• Zalo

Phiên tòa xét xử các đại án 2018: Dấu ấn cải cách tư pháp được thể hiện thế nào?

Pháp luậtThứ Hai, 14/01/2019 08:06:00 +07:00Google News

Điều nổi bật ở các phiên tòa là tinh thần cải cách tư pháp, tinh thần ấy là đảm bảo quyền của các bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Năm 2018, các tòa án trên cả nước đã xử lý nhiều vụ án lớn, nghiêm minh, đúng pháp luật dù nhiều bị cáo là người từng giữ chức vụ cao.

Tại các phiên tòa này, tinh thần cốt lõi của cải cách tư pháp đã được thể hiện khá rõ nét, trước hết là nhiều quy định mới về nội dung và hình thức cũng như các nguyên tắc tố tụng tiến bộ được ghi nhận, thực hiện. 

dau_an_cai_cach_tu_phap_sjza

 Phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại PVC và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Có thể kể ra những vụ đại án tham nhũng kinh tế được đưa ra xét xử công khai trước pháp luật trong năm 2018 như: các bị cáo trong vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Châu Thị Thu Nga đã phải nhận hình phạt nghiêm minh, tương xứng với hành vi phạm tội.

Cùng với đó là các vụ án lớn được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là vụ án sự cố y khoa ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, vụ án đánh bạc ngàn tỷ qua mạng Internet ở Phú Thọ, vụ án xe Innova lùi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên khiến 4 người chết.

Điều nổi bật ở các phiên tòa này là tinh thần cải cách tư pháp. Tinh thần ấy là hình thức cải cách phiên tòa, là đảm bảo quyền của các bị cáo theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự; là tạo điều kiện để mọi người tham gia tố tụng đều được trình bày hết quan điểm, đảm bảo dân chủ, công bằng, bình đẳng, tôn trọng quyền con người theo tinh thần cải cách tư pháp. 

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, nhận xét: "Việc tổ chức phiên tòa đã đảm bảo tinh thần dân chủ, đảm bảo tinh thần tôn trọng các ý kiến của các bên; đảm bảo bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được trình bày hết ý kiến của mình kể cả trong xét hỏi, tranh luận và nói lời sau cùng".

Theo dõi quá trình xét xử các vụ án lớn trong năm 2018, nhiều chuyên gia hoạt động trong các cơ quan tư pháp, giới luật sư và người dân có chung nhận định, tòa án đã thực hiện đúng theo tinh thần thượng tôn pháp luật; Hội đồng xét xử áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật và tôn trọng quyền con người; các bị cáo được sử dụng quyền im lặng để bảo vệ quyền lợi của mình; các nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh luận công khai theo tinh thần Bộ luật Tố tụng hình sự mới đều được Hội đồng xét xử thực hiện.

Tòa án coi trọng cả chức năng gỡ tội và chức năng buộc tội, xác định tranh tụng chính là biện pháp phản biện trực diện và khoa học để tìm ra sự thật của vụ án.

Lấy ví dụ về kết quả phiên tòa xét xử vụ án hình sự liên quan đến sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến 9 người chết xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, với quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của Hội đồng xét xử, ông Nguyễn Xuân Khởi, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao nhận xét: "Phiên tòa thể hiện được tinh thần cốt lõi của cải cách tư pháp. Diễn biến phiên tòa cho thấy tính dân chủ, công khai; bị cáo, người liên quan, người làm chứng được phát biểu, trình bày; được cung cấp, giao nộp chứng cứ cho tòa;

Chủ tọa thể hiện được bản lĩnh trong điều khiển phiên tòa, đi đúng trọng tâm, tạo điều kiện và mở rộng không gian tranh tụng để các bên cọ sát chứng cứ, lý luận và thực tiễn, sau đó là giải quyết triệt để các tài liệu và chứng cứ phát sinh bằng quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung".

Dân chủ, thẳng thắn trong tranh luận là điều thấy rõ ở các phiên tòa của ngành tòa án trong năm 2018, qua đó bản lĩnh của các bên tham gia tố tụng cũng được khẳng định tại phiên tòa các bên tranh luận với tinh thần thẳng thắn.

Luật sư, đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử đều thể hiện đúng bản lĩnh trên tinh thần tôn trọng sự thật khách quan. Ở một số vụ án, công tố viên đã có thay đổi quan điểm sau khi tranh luận, không thực hành quyền công tố theo kiểu bảo vệ quan điểm cáo trạng đến cùng như trước đây.

Trong các phiên tòa xét xử đại án tham nhũng, hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, giữ chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước được áp dụng nhưng tòa án cũng thực hiện đầy đủ chính sách khoan hồng với người làm công ăn lương, với những người cao tuổi. Tòa cũng chú ý áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp khác và hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước.

Video: Phan Sào Nam gọi biến cố vi phạm pháp luật của mình là may mắn trong cuộc đời

PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo, giảng viên lý luận chính trị cao cấp, Học viện Báo chí Tuyên truyền nêu ý kiến: "Những vụ án vừa rồi nhân dân rất đồng tình, không có vùng cấm. Trước pháp luật, tất cả đều bình đẳng, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dù đang đương chức hay đã nghỉ hưu, không có vùng an toàn nào khi cán bộ mắc khuyết điểm".

Dấu ấn cải cách tư pháp trong các phiên tòa xét xử các vụ án lớn vừa qua đã giúp người dân tin hơn vào hoạt động của tòa án, cơ quan bảo vệ công lý, lẽ phải. Nhưng từ quá trình tranh tụng công khai tại tòa đã làm lộ những thiếu sót, hạn chế của một số cơ quan, cá nhân tiến hành tố tụng như chưa làm tròn trách nhiệm, có tính áp đặt, dấu hiệu ép cung, mớm cung, tạo dựng hồ sơ, thiếu tôn trọng sự thật khách quan còn xảy ra ở giai đoạn điều tra; rồi vi phạm nguyên tắc tố tụng và pháp luật trong công tác điều tra.

Tại một số phiên tòa, việc xét hỏi chưa thực sự theo định hướng cải cách tư pháp, thậm chí có lúc đại diện Viện Kiểm sát và thẩm phán xét hỏi thiên về buộc tội, không chú ý đặt các câu hỏi gỡ tội cho bị cáo.

Với những điều vừa phân tích, mong muốn năm 2019, hoạt động tranh tụng diễn ra ở tất cả các khâu trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ án hình sự để không bỏ lọt tội phạm cũng như làm oan người vô tội, đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của những người tham gia tố tụng.

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn