• Zalo

Tôn trọng phần mềm bản quyền để phát triển

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 22/03/2012 04:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhiều chỉ dấu cho thấy, người dùng cá nhân và các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến việc dùng phần mềm và các giải pháp công nghệ bản quyền.

(VTC News) - Nhiều chỉ dấu cho thấy, người dùng cá nhân và các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến việc dùng phần mềm và các giải pháp công nghệ bản quyền.

Thắt chặt quyền sở hữu trí tuệ

Năm 2012, được coi là năm đại họa của việc dùng "chùa" tài nguyên trên mạng, mở đầu là sự kiện SOPA và PIPA gây tranh cãi ở Mỹ.

Tháng 2/2012, Quốc hội Mỹ dừng vô hạn định SOPA và PIPA, mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng hai dự luận này là những tín hiệu cảnh báo được gửi gắm rõ ràng, tới những tổ chức và cá nhân đang lợi dụng sở hữu trí tuệ của người khác để làm lợi cho bản thân.

Sau sự vụ, Megaupload bị đóng cửa, hàng loạt các link tải phần mềm và crack (mở khoá) đã bị gỡ đi trên một loạt trang chia sẻ file khác.

Cuối năm 2011, hàng loạt các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng bị "sờ gáy", trong đó có cả tên tuổi lớn như Bền Computer, Siêu thị điện máy chợ lớn... vì sử dụng phần mềm lậu với tổng trị giá lên đến 500.000 USD, phạt vi phạm hành chính tối đa cho hành vi này là 500 triệu đồng. Những điều này là tuyên bố khá rõ của cơ quan chức năng trong vấn đề sử dụng phần mềm trong xã hội.

Đã có nhiều tín hiệu từ chính quyền các nước về việc mạnh tay với phần mềm lậu trong năm 2012

Trước những động thái mới của cơ quan chức năng và sự cần thiết trong việc sử dụng phần mềm bản quyền trong xu hướng toàn cầu hoá, nhiều doanh nghiệp đã nghĩ tới việc "bỏ con săn sắt, bắt con cá rô", nghiêm túc hơn trong việc sử dụng phần mềm bản quyền trong doanh nghiệp.

Mặt khác, Việt Nam đã gia nhập WTO vào sân chơi chung của toàn cầu, do đó việc tuân thủ luật bản quyền quốc tế là cần thiết. Bởi một số quốc gia như Mỹ, có thể cấm nhập khẩu sản phẩm hàng hoá vào nước của họ và có các biện pháp bổ sung, nếu doanh nghiệp sử dụng phần mềm không có bản quyền.


Hiện Việt Nam vẫn đang được coi là có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm lớn nhất thế giới (83% - số liệu của Liên minh phần mềm doanh nghiệp BSA), nhưng tỉ lệ vi phạm đã giảm xuống 2% so với năm 2010.

Phát triển dựa trên nền tảng trí tuệ bản quyền

Trong năm 2011, phiên bản ứng dụng đọc sách và kho sách bản quyền đã được Vinapo đưa vào khai thác với Thư viện Alezaa. Đến nay, doanh nghiệp này cũng đã xây dựng được một chỗ đứng của mình trong thị trường sách điện tử, mà theo như lời ông Trần Trọng Thành - Chủ tịch HĐQT Vinapo, sách có bản quyền góp phần nâng cao văn hoá đọc và đem lại sự công bằng cho tác giả. Đầu năm 2012, doanh nghiệp này đã ra mắt ứng dụng đọc sách Alezaa phiên bản 2 và được người dùng ủng hộ. Không chỉ Vinapo, nhiều doanh nghiệp cũng đã thấy lợi ích của việc sử dụng nguồn tài nguyên sạch cho việc phát triển của mình.

HDbank và Microsoft trong lễ kí kết về việc sử dụng công nghệ và bản quyền phần mềm của Microsoft

Này 22/3/2012, ngân hàng HDBank cũng đã kí kết thoả thuận hợp tác doanh nghiệp (Enterprise Agreement) với Microsoft. Trong đó, HDBank sẽ tiến hành triển khai các sản phẩm và giải pháp công nghệ toàn diện của Microsoft vào hoạt động của ngân hàng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí, tăng cường bảo mật thông tin, đồng thời mang đến cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại. Các điều khoản hợp đồng còn thể hiện, HDBank sẽ được cập nhật tất cả các phiên bản mới mà Microsoft đưa ra thị trường trong vòng 3 năm tới, đưa hệ thống công nghệ thông tin của HDBank lên tầm cỡ quốc tế.

Ông Nguyễn Hữu Đặng, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc HDBank cho biết: “Là một ngân hàng năng động hội nhập, HDBank luôn tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng dịch vụ, chuyên nghiệp, ổn định và bảo mật cao cho khách hàng cũng như toàn hệ thống. Chúng tôi tin rằng với các sản phẩm và giải pháp công nghệ mới từ Microsoft, HDBank sẽ phát huy tối đa sức mạnh và tiềm lực công nghệ để mang đến các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của mình”.

Đáp lại, ông Jamie Harper, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam nói: “Chúng tôi tin rằng tại mọi doanh nghiệp và đối với mọi nhân viên, các chi tiết có thể khác nhau nhưng kết quả đạt được nhằm thúc đầy sử thành công về mặt kinh doanh là bất biến".

Bằng sự hợp tác này, HDBank đã lên tiếng khẳng định về việc doanh nghiệp sẽ ứng dụng các phần mềm bản quyền của Microsoft, đồng thời nhận được sự hỗ trợ về các giải pháp quản trị doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ mạnh và có giá trị thương hiệu của tập đoàn này.

Theo tiết lộ của một quan chức, việc sử dụng phần mềm bản quyền và hợp tác với các tập đoàn nước ngoài trong việc quản trị doanh nghiệp là một việc không mới, nhưng sẽ càng ngày càng được nhấn mạnh sâu sắc  để đảm bảo cho việc, doanh nghiệp Việt có được sự phát triển tốt nhất trên nền tảng công nghệ, đồng thời tuân thủ quy định của pháp luật.

Bảo Anh


Bình luận
vtcnews.vn