Trở về nhà sau buổi họp phụ huynh diễn ra vào cuối tuần vừa rồi - ngày 11/9, chị Đào Thị Loan (43 tuổi, Nghĩa Tân, Cầu Giấy) ngao ngán đưa cho chồng xem bức ảnh chụp các khoản cần đóng góp đầu năm học của con. "Nộp xong tiền đợt này cho con là đi hẳn tháng lương của chồng rồi", chị thở ngắn than dài.
Đây là năm học đầu tiên con gái út của Loan vào lớp 6. Từ khi biết kết quả trúng tuyển, gia đình chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ phải đóng góp rất nhiều khoản tiền vào đầu năm học mới, nhưng khi nhìn vào danh sách vận động đóng góp chị vẫn sốc, nhẩm tính cả tiền học phí, tiền quần áo, sách vở, tiền đóng góp tự nguyện cũng lên tới 10 -11 triệu đồng/em.
Với các khoản tiền bắt buộc đóng theo quy định, chị Loan không thắc mắc, phần nặng gánh nhất phải kể đến tiền đóng góp tự nguyện. Riêng các khoản đóng góp tự nguyện do đại diện ban cha mẹ học sinh đứng ra kêu gọi vào khoảng hơn 5 triệu đồng/em gồm: tiền điều hoà, nước uống, tiền vệ sinh, tiền liên hoan, tiền hoạt động ngoại khoá, thăm hỏi, khen thưởng học sinh, thậm chí có cả các khoản tặng quà nhà trường và giáo viên các dịp lễ ngày 20/11, 20/10, 8/3...
Chưa hết đau đầu vì những khoản được ban đại diện cha mẹ học sinh lớp con gái út kêu gọi đóng góp trên tinh thần tự nguyện thì chị Loan lại nhận thêm thông báo họp phụ huynh vào ngày 17/9 của cô con gái lớn học lớp 11.
"Tôi rất sợ mỗi lần họp phụ huynh đầu năm học, số tiền vài chục triệu đồng cứ thế đội nón ra đi vào những khoản vận động. Hy vọng năm học này, con gái lớn không phải lớp đầu cấp học nên các khoản tiền đóng góp sẽ giảm bớt đi. Nếu không gia đình khó có thể đủ tiền để đóng ngay một lúc cho cả hai con vào thời điểm đầu năm học", vị phụ huynh than thở.
Đi học được hơn 1 tuần, cô con gái học lớp 7 mang về cho mẹ Nguyễn Lan Phương (39 tuổi, Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội) tờ giấy thông báo một số khoản đóng góp tự nguyện đầu năm học 2022 - 2023. Giấy thông báo không ghi đích danh tên trường và giáo viên chủ nhiệm lớp, mà chỉ ghi ban đại diện cha mẹ học sinh vận động phụ huynh đóng góp, kèm số điện thoại liên lạc của trưởng và phó ban phụ huynh.
Đọc xong thông báo chị Lan Phương chỉ biết thở dài. "Đầu năm học nào cũng vậy, các khoản đóng góp tự nguyện dài cả trang giấy. Từ tiền nước uống, tiền thuê người làm vệ sinh lớp hằng ngày, thuê người vệ sinh lao động công ích, tiền tổ chức hoạt động vui chơi, dã ngoại (Tết Trung thu, ngày 20/10, Tết cổ truyền, ngày 8/3...). Thậm chí cả những khoản tiền thuộc về cơ sở vật chất trường lớp như thay rèm cửa, đổi màu sơn lớp học cũng được đưa vào danh sách vận động phụ huynh đóng góp", chị nói.
Theo phụ huynh này, các khoản thu đều được xé nhỏ, nếu tính riêng lẻ thì không đáng bao nhiêu, có điều khi cộng lại thì phải rút ví ra gần 4 triệu đồng cho 13 khoản tiền khác nhau, chưa kể tiền ăn, tiền học hai buổi/ngày, tiền chăm sóc bán trú, đồng phục...
"Cũng may, mới một con đi học nên hai vợ chồng đủ điều kiện đóng góp các khoản trên. Tuy nhiên, việc này không hề vui vẻ hay tự nguyện như tên gọi mà trong tâm lý không mấy thoải mái. Nhiều khi tôi cũng định thắc mắc hay phản đối các khoản thu vô lý, nhưng rồi chồng lại can vì sợ ánh mắt gièm pha, kỳ thị của các phụ huynh trong lớp, ảnh hưởng đến con", chị Lan Phương ngậm ngùi.
Chị Loan, chị Phương chỉ là số ít trong hàng nghìn, hàng triệu phụ huynh trên khắp cả nước đang than thở về các khoản thu đầu năm học.
Làm sao để tránh lạm thu?
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, cần một cơ chế thu chi công khai, minh bạch hơn ở các trường công lập, tránh tình trạng năm học nào cũng phản ánh nhưng không chấm dứt triệt để.
Với các trường ngoài công lập, các khoản đóng góp hiếm khi là vấn đề gây bức xúc, bởi khi cho con em học tập tại các trường tư, phụ huynh đã tìm hiểu kỹ cơ chế vận hành của nhà trường. Họ ý thức đầy đủ và sẵn sàng về mức độ đóng góp và cơ hội con em mình được thụ hưởng sản phẩm giáo dục dựa trên cơ chế thị trường.
Những khoản thu phát sinh cũng được công khai và dựa trên thỏa thuận với phụ huynh. Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động rất công khai, minh bạch, phụ huynh thẳng thắn nói nếu không đồng tình nên không gây ra bức xúc dồn nén, tạo ra khó xử giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh.
TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cũng đề xuất, thay vì đưa thẳng các mục đóng góp ra biểu quyết tại các cuộc họp đông người, các hội phụ huynh nên thăm dò từng bậc cha mẹ trước khi dự định phát động đóng góp. Hình thức họp phụ huynh và biểu quyết tập thể cho các khoản thu chỉ nên tổ chức khi biết chắc rằng đại đa số phụ huynh đồng thuận. Đây là cách làm giúp giảm áp lực đám đông lên tâm lý phụ huynh, khuyến khích họ bày tỏ trung thực nhu cầu và thái độ đối với các khoản phụ thu.
Các khoản được thu và không được thu
Trong công văn gửi Sở GD&ĐT các tỉnh thành ngày 29/8, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc công khai các khoản thu, chi, thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính.
Cụ thể, những khoản đầu năm học 2022 nhà trường được phép thu, gồm: học phí, bảo hiểm y tế, dạy thêm, học thêm trong nhà trường (thỏa thuận giữa cha mẹ với nhà trường), quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú, học 2 buổi/ngày, học phẩm cho học sinh mầm non, nước uống học sinh.
Trong đó, mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh là 563.220 đồng/năm. Tiền nước uống tùy từng tỉnh, thành quy định, như các trường của Hà Nội đang thu tối đa là 12.000 đồng/học sinh/tháng. Tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú… thực hiện tùy quyết định của từng tỉnh, thành.
Riêng với các khoản viện trợ, quà, biếu, tặng, cho, Thông tư 16 năm 2018 của Bộ GD&ĐT quy định nhà trường được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học;… và không vận động tài trợ để chi trả thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh…
Bình luận