bè quý mến.
Kiều Minh- Phúc Hưng – Nam Phong-Quang Tùng
“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400. |
Bình luận