Trong những ngày qua, nhiều cơ quan báo chí phản ánh việc tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu, cấm phát triển từ năm 2013 nhưng vẫn được bày bán, kinh doanh trên thị trường nội địa với số lượng lớn.
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh việc tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu từ năm 2013 nhưng vẫn được bày bán, kinh doanh trên thị trường nội địa.
Phó Thủ tướng yêu cầu xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực – Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kết quả.
Trước đó, thông tin loài tôm hùm đất được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam từ Trung Quốc thu hút sự chú ý đặc biệt của dự luận. Nhiều chuyện gia nhận định tôm hùm đất là loại sinh vật ngoại lai nguy hiểm, nếu du nhập có thể trở thành "thảm họa" với nền nông nghiệp Việt Nam.
TS Bùi Quang Tề (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) cho biết, tôm hùm đất là loài sinh vật có nguồn gốc ngoại lai và không phải bây giờ mới du nhập vào Việt Nam. Cách đây khoảng 5 – 7 năm, loài này từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ và cả ở Đồng Tháp.
Tuy nhiên, sau đó xác định đây là loài ngoại lai nguy hại, các nhà khoa học đề nghị không nhân giống phát triển.
Theo ông Tề, tôm hùm đất là loại sinh vật hoạt động mạnh, phàm ăn, có nguy cơ phá hủy môi trường sinh thái của các loại sinh vật bản địa.
Hiện Trung Quốc vất vả đối phó với nạn tôm hùm đất phát triển dọc sông Trường Giang khi chúng đã lấn át hết các sinh vật bản địa.
“Nếu loài này phát tán ra đồng ruộng Việt Nam sẽ nguy hại cho sản xuất nông nghiệp, làm lây lan mầm bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng, gây thiệt hại nặng nề cho các đầm nuôi tôm”, ông Tề cho hay.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, tôm hùm đất nếu lọt ra ngoài môi trường như ốc bươu vàng hoàn toàn có thể gây ra cuộc tàn phá mới với nông nghiệp.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, khi lọt vào môi trường tự nhiên, loài này gây ra sự tàn phá khủng khiếp. Chúng cắt ngang thân cây lúa, ăn tất cả các loại búp cây non, ăn được cả các loài tôm, cá nhỏ. Chúng là nguồn gây những bệnh nguy hiểm cho các vùng nuôi tôm và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng.
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, việc cấm tôm hùm đất ở Việt Nam là chuyện không cần bàn nhiều, loài này có hại nhiều hơn có lợi.
Ngày 20/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra công văn hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ tôm hùm đất.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, loài tôm hùm đất không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.
Nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
Khi phát hiện có phát tán ra môi trường phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm hùm đất theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
Đồng thời tuyên truyền, phồ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp; ngăn chặn sự phát tán của loài này ra môi trường tự nhiên.
Bình luận