Chia sẻ với VTC News, ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cho biết, tối nay, lô hàng 20 tấn vải thiều tươi do doanh nghiệp thu mua sẽ lên đường xuất sang Nhật Bản bằng đường hàng không.
Đây là số vải thu hoạch sớm tại huyện Tân Yên (Bắc Giang) được sơ chế, đóng gói đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện, theo quy định của Nhật Bản.
Theo ông Phương, số vải này được thu mua của người dân với giá 25.000 đồng/kg và xuất sang Nhật với giá gần 200.000 đồng gồm tất cả các khoản thuế, phí, cước vận chuyển…Dự kiến lô hàng tiếp theo sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản trong 1 – 2 ngày tới.
Từ năm 2020, Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu quả vải tươi của Việt Nam. Hiện Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều của tỉnh Bắc Giang.
Theo quy định của MAFF, chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải xuất khẩu. Tuy nhiên, do COVID-19 nên năm nay các chuyên gia Nhật không sang Việt Nam giám sát công tác kiểm dịch. Phía Nhật đã uỷ quyền việc giám ssát vải xuất khẩu sang thị trường này cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam. Khi có hàng hóa xuất khẩu đi Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ cử lực lượng kiểm dịch về địa phương để hỗ trợ, phối hợp.
Trước đó, vải thiều cũng đã bảo hộ thành công nhãn hiệu tại Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Úc và được tiêu thụ tại nhiều nước trên thế giới.
Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang cho thấy, năm 2021 diện tích vải thiều của toàn tỉnh Bắc Giang dự kiến đạt khoảng 28.100 ha, sản lượng dự kiến đạt 180.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh dự kiến đạt trên 15.200 ha, GlobalGAP diện tích 82 ha.
Vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc... diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.
Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ đầu tháng 3/2021, Sở đã chủ động kết nối, làm việc với các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị như Mega Market, Aeon, Lotte, Central Retail, Co.op Mart, chợ đầu mối ở Hà Nội, TP.HCM... Đến nay, các đơn vị này đều cam kết đồng hành tiêu thụ vải thiều của tỉnh.
Với thị trường xuất khẩu, địa phương này đã làm việc trực tuyến để trao đổi, thông tin với các cơ quan tham tán thương mại tại nước ngoài, đặc biệt là cơ quan tham tán tại Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc), tại Nhật Bản, Australia, Singapore... về đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều, chuẩn bị cho công tác tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021.
Các cơ quan tham tán thương mại cũng đã phản hồi nhất trí hỗ trợ tỉnh Bắc Giang tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và tham gia các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại nước sở tại, tham dự và quan tâm hỗ trợ tổ chức các điểm cầu tham gia hội nghị trực tuyến.
Dự kiến hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều Bắc Giang sẽ được tổ chức ngày 8/6. Ngoài điểm cầu tại Trung Quốc, năm nay Bắc Giang mở thêm điểm cầu tại Nhật Bản, Australia và Singapore...
Sở Công Thương Bắc Giang cũng trao đổi, cung cấp thông tin để tổng lãnh sự quán tại Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) quảng bá, giới thiệu và thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng trực tuyến yunnan.cn và nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com và các trang thương mại điện tử khác.
“Việc tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử là cơ hội bán hàng trực tuyến rất lớn với khách hàng trên toàn thế giới mà không cần qua các kênh makerting truyền thống nhằm giúp quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang thuận lợi”, ông Tấn chia sẻ.
Bình luận