• Zalo

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: 'Phải kỷ luật một vài người để cứu muôn người'

Tin tức Đại hội ĐảngThứ Hai, 28/12/2020 13:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, vì sự tiến bộ chung, vì để muốn nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật một vài người để cứu muôn người.

Sáng 28/12, chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, vì muốn nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật một vài người để cứu muôn người.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết kế thừa và phát huy thành tích đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng chống lãng phí tiêu cực, tiếp tục được đẩy mạnh triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, đi vào chiều sâu, tạo nhiều chuyển biến tích cực rõ rệt.

Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, nhiều vụ việc, vụ án lớn nghiêm trọng được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ Đảng viên và người dân hoan nghênh, đánh gia cao, đồng tình, ủng hộ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: 'Phải kỷ luật một vài người để cứu muôn người' - 1

(Ảnh: VGP)

"Mới đây, trong cuộc họp Trung ương cũng thông báo về 2 vụ án lớn, 1 vụ án ở Hà Nội và 1 vụ án ở TP.HCM, trong đó 2 lãnh đạo chủ chốt của thành phố cũng bị xét xử. Có thể thấy, niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước và chế độ Xã hội Chủ nghĩa tiếp tục được củng cố và tăng cường", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá thành tựu của đất nước năm 2020 và nhiệm kỳ vừa qua là công lao của cả hệ thống chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong đó, công lao rất lớn của đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

"Nhà nước và Nhân dân ghi nhận biểu dương và cảm ơn đóng góp lớn lao của các đồng chí, nhưng tôi nhấn mạnh lại, tuyệt nhiên chúng ta không được chủ quan, tự mãn, say sưa với ánh hào quang của vòng nguyệt quế vì trước mắt chúng ta, khó khăn, thách thức còn đang rất nhiều. Công việc nặng nề phức tạp đang chờ đón chúng ta.

Tất cả chúng ta, nhất là cán bộ có chức, có quyền, đang nắm trong tay tiền, quyền và tài sản khổng lồ của đất nước, đang sống trong môi trường rất nhiều cám dỗ, rất dễ xảy ra tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực đối với các vấn đề như quản lý sử dụng đất đai, xây dựng tư bản, thu chi ngân sách, sử dụng tài sản công, tài nguyên môi trường, cổ phần hóa tài chính  trong các doanh nghiệp, thực hiện chính sách an sinh xã hội, công tác tổ chức cán bộ...", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu.

Theo số liệu thống kê, trong nhiệm kỳ XII của Đảng đã có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số người bị xử lý hình sự. Đáng lưu ý, trong đó 53 người công tác ở các cơ quan chính quyền, 31 người ở lực lượng vũ trang nhưng các vi phạm phần lớn  ở các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như đã nêu trên.

"Nhắc đến những con số này, chúng ta thật đau lòng. Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Trái lại rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để muốn nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật một vài người để cứu muôn người. Nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới hết sức nặng nề, phức tạp, phải luôn đấu tranh với chính mình để không mắc phải những cám dỗ đời thường", Tổng Bí thư nhấn mạnh. 

Người đứng đầu Đảng và Nhà nước cũng mong mọi người luôn nhớ rằng, chúng ta là các đảng viên, hơn nữa là những cán bộ rường cột của nước nhà, là công bộc của dân. Hãy làm việc hết sức mình, trước hết, trên hết là vì dân, vì nước.

Cán bộ cần luôn trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống; Luôn luôn tự soi, tự sửa lại mình để không xảy ra những điều mà không ai mong muốn.

Tổng Bí thư tiếp tục lưu ý: "Nếu để xảy ra thì không chỉ Đảng, Nhà nước, cơ quan đơn vị và Nhân dân, mà chính chúng ta mất uy tín, làm ảnh hưởng, mang đến nỗi đau không chỉ cho chính mình mà cho cả gia đình mình, người thân của mình, đồng chí, đồng đội của mình. Các đồng chí lưu ý điều này.

Chúng ta trực tiếp quản lý khối tài sản lớn như tiền, đất đai..., quyền cũng rất to. Môi trường tạo thuận lợi cho chúng ta làm việc, nhưng nếu không cẩn thận dễ mắc vào cám dỗ không ai mong muốn".

Tổng Bí thư mong rằng sau hội nghị này, với một niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ cùng với toàn Đảng, toàn dân phấn đấu với quyết tâm nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra cho năm 2021.

Việt Nam đã ứng phó rất nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, có hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19. Chính sự thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 đã tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đạt kết quả cao nhất có thể, được đánh giá là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020.

Năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đạt 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm vẫn tăng trung bình 5,9%/năm; quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ, trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong ASEAN.

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; năng suất lao động tăng bình quân 5,8%/năm, cao hơn nhiều so với giai đoạn 2011-2015. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục, trên 540 tỉ đô la Mỹ; cán cân thương mại có thặng dư cao, xuất siêu khoảng 20 tỉ đô la Mỹ, dự trữ ngoại hối tăng cao…

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ... tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ; tiếp tục bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân; đã có 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt xa mục tiêu 50% đã đề ra; 91% dân số tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ gần 10% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2020 được xếp thứ 42/131 nước, đứng đầu nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập. Xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020, cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.

Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được duy trì, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Nhiều hoạt động đối ngoại, nhất là các hội nghị và cuộc làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp vẫn tiếp tục được triển khai có chất lượng, hiệu quả cao, góp phần hoàn thành tốt vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong năm 2020 đã hoàn thành việc đàm phán, ký kết 2 Hiệp định rất quan trọng là: Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Bên cạnh đó, quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường; chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định được giữ vững, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả nổi bật, ấn tượng, có sự chuyển biến rất tích cực, nâng cao rõ rệt về chất.

Trong năm 2020, Quốc hội đã thảo luận, xem xét thông qua 17 dự án luật, 34 nghị quyết; cho ý kiến 10 dự án luật. Chính phủ và chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ, chính quyền điện tử... 

Mặc dù không hoàn thành được một số chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn