Ngày 14/1, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của Tòa án năm 2018 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, ngành Tòa án còn một số tồn tại, hạn chế.
Trong đó đáng chú ý là tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan vẫn còn cao, thậm chí có bản án áp dụng sai pháp luật; đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn tồn đọng và giải quyết chậm.
Đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, Toà án các cấp còn chưa làm rõ trong bản án tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Một số bản án không khả thi, tỷ lệ giải quyết án hành chính không đạt yêu cầu cả về chất lượng, số lượng và thời hạn.
Chất lượng giải quyết án dân sự, kinh doanh, thương mại chưa cao. Năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ còn yếu, cá biệt có cán bộ vi phạm pháp luật, kỷ luật công tác bị xử lý.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các Toà án cần tập trung thực hiện khẩn trương hơn các yêu cầu cải cách tư pháp; những nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ trong năm 2019.
Trong đó, Tổng Bí thư cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xây dựng nền tư pháp văn minh, tiến bộ, trong đó Toà án đóng vai trò trung tâm là nội dung quan trọng để không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Uy tín của Toà án chính là tín nhiệm của thể chế chính trị, của Nhà nước, bởi đây là niềm tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội.
"Khẳng định điều này giúp chúng ta thấy rõ hơn trách nhiệm chính trị của các Toà án, nhất là đội ngũ thẩm phán. Mỗi bản án phải làm sao để thực sự "tâm phục, khẩu phục", khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, được công chúng đồng thuận; phải tạo ra được các chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, có tác dụng giáo dục pháp luật và định hướng hoạt động của xã hội" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của các Toà án là phải nâng cao chất lượng xét xử; không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế thấp nhất các bản án bị huỷ, bị sửa do lỗi chủ quan.
Toà án cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của các phán quyết, nhất là việc áp dụng các biện pháp tư pháp và xác định đúng trách nhiệm dân sự của tội phạm, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
"Khi phát hiện các bản án sai sót phải kiên quyết khắc phục, thành tâm nhận khuyết điểm, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân.
Kiên quyết khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn tố tụng. Kéo dài thời gian xét xử, đặt người dân vào tình trạng pháp lý căng thẳng quá lâu không phải là biểu hiện của một nền tư pháp văn minh”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thẩm phán. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện cán bộ, công chức.
Trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành Toà án phải mở rộng và nâng cao chất lượng hợp tác với các thiết chế xét xử và trọng tài quốc tế để đủ năng lực giải quyết các vụ án, vụ việc xuyên quốc gia; qua đó nâng cao vị thế của Toà án Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo báo cáo tại hội nghị, ngành Tòa án đã giải quyết, xét xử các loại vụ án trong nửa đầu nhiệm kỳ với nhiều chuyển biến rõ rệt. Số vụ án được giải quyết đạt tỷ lệ 95,9%, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án giảm dần qua các năm. Trong đó, năm 2018 là 1,14%, đáp ứng được yêu cầu Quốc hội đề ra.
Bình luận