• Zalo

Tôi tự hào về sếp của tôi

Bạn đọc viếtChủ Nhật, 08/08/2010 06:12:00 +07:00Google News

(VTC News) - "Tôi lại đây để nhìn các anh chị ăn, tôi đã thấy các anh chị mặc, làm việc nhưng chưa có dịp nhìn các anh chị ăn..."

(VTC News) - Tôi viết những dòng này khi trong lòng còn đọng lại rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ về người lãnh đạo, về sếp của mình. Trở về từ Ngày hội Nhân viên nỗ lực do công ty tổ chức, tôi cảm thấy mình được mở mang tầm mắt và hiểu biết hơn rất nhiều. Trong đó, ấn tượng lớn nhất là tôi được tiếp xúc gần với người lãnh đạo của mình, để hiểu hơn về vai trò và tầm vóc của một người thủ lĩnh trong thời đại hội nhập toàn cầu này.


Bên cạnh sự nể phục về một con người tài giỏi, uyên thâm, tôi còn thấy ở ông là một người sống rất mực tình cảm, nhiệt thành với mọi người. Và, nhất là cái cách ông truyền cảm hứng, động viên nhân viên của mình.

Bạn đã từng đọc Vị giám đốc một phút chưa? Một cuốn sách tinh gọn mà tôi nghĩ ngoài việc là cẩm nang người lãnh đạo, nó còn là kim chỉ nam trong hoạt động sống và ứng xử hằng ngày của mỗi chúng ta. Cuốn sách chỉ ra rằng muốn điều hành và quản lý công việc được tốt, người lãnh đạo phải giúp nhân viên lập ra mục tiêu một phút, đồng thời phải luôn dành một phút khen ngợi những thành quả tốt nhằm khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên và chỉ nên một phút khiển trách đối với các việc làm sai trái để giúp họ hiểu rõ trách nhiệm của mình và hoàn thiện bản thân.

Tôi xin kể một ví dụ về một phút khen ngợi. Một người bạn của tôi hiện đang làm bên mảng truyền thông, luôn than thở về người trưởng nhóm của mình rằng chị ấy không bao giờ biết động viên người khác. Cũng cùng một kế hoạch, một phương cách giải quyết vấn đề cho công việc được giao, Giám đốc luôn ủng hộ, khen ngợi; thì người Trưởng nhóm lại chê bai, bảo nó không khả thi... Đành rằng, ý kiến cá nhân có thể khác nhau, nhưng “chỉ một lời khích lệ cho kịch bản đó thì mình đã vui lắm rồi, nghe chị ấy nói thế mình chẳng còn tinh thần làm tiếp nữa”… Thiết nghĩ rằng, không chỉ riêng ở vị trí người lãnh đạo mà tất cả chúng ta nên rèn luyện tính chấp nhận và động viên người khác.

Một lời khen về kết quả công việc, về sự cố gắng cá nhân hay thậm chí là lời khen về chiếc áo phù hợp với vóc dáng của một phụ nữ thừa cân thì đều có ý nghĩa về mặt tinh thần rất lớn. Đó không phải là những lời giả dối, hoa mỹ nhưng nó thể hiện rằng chúng ta nhìn vào mặt tích cực của vấn đề, sự việc.

Không xét đến những trường hợp “ngủ quên trên chiến thắng”, những lời khen ngợi, động viên có ý nghĩa rất lớn đến sự cố gắng, đến tinh thần cầu tiến và phát triển của một cá nhân. Ví như trường hợp khi nhân viên có một ý tưởng, sáng kiến mới để giải quyết công việc thì mặc dù những cách làm đó dở hoặc không hiệu quả thì cũng nên động viên họ một câu, để lần sau họ còn mặc sức sáng tạo và cống hiến. Tôi chia sẻ điều này theo cách nghĩ cá nhân là một nhân viên trẻ, chứ không dám chỉ bảo những người hiện đang làm công tác quản lý.  

Sếp luôn biết truyền cảm hứng cho nhân viên của mình (Ảnh minh họa)

May mắn thay, lãnh đạo của tôi là người biết truyền cảm hứng và đặt niềm tin để chúng tôi làm việc và sáng tạo mà “không sợ sệt”.

Độc giả muốn tra cứu điểm thi ĐH, CĐ 2010 miễn phí, bấm vào đây >> Click here!

Đôi khi tôi tự hỏi nhờ vào đâu mà ông có lối nói chuyện hay, thuyết phục và dễ đi vào lòng người đến vậy. Với vốn ngôn từ phong phú, chuẩn mực và lý giải, phân tích vấn đề sắc bén, mọi nội dung ông phát biểu về quản lý công ty hay thậm chí là những chia sẻ thân tình thì chúng đều sống động, dễ hiểu. Mãi sau này tôi mới biết được ông vẫn dành những thời gian nhất định trong ngày để đọc sách. Miệt mài đọc… để thu gặt nguồn kiến thức phong phú của nhân loại. Đó là điều đầu tiên tôi ghi nhớ và học theo khi mà gần đây, tôi chẳng còn thói quen đọc sách như trước.

Kinh nghiệm làm việc tại 2 công ty khác nhau cũng như cũng như sự quan sát từ môi trường làm việc của bạn bè; tôi nhận ra rằng, một tập thể có thể tồn tại và phát triển hay không đều phụ thuộc vào những con người. Và tại đây, tôi cảm nhận rằng các thành viên công ty đều rất nể phục và yêu quý người lãnh đạo; sẵn sàng nhận nhiệm vụ cũng như hết lòng vì công việc.

Bạn thử nghĩ xem, group có đến hơn 300 nhân viên nhưng ông đã nhớ mặt, nhớ tên từng người một. Một nhân viên kế toán ở tận miền Tây về tham gia Ngày hội Nhân viên Nỗ lực đã được ông ghé lại hỏi thăm: “Nghe nói Linh làm việc ở đó cố gắng và tốt lắm hả?” Ngồi ở bàn bên cạnh, tôi nghe cô bé ngượng ngùng trả lời ông: “Dạ, em không biết. Mấy anh chị đánh giá em sao thì em biết vậy ạ”. Để rồi tôi đã thấy ánh mắt sáng ngời hạnh phúc của Linh khi ông quay đi.

Bạn ạ, có rất nhiều cách để bắt đầu một câu chuyện khiến người khác vui vẻ và cảm mến ta. Và, bạn có biết chìa khóa của câu chuyện là gì không? Là sự quan tâm chân thành. Tôi nghĩ vậy.

Người lãnh đạo, sếp của tôi đã lại bàn ăn của chúng tôi và hỏi rằng: “Các anh chị ăn có vừa miệng không? Tôi lại đây để nhìn các anh chị ăn, tôi đã thấy các anh chị mặc (chú thích: đồng phục công sở), làm việc nhưng chưa có dịp nhìn các anh chị ăn trông như thế nào.” Ông còn dí dỏm nói thêm: “Tôi chỉ quan sát trong phạm vi của mình chứ việc các anh chị ngủ thì tôi không dám…” Lời mở đầu thân thiện gợi mở những câu chuyện gần gũi, khi mà ngay sau đó các anh chị đồng nghiệp ở những đơn vị khác nhau đã hỏi thăm về cuộc sống, công việc tại nơi mỗi người công tác.

Trước đây, khi tìm hiểu để chuẩn bị nộp đơn vào công ty, tôi có đọc trên mạng một bài báo về lãnh đạo của mình. Tôi không nhớ rõ từng ý nhưng đại khái trong bài phỏng vấn đó, ông đã tự hào nói rằng: Giá trị lớn nhất mà ông có được là đội ngũ nhân viên luôn coi công ty là nhà, hết mình vì công việc; họ vui và đau theo từng bước đi của công ty. Đến bây giờ thì tôi mới hiểu điều này khi được tận mắt nhìn thấy cách đối xử của chủ tịch với các anh chị đồng nghiệp.

Tôi còn học từ ông cách yêu quý và tự hào về thương hiệu công ty mình. Và theo như logic tâm lý thông thường, từ việc biết yêu lấy công ty, tự bản thân mỗi người sẽ phấn đấu góp sức mình cho sự phát triển công ty. Có lẽ, bên cạnh tiềm lực tài chính vững mạnh, nguồn nhân lực trình độ cao hay uy tín thương hiệu… thì điều mà các giám đốc, các nhà lãnh đạo mong muốn nhất là đội ngũ cộng sự tâm huyết và đồng lòng vì công ty.

Chắc hẳn cũng giống như tôi trước đây, đa số bạn đọc nghĩ rằng: những doanh nhân, những người làm kinh doanh thường vì lợi ích và ước mơ làm giàu của chính cá nhân họ. Nhưng đến hôm nay, qua hình ảnh người lãnh đạo của mình, tôi mới hiểu rằng: bên cạnh ước mơ trường tồn của doanh nghiệp và coi sự tồn tại của mình là hữu ích cho cộng đồng, họ còn mang gánh nặng công ăn việc làm của vài trăm con người trên vai. Họ có thể buông bỏ, giảm bớt công việc để hưởng thụ cá nhân, nhưng nếu không giữ được sự phát triển cho công ty thì người lao động sẽ đi đâu về đâu. Tôi chia sẻ điều này mong những người làm thuê chúng ta hiểu được những nỗi lo và sự vất vả của những người lãnh đạo.

Hằng ngày tôi vẫn đọc trên các báo, trên internet hằng trăm khóa học về nghệ thuật lãnh đạo, khóa học dành cho các CEO; nhưng thực tế để là một người lãnh đạo được mọi người yêu quý và kính phục không phải là điều dễ dàng. Tôi chẳng dám bàn sâu về những phẩm chất tạo nên một nhà lãnh đạo, tuy nhiên cá nhân tôi nghĩ rằng người lãnh đạo phải là một Ví dụ điển hình cho nhân viên. Chúng ta nhìn vào lời nói, hành động của họ để trau dồi và hoàn thiện mình, trước nhất là kỹ năng - thái độ trong công việc, và sau đó là ứng xử trong cuộc sống.

Hẳn rằng ai cũng muốn được làm việc trong một môi trường thân thiện – chuyên nghiệp, có người lãnh đạo mẫu mực và công tâm, đánh giá đúng năng lực cũng như khuyết điểm của bản thân. Nhưng đó chỉ là những điều chúng ta muốn, còn những điều chúng ta nên làm là gì? Tôi nghĩ rằng ngoài việc cố gắng, nỗ lực hoàn thành công việc, chúng ta nên biết yêu quý công ty và thử đặt mình vào vai trò người lãnh đạo với rất nhiều suy tư, lo toan và bộn bề công việc. Để từ đó, thấu hiểu, thông cảm và bớt “đòi hỏi”, phán xét sếp mình thế này, thế kia.

“Nhân vô thập toàn”, người lãnh đạo của tôi đã nói vậy và ông vẫn đang đi tìm và sửa khuyết điểm của chính mình thì lý gì tôi lại không cố gắng hoàn thiện mình mỗi ngày, trước nhất là vì bản thân và sau đó là đóng góp phần nhỏ bé gì đó cho cộng đồng, xã hội. Tin rằng rất nhiều người trẻ suy nghĩ và hành động như vậy, phải không bạn?

Dương Trà Mi

Bình luận
vtcnews.vn