• Zalo

Tổng Bí thư: Dồn dập lấy phiếu tín nhiệm thì còn làm được gì nữa?

Thời sựThứ Bảy, 07/06/2014 07:38:00 +07:00Google News

Cứ dồn dập liên tục, quanh năm chỉ có bận việc này thì còn làm gì được nữa, lấy phiếu tín nhiệm mỗi kỳ một lần nên chăng là phải - Tổng Bí thư nhận định.

Cứ dồn dập liên tục, quanh năm chỉ có bận việc này thì còn làm gì được nữa, lấy phiếu tín nhiệm mỗi kỳ một lần nên chăng là phải - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định.

Chiều 6/6, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Tại phiên thảo luận, đoàn ĐBQH TP Hà Nội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh quy định về các mức lấy phiếu và thời gian lấy phiếu tín nhiệm.


Đồng tình với việc lấy phiếu ở 3 mức tín nhiệm, ĐBQH Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện kinh tế lập pháp Quốc hội cho rằng, quy định như vậy là hợp lý, an toàn và tránh được những rủi ro chính trị không cần thiết.

Ông Thảo cũng đánh giá, tại lần lấy phiếu trước, dù không ai quá bán nhưng bản thân người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều cũng thấy cần phấn đấu. Chủ trương này bước đầu đã có tín hiệu tích cực. Trên cơ sở đó mỗi nhiệm kỳ nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần sẽ tốt hơn 1 lần.

Cũng đồng tình với phương án duy trì ở 3 mức tín nhiệm, song về số lần lấy phiếu trong một nhiệm kỳ theo ĐB Trịnh Ngọc Thạch, nếu mỗi năm 1 lần thì quá nhiều, nhưng nếu chỉ 1 lần trong cả nhiệm kỳ 5 năm lại quá ít, nên duy trì 2 lần/nhiệm kỳ. Lần lấy phiếu đầu tiên để đánh giá, lần 2 khẳng định xem cán bộ đó thế nào và để "gối đầu" cho nhiệm kỳ sau.

ĐBQH Trịnh Thế Khiết cũng cho rằng phiếu tín nhiệm chỉ nên để ở 2 mức tín nhiệm hay không tín nhiệm. “Nếu để 3 mức sẽ không phân biệt được và cũng không rõ giữa tín nhiệm cao, tín nhiệm và không tín nhiệm. Khi đã không phân biệt được thì sẽ không đánh giá được người đó đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội, HĐND thế nào”.

Có cùng quan điểm trên, theo ĐBQH Chu Sơn Hà cho rằng, mục đích của lấy phiếu để xác định mức độ tín nhiệm, nếu thấp thì phải khắc phục, phấn đấu tốt hơn. Như vậy chỉ cần để 2 mức tín nhiệm hay không tín nhiệm. ĐB Hà cũng đồng tình phương án mỗi năm lấy phiếu một lần. Ông dẫn dụ, với lần thực hiện đầu tiên, trưởng các ngành đã có nhiều tiến bộ, điển hình như Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.

“Nghe lấy phiếu tín nhiệm chỉ một lần trong cả nhiệm kỳ hình như đã có sự chững lại. Nên lấy phiếu tín nhiệm mỗi năm 1 lần để kiểm điểm lại mình và để thực hiện công việc tốt hơn” - ĐB Hà nói.

Ông Hà cũng đề nghị quy định trong dự thảo nghị quyết về 20% số ĐBQH đồng ý thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm phải quy định rõ ràng cụ thể hơn, vì việc này đã có chủ trương từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn chưa làm được lần nào.

Cho ý kiến xung quanh vấn đề này, nhiều ĐB trong đoàn Hà Nội tán thành với những quy định trong Nghị quyết 35 sửa đổi. Nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi, ĐBQH Nguyễn Đức Chung đồng tình với quy định như trong dự thảo: lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ và duy trì ở 3 mức tín nhiệm.

Theo ĐB Chung, nếu cứ lấy phiếu hàng năm không khéo lại phản tác dụng vì nhiều ĐB hàng năm phải lấy phiếu tới 2 – 3 lần. Bên cạnh đó nếu phát huy tốt thì không sao nhưng không cẩn thận sẽ bị lợi dụng, rồi sinh ra bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Mục đích lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá mức độ của người đó như thế nào chứ không phải bỏ phiếu đề bạt, nên duy trì lá phiếu ở 3 mức sẽ tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu tại phiên thảo luận chiều 6/6 - Ảnh: Nguyễn Dũng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu tại phiên thảo luận chiều 6/6 - Ảnh: Nguyễn Dũng 

Đánh giá cao tính hiệu quả của chủ trương này, ĐBQH Nguyễn Bắc Son cho rằng, đây là sự đổi mới rất lớn, khẳng định vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND để các ĐB phấn đấu, rèn luyện. Dù ĐB có số phiếu tín nhiệm thấp hay cao cũng đều có sự nỗ lực phấn đấu. Ông Nguyễn Bắc Son cũng nhất trí với chủ trương sửa đổi, điều chỉnh để nâng cao chất lượng hơn.

Về thời gian lấy phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Bắc Son đồng tình với phương án tổ chức 1 lần vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ. Bởi ngoài lấy phiếu ở Quốc hội, các ĐB cũng trải qua nhiều lần đánh giá khác, ngay ở dưới cơ sở cũng thực hiện mấy lần rồi.

Về các mức đánh giá, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau song theo ĐB Nguyễn Bắc Son, phương án 3 mức như tờ trình phù hợp nhất. Vì lấy phiếu là công đoạn thăm dò tín nhiệm nên có nhiều mức sẽ phù hợp, đến khi tiến hành bỏ phiếu thì quy định ở 2 mức là rất rõ.

Trước nhiều ý kiến còn khác nhau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, chủ trương lấy phiếu tín nhiệm bắt đầu từ Nghị quyết Trung ương 4. Mục đích của việc làm này là muốn cảnh tỉnh, răn đe để cán bộ tự soi, tự sửa là chính nên lúc đầu đưa ra chủ trương lấy phiếu hàng năm để thay đổi cán bộ, khắc phục tình trạng trì trệ, vì việc đánh giá cán bộ đôi khi còn hình thức, không thực chất.

Chính vì mục đích như trên nên việc lấy phiếu tín nhiệm mới được quy định ở 3 mức. Còn nếu 2 mức thì đã là bỏ phiếu tín nhiệm rồi. Dù chỉ mới tiến hành lấy phiếu ở 3 mức như vừa qua nhưng theo Tổng Bí thư đã “khối anh sợ” và có sự “điều chỉnh thật”.

Về lý do lấy phiếu từ hàng năm điều chỉnh xuống 1 lần mỗi nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lý giải, vì hàng năm đều có đánh giá, lấy ý kiến nhiều lần với rất nhiều kênh khác nhau, khi vào Quốc hội cũng đều tiến hành bỏ phiếu rồi đến cuối nhiệm kỳ lại đánh giá nữa.

“Cứ dồn dập liên tục, quanh năm chỉ có bận việc này thì còn làm gì được nữa. Lấy phiếu tín nhiệm mỗi kỳ một lần nên chăng là phải” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định.

» Nhiệm vụ của ông Nguyễn Thanh Nghị tại Kiên Giang
» Tạm rút nội dung lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 7
» Tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm đầu năm 2014

Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn