• Zalo

Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân

Tổng hợpThứ Tư, 03/08/2011 07:05:00 +07:00Google News

Mặc cảm vì xuất thân nghèo khó (thường đi liền với hèn) là tâm lý rất phổ biến ở nhiều người.

    Nửa đêm.

 Mò vào mạng check mail lần cuối.

 Nhận được một bức thư thật dài và cảm động của một học viên.

Trong thư, cậu ta tâm sự: “Em đã từng đứng trên bục giảng, từng nói với học sinh của mình về các kỹ năng sống, trong đó em đã nói với bọn trẻ phải biết tự tin trong cuộc sống, biết sống với chính mình và biết vượt qua mọi hoàn cảnh. Thế nhưng, cũng chính trên cái bục giảng ấy, em đã có sự mặc cảm về xuất thân của mình khi những học trò của mình nói “mấy thằng thợ xây” đang gây ồn ào ở công trình thi công gần trường học. Em đã lặng đi như chết khi chợt nhớ lại cách đây 7 năm mình cũng đã từng là thợ xây, và hiện tại cha mình ở nhà cũng là một thợ xây. Vậy mà các cậu ấm trong lớp mình lại gọi các bác lao động kia là “thằng thợ xây”. Nhờ được tiếp xúc với cô mà em đã dám “ngẩng mặt với đời” vượt qua mặc cảm, sống với ý nghĩa đích thực của cuộc đời…”.

 
  Đọc những dòng tâm sự này làm tôi nhớ lại câu chuyện xảy ra cách đây mấy năm. Để trả nghĩa cho cô giáo chủ nhiệm con trai hồi lớp 3, tôi đã “có nhời” nhờ một đệ tử ruột của mình “đặc cách” cho cháu họ của chồng cô giáo (sau hỏi ra mới biết là họ hàng bắn ca nông đại bác mấy ngày cũng không tới), tốt nghiệp trường SP ngoại ngữ, vào làm việc tại một công ty tài chính của nước ngoài, nơi đệ tử ruột của tôi làm Sếp. Tôi năn nỉ đệ tử: “Này em, gắng làm phúc chút nha. Mẹ con bé này là nông dân, bố xuất ngũ làm bảo vệ. Nó là con trưởng và học hành khá khẩm nhất nhà. Mình tạo cơ hội cho nó để sau nó còn làm chỗ dựa và dẫn dắt các em”. Đệ tử của tôi cũng thuộc tuýp người nghe đến hai chữ nông dân là thấy mủi lòng, người nhũn như bún, vội lập bập “Vâng, bác nói thế làm sao em từ chối được”. Học ngoại ngữ thì biết quái gì về tài chính mà làm. Tuy nhiên, may mắn cho con bé là đệ tử của tôi đã cử người hướng dẫn nhiệt tình từng ly từng tí và dần dần cô bé đã bắt đầu quen với công việc. Thế nhưng, cái mặc cảm là “con nông dân” đã giết chết con bé. Nó đã choáng váng đến nghẹt thở khi vào làm ở một công ty sang trọng với những nhân viên ăn mặc lịch lãm. Sự thân thiện của Sếp, sự cởi mở và nhiệt tình giúp đỡ của các đồng nghiệp cũng không cứu nổi con bé. Nó đã không tự bước qua được cái ám ảnh tâm lý nặng nề “mình là con nông dân, con của đẳng cấp dưới”. Sau gần hai tháng, khi thời gian học việc đã có kết quả khá khả quan, bỗng nhiên tôi nhận được một email rất dài của cô bé: “Cô ơi, cháu không biết phải nói gì nữa cả. Trên đời này, ngoài bố mẹ cháu ra chưa ai lo và giúp đỡ cho cháu như cô. Nhưng hôm nay cháu phải thành thật xin lỗi cô vì cháu đã quyết định thôi việc ở công ty. Cháu không vượt qua được áp lực tâm lý rất nặng nề mỗi khi bước vào cơ quan. Cháu luôn bị ám ảnh về tầng lớp xuất thân của cháu và cháu thấy mình không thể phù hợp với môi trường làm việc ở đó. Các bạn cháu cũng bảo “con vua thì lại làm vua, con sãi nhà chùa lại quét lá đa” thôi. Và cháu đã quyết định đi sang Đức làm Aupair * rồi cô ạ………………”

Đọc xong bức thư tôi đã rất giận. Sao có cái giống đâu mà ngu đến thế hả giời. Thế mà cũng tốt nghiệp đại học đấy. Đã “gang” miệng ra và đổ cơm vào cho mà còn không tự nhai, tự nuốt được thì có chết cũng là đáng đời thôi. Con nông dân thì làm sao? Con nông dân thì không có quyền hay không thể ngửa mặt lên được với đời à? Ngu thế thì chỉ đi làm OSIN cho thiên hạ là đáng con ạ.

Điên ruột.

Hôm sau, ngay lúc vừa bước chân vào giảng đường (với gần 100 sinh viên) tôi hỏi luôn:

- Trong giảng đường này, những em nào là con nông dân?

Lúc đầu lác đác những cánh tay rụt rè giơ lên, sau đó có đến già nửa hội trường.

- Có ai mặc cảm mình là con nông dân?

Những ánh mắt nhìn nhau không mấy tự tin cho lắm.

Nhưng không ai trả lời.

 
   - Làm sao mà phải tự ti vì là con nông dân. Các em thậm chí còn nên hãnh diện với mọi người là bố mẹ mình thuộc thành phần trong snhất  trong cái xã hội này (nào có tham nhũng hay chấm mút được của ai cái gì ngoài món đặc sản “mồ hôi” và “thắt lưng buộc bụng” mà chẳng). Nhưng tất nhiên là chỉ khi bố mẹ các em không dùng thuốc trừ sâu hay hóa chất quá liều thôi đấy nhé – tôi hóm hỉnh “bồi” thêm. Phải hãnh diện là cha mẹ mình nghèo khó, mình không có điều kiện được  luyện ở các “lò lớn lò bé” như các bạn khác nhưng mình vẫn ngẩng cao đầu đường hoàng bước chân vào cổng trường đại học chứ.

Mặc cảm vì xuất thân nghèo khó (thường đi liền với hèn) là tâm lý rất phổ biến ở nhiều người, bởi thế việc nói những điều này với bọn trẻ (sinh viên) cũng không phải là thừa.

Đúng thế, dám chắc không phải là thừa.

Bỗng nhớ lại cuộc trò chuyện với hai cô bé sinh viên làm phục vụ tại một quán ăn đêm vỉa hè ở Huế cách đây mấy năm.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng núi của Thanh Hóa, hai cô bé vào học ngành văn ĐHSP Huế với giấc mộng trở thành nhà báo. Nhà nghèo, cha mẹ là nông dân, quanh năm làm vẫn không đủ ăn chứ đừng nói đến chuyện nuôi con đi học đại học, nên phải đi làm thêm buổi tối. Xin việc cũng khó nên đành đi bưng bê ở quán ăn đêm với tiền công khá rẻ mạt. Các cô bé kể, đi làm thế này tuy vất vả nhưng bọn cháu không ngại, chỉ sợ nhỡ may bạn bè bắt gặp thì ngượng và tủi thân lắm. Tôi bảo: sao phải ngượng với bạn bè? Mình sống bằng sức lao động của mình, có ăn cắp, ăn trộm hay ăn xin ai đâu mà phải ngượng. Đúng ra các cháu phải hãnh diện và tự hào với bạn bè là mình đã tự nuôi sống được bản thân và công việc học hành của mình chứ. Nghe thấy thế hai cô bé bảo: “Cô ơi, cô là người duy nhất nói với chúng cháu như thế. Mọi người không ai nghĩ như vậy đâu cô ạ. Cảm ơn cô đã động viên và tiếp thêm nghị lực cho bọn cháu”.

Trước khi chào ra về tôi còn dặn dò hai cô bé: “Các cháu cố lên nhé, nhưng gắng đừng để làm thêm ảnh hưởng nhiều đến công việc học hành. Nếu thích thử sức với nghề báo thì khi viết được bài gì hay hay cứ gửi cho cô theo địa chỉ email …. , cô sẽ tìm cách gửi đăng giúp”.

Và tôi mong các sinh viên, học viên của tôi dám ngẩng cao đầu với thiên hạ mà nói rằng:

Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân….

N.T.Phương Hoa

Bình luận
vtcnews.vn