• Zalo

Tổng Bí thư có thể ủy quyền cho một Uỷ viên Bộ Chính trị chủ trì hội nghị TƯ

Chính trịThứ Năm, 15/07/2021 16:55:12 +07:00Google News
(VTC News) -

Trách nhiệm, quyền hạn của Tổng Bí thư có bổ sung mới, đó là khi cần thiết, Tổng Bí thư ủy quyền cho một Ủy viên Bộ Chính trị chủ trì các hội nghị BCH Trung ương.

Thông tin về kết quả Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII tại Hội nghị Báo cáo viên tháng 7/2021 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 15/7, ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương, cho biết: Hội nghị Trung ương lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp nên không khí làm việc của Hội nghị cũng hết sức khẩn trương, nghiêm túc, kết thúc sớm 1 ngày so với kế hoạch.

Hội nghị đã bàn thảo nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; tình hình dịch bệnh COVID-19; các quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; quy định về thi hành Điều lệ Đảng, về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; và giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Tổng Bí thư có thể ủy quyền cho một Uỷ viên Bộ Chính trị chủ trì hội nghị TƯ - 1

Ông Lê Hải Bình thông tin tại Hội nghị Báo cáo viên tháng 7/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Liên quan đến nhóm vấn đề các quy chế làm việc và quy định về thi hành Điều lệ Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, ông Lê Hải Bình cho biết, Hội nghị Trung ương lần này đã thảo luận và bổ sung nhiều điểm mới.

Theo đó, bổ sung trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương trong việc định hướng xây dựng chiến lược cán bộ của hệ thống chính trị, xác định phương hướng công tác nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình Đại hội toàn quốc của Đảng.

Trách nhiệm và quyền hạn của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, bao gồm cả Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Bí thư, có bổ sung thêm quy định “phải gương mẫu đi đầu thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền, đề cao trách nhiệm cá nhân, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.

Nhiệm vụ cụ thể của Bộ Chính trị được bổ sung thêm quy định “định kỳ hàng quý và khi cần thiết, Bộ Chính trị cho ý kiến về tình hình đất nước để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị trên các lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Đặc biệt Hội nghị Trung ương lần này bổ sung mới trách nhiệm, quyền hạn của Thường trực Ban Bí thư. Theo đó, Thường trực Ban Bí thư gồm Tổng Bí thư và Thường trực Ban Bí thư, giải quyết công việc và cho ý kiến về các vấn đề vượt thẩm quyền của Thường trực Ban Bí thư nhưng chưa tới mức phải báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và những công việc được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, ủy quyền.

Theo ông Lê Hải Bình, đây là những công việc Thường trực Ban Bí thư đã thực hiện qua nhiều nhiệm kỳ, trên thực tiễn đã thực hiện tốt rồi mới đưa vào quy chế lần này, nhằm thể hiện rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của Thường trực Ban Bí thư.

Trách nhiệm, quyền hạn của Tổng Bí thư cũng có bổ sung mới, đó là khi cần thiết, Tổng Bí thư ủy quyền cho một Ủy viên Bộ Chính trị chủ trì các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương. Đồng thời bổ sung quyền hạn, trách nhiệm của Tổng Bí thư là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tham gia Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.

Trách nhiệm, quyền hạn của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư được bổ sung thêm “chỉ đạo xây dựng các đề án báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo sự phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư”.

Trách nhiệm, quyền hạn của Thường trực Ban Bí thư được bổ sung thêm nội dung “định kỳ, thường xuyên nghe báo cáo và cho ý kiến về tình hình triển khai các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư để kịp thời nắm bắt tình hình và lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan liên quan. Đồng thời cũng bổ sung thêm trách nhiệm chỉ đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chỉ đạo cải cách hành chính ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng để cụ thể hóa trách nhiệm trong phân công”.

Liên quan tới Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, bổ sung mới nội dung “căn cứ vào nhu cầu tình hình cụ thể, trong các Hội nghị Trung ương bố trí thời gian để nghe các báo cáo chuyên đề”.

Về quy định mới này, ông Lê Hải Bình cho biết, khi thảo luận về nội dung này, có ý kiến nói rằng, trong tình hình mới, có thể có lúc, tùy vào nội dung công việc cụ thể, có thể tiến hành Hội nghị Trung ương bằng hình thức trực tuyến. Đối với ý kiến này, Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh tùy vào tình hình cụ thể, đặc thù và nội dung phù hợp có thể tính đến chuyện đó.

Về quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương lần này được Trung ương thống nhất thêm một số nội dung mới: bổ sung nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra như thẩm quyền quyết định kỷ luật tổ chức Đảng khi kiểm tra cách cấp; bổ sung trách nhiệm trong xử lý các vụ việc, vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; Nhiệm vụ thông tin, báo cáo của Ủy ban là hàng năm và cuối nhiệm kỳ hoặc khi có yêu cầu đột xuất sẽ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, về hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp;

Bổ sung nhiệm vụ quyền hạn của Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: các ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; gương mẫu, liêm chính, trong sạch, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp và trách nhiệm, không suy thoái, lãng phí, tiêu cực dưới mọi hình thức và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân.

Tổng Bí thư có thể ủy quyền cho một Uỷ viên Bộ Chính trị chủ trì hội nghị TƯ - 2

Hội nghị Báo cáo viên tháng 7/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 15/7.

Về quy định thi hành Điều lệ Đảng, Trung ương đã thảo luận khá sôi nổi với hơn 90 ý kiến thảo luận. Trung ương đánh giá, thời gian qua, việc thực hiện Quy định 29 về thi hành Điều lệ Đảng đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, tuy nhiên cũng còn một số hạn chế, vướng mắc.

Vì vậy, qua thảo luận, Trung ương thống nhất việc xây dựng quy định về thi hành Điều lệ Đảng của khóa này sẽ dựa trên một số nguyên tắc: đảm bảo tuân thủ Điều lệ Đảng, cơ bản kế thừa Quy định 29; không mở rộng phạm vi sửa đổi do chưa sửa Điều lệ Đảng; cập nhật sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với một số văn bản của Đảng có liên quan; nội dung công tác kiểm tra giám sát về Ủy ban Kiểm tra các cấp…; Một số nội dung mới chưa được quy định trong Điều lệ Đảng sẽ được tiếp thu, tổng hợp và nghiên cứu trong quá trình tổng kết 15 năm thi hành Điều lệ Đảng trong nhiệm kỳ này…

Về quy định đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất ban hành quy định mới thay thế Quy định 30, với một số điểm đáng lưu ý: đó là quy định việc không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thu phát sóng khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát. Quy định này nhằm phòng ngừa việc đối tượng kiểm tra sẽ ghi âm, ghi hình lại các nội dung trong quá trình kiểm tra chưa được phép công khai, đảm bảo giữ bí mật, danh tính người tố cáo; tăng trách nhiệm, thẩm quyền cho cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên; quy định về giải quyết tố cáo đối với trường hợp cán bộ về hưu nhưng bị tố cáo về những việc đã làm trong thời gian đương chức.

Thanh Hà(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn