Sáng 10/12, phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới. Phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của từng bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua để thật bổ ích, thiết thực, tránh hình thức, lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt.
Đối tượng thi đua cần phải rộng rãi; bảo đảm hài hoà các lợi ích: Lợi ích của người lao động, lợi ích của bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, lợi ích của xã hội. Các phong trào thi đua cần có nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; huy động được sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trong thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước cần cổ vũ các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các cơ hội, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý cần tiếp tục quán triệt, thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thi đua, khen thưởng.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương.
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước cũng đề nghị quan tâm và cụ thể hoá bằng các quy định về việc khen thưởng qua phát hiện các điển hình, nhân tố mới, khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất; khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề; tăng cường phát hiện các điển hình tiên tiến để động viên, khen thưởng kịp thời.
Nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, là những người tôi trung thành của nhân dân, là những người con hiếu của Tổ quốc”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị sau Đại hội này, hơn 2.000 đại biểu là điển hình, Anh hùng, Chiến sĩ thi đua có mặt hôm nay tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, tích cực tham gia và làm nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước tại cơ quan, địa phương, đơn vị; những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt nhanh chóng được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Những thành tích đạt được trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 5 năm qua có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước.
"Phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam", Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò của phong trào thi đua yêu nước.
Theo Tổng Bí thư, các phong trào thi đua góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, khơi dậy được tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hun đúc ý chí mạnh mẽ, khát vọng hùng cường của dân tộc. Giờ đây, thi đua trở thành điều rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày.
"Tinh thần thi đua vượt lên chính mình chính là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển", Tổng Bí thư khẳng định.
Bình luận