Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907-2017), chúng tôi gửi tới bạn đọc những câu chuyện về ông trong ký ức của người con rể, GS Hồ Ngọc Đại.
Ba đẻ tôi (ông Hồ Thâm) và ông Lê Duẩn là những người bạn vong niên, cùng hoạt động cách mạng với nhau từ thời trẻ.
Tôi không hiểu tình thân giữa họ sâu đậm đến nhường nào, nhưng tôi biết lúc ba tôi bị bắt khi tham gia phong trào đấu tranh chống chính quyền thực dân, ông Lê Duẩn đã viết đơn kiện gửi sang Pháp. Ông Duẩn thắng kiện và ba tôi được tha.
Sau này ba tôi vẫn sống ở Quảng Trị, ông Lê Duẩn trở thành Tổng Bí thư.
Ba cháu không còn thì đến đây ở với chú...
Năm tôi 20 tuổi, ba tôi ốm bệnh. Trước lúc ra đi, ba dặn tôi: “Con ra ngoài Hà Nội, nói với chú Ba Duẩn là ba sắp mất, nhưng dặn chú ở ngoài đó đừng vào. Để thời gian đó lo việc cách mạng”.
Tôi ra Hà Nội, đến số 6 Hoàng Diệu (tư gia của Tổng Bí thư Lê Duẩn - PV) đúng lúc các thành viên Bộ Chính trị đang họp tại đó. Ông Lê Duẩn dặn tôi chờ. Cuộc họp kết thúc, tôi được gọi vào dùng cơm với các Uỷ viên Bộ Chính trị như ông Phạm Hùng, ông Trường Chinh…
Khi tôi kể lại lời dặn dò của ba tôi, ông Lê Duẩn rất cảm động và thân tình nói với tôi: “Ba cháu cả cuộc đời chung thủy với cách mạng. Giờ ông không còn nữa, cháu đến đây ở với chú”.
Rất đơn giản, sau câu nói đó, tôi trở thành thành viên trong gia đình Tổng Bí thư.
Ngày đó, tôi dạy học dưới Hải Phòng, nhưng mỗi lần lên Hà Nội tôi đều ở lại số 6 Hoàng Diệu. Luôn có một căn phòng riêng được ông Ba Duẩn dặn dò để dành cho tôi. Dần dần, tôi thân thiết với tất cả thành viên trong gia đình, từ người nhà, đến các chú bảo vệ và cần vụ.
Thân đến mức ngày tôi và Hồng kết hôn (bà Lê Thị Hồng là con gái Tổng Bí thư Lê Duẩn - PV), Lê Kiên Thành lúc đó còn bé lắm, rất hồn nhiên hỏi tôi: “Anh Đại ơi, em nghe ba nói hôm nay tổ chức đám cưới cho anh. Cô dâu là ai thế?”.
Nhưng người tôi thân mến và gần gũi nhất vẫn mãi là ông Lê Duẩn. Tôi coi ông là người cha, người chú, vừa là người thầy, vừa là người bạn thân thiết. Ngược lại, ông cũng dành cho tôi sự yêu quý và tin cẩn đặc biệt.
Nhiều người sợ ông Lê Duẩn vì ông nóng tính, nhưng tôi thì không. Có lần có một nhà văn nổi tiếng hỏi tôi:
- Có đúng là cậu ở cùng nhà với ông Lê Duẩn không?
- Vâng.
- Có ăn cùng không?
- Có ạ.
- Khiếp, thế mà chịu được!
Sự thật là kể từ bữa cơm đầu tiên tôi ăn cùng ông và các Uỷ viên Bộ Chính trị, mối quan hệ giữa tôi và ông Lê Duẩn chưa bao giờ có khoảng cách. Chúng tôi như những người bạn vong niên, có thể trò chuyện thẳng thắn về mọi vấn đề.
Kể cả trước và sau khi tôi trở thành con rể, thì ông Lê Duẩn đã đặc biệt yêu quý và tin tưởng tôi. Dù là khi đi nghỉ hay đi công tác, ông đều muốn rủ tôi đi cùng, để tôi biết đây biết đó. Chúng tôi thường cùng nhau đi dạo mỗi buổi chiều.
Mỗi buổi tối tại số 6 Hoàng Diệu, sau khi cùng dùng cơm với cả nhà, chúng tôi thường cùng nhau ngồi uống trà và làm việc trong phòng làm việc của ông, trên bàn là la liệt tài liệu quan trọng. Ông kể với tôi mọi chuyện, kể cả khi gia đình có chuyện phiền muộn, kể cả khi ông đi họp về gặp chuyện vui buồn hay bực bội, kể cả khi ông giận dữ với tin Nixon chuẩn bị sang Trung Quốc gặp Chu Ân Lai.
Một buổi sáng tháng 7/1967, ông gọi tôi dậy, buồn bã và đau đớn thông báo: “Đại ơi, chú Thao (tên thân mật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - PV) mất rồi. Đây là năm mà ba cần chú ấy biết bao nhiêu!". Đó là một trong những khoảnh khắc đau buồn nhất của ông Lê Duẩn mà tôi được chứng kiến.
Gọi con rể sang ngủ chung phòng
Tôi luôn nghĩ rằng, được làm con rể của ông Lê Duẩn là một may mắn lớn của đời mình. May mắn không phải vì ba vợ tôi là người quyền lực nhất đất nước trong nhiều năm. May mắn là vì tôi đã luôn có được sự yêu thương và ủng hộ từ tất cả thành viên trong gia đình.
Mẹ vợ tôi tin yêu tôi như con đẻ. Mỗi khi tôi đi công tác về, bà thường mủm mỉm cười: "Thằng Đại về nhà, mừng nhất là con chó, thứ nhì là tao". Bao nhiêu tiền của dành dụm được lúc già, mẹ cũng đều đưa tôi giữ giúp. Và trong mọi cuộc cãi cọ giữa vợ chồng tôi, bà luôn đứng về phía tôi.
Tôi nhớ hồi đó nhà chỉ có duy nhất một chiếc điều hoà ở trong phòng ba tôi. Một buổi chiều hè đi làm về, ông bước vào phòng tôi và thấy tôi đang đổ nước ra sàn nhà. Ông hỏi:
- Đại làm gì đó con?
- Thưa ba, con làm thế cho đỡ nóng.
Tối hôm đó, ông gọi tôi sang phòng ông ngủ. Hôm sau ông nói: "Từ giờ lúc ba đi vắng, Đại sang phòng ba mà làm việc". Mà phòng ông thì chứa đầy tài liệu quan trọng.
Khi anh Lê Hãn (con trai cả của Tổng Bí thư Lê Duẩn – PV) được đề bạt lên Thiếu tướng, ba tôi phản đối. Ông nói: "Nó biết gì mà làm Thiếu tướng". Anh tôi giận ba lắm. Nhưng khi ông Lê Đức Thọ đề nghị tôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thì ông ủng hộ.
Ông ủng hộ giấc mơ của tôi: mở trường Tiểu học thực nghiệm, dù chưa một lần nào ông dùng sức ảnh hưởng cá nhân để giúp đỡ công việc của tôi.
GS Hồ Ngọc Đại
Nhưng ông cũng tôn trọng tôi khi tôi từ chối cương vị đó. Và chọn cách ủng hộ giấc mơ của tôi: Mở trường Tiểu học thực nghiệm, dù chưa một lần nào ông dùng sức ảnh hưởng cá nhân để giúp đỡ công việc của tôi.
Có nhiều lời đồn về việc ba tôi có khối tài sản lớn. Tôi chỉ muốn kể lại câu chuyện dưới đây. Khi các chú ở văn phòng Trung ương thông báo rằng có 4 cái xe máy và ba tôi là một trong 4 người thuộc diện được phân phối, ông đã về nhà hỏi tôi: "Đại ơi, ba có tiêu chuẩn mua xe máy, nhưng ba không có tiền. Nếu con có tiền thì con mua đi".
Tôi lắng nghe, chia sẻ và im lặng...
30 năm làm Tổng Bí thư, ba tôi hứng chịu không ít những chỉ trích. Có những thời điểm, sức ép đè lên vai ông cực kỳ lớn. Không ít người hiểu sai ông vì không biết rõ sự tình. Nhưng ba tôi, phàm là những gì mà ông nghĩ có lợi cho đất nước, thì ông sẽ không bao giờ nề hà.
Nhiều người vẫn thắc mắc tại sao tôi không viết hồi ký để kể lại tất cả những câu chuyện tôi đã từng mắt thấy tai nghe trong bao năm sống cạnh ba tôi. Tôi cũng tin rằng mình biết nhiều câu chuyện không ai biết, mình được nghe nhiều câu chuyện không ai được nghe, được chứng kiến cả những giờ phút ông vui vẻ hay bất đồng với đồng chí của mình.
Nhưng tôi không có ý định chia sẻ tất cả những việc đó. Tôi hiểu rằng ba vợ tôi đã rất tin tưởng tôi. Ông coi tôi như một chỗ để chia sẻ bớt áp lực mà ông phải gánh chịu khi gồng gánh trên vai mình trách nhiệm lớn lao như thế.
Tôi lắng nghe tất cả.
Tôi chia sẻ mọi điều.
Tôi cố gắng thấu hiểu.
Nhưng tôi cũng tuyệt đối lặng im...
Bình luận