"Tôi vừa rồi ốm đi nằm viện vẫn phải trả 100% viện phí. Rất cay đắng là hơn 30 năm cống hiến, đáng lẽ phải được hưởng chế độ bảo hiểm y tế vài chục phần trăm thì giờ không còn gì. Người ta vẫn tổ chức lễ kỷ niệm tưng bừng khi bao nhiêu số phận con người bị bỏ rơi không thương tiếc" - NSND Thanh Vân chia sẻ.
- Gắn bó cả đời với Hãng phim truyện Việt Nam và từng là Phó giám đốc nhưng sự kiện kỷ niệm 70 năm điện ảnh Việt Nam lại không thấy NSND Thanh Vân có mặt. Lý do của anh là?
Tự lòng tôi chẳng thấy có gì vui khi dự một lễ kỷ niệm trên sự đau thương, tan nát của Hãng phim truyện Việt Nam mà tôi đang là thành viên. Tôi vẫn còn một chút thời gian ở Hãng nữa mới về hưu.
- Tôi nghĩ nhân một sự kiện lớn như vậy, các nghệ sĩ của Hãng nên có mặt để góp một tiếng nói. Tại sao anh chọn cách vắng mặt - hành động dễ bị hiểu là tẩy chay sự kiện?
Tôi có cách khác để kỷ niệm. Lễ kỷ niệm không phải lúc nào cũng hân hoan vui vẻ. Kỷ niệm là nhớ về ngày đó và nhóm người còn có tên đang thuộc biên chế ở Hãng phim truyện Việt Nam có làm 1 clip coi như cách kỷ niệm. Đó là sự nghiệp của cả một ngành, của bao nhiêu thế hệ từng mất mát hy sinh để điện ảnh Việt Nam có được ngày kỷ niệm 70 năm này thì tại sao lại tẩy chay?
- Kể từ khi Hãng phim truyện Việt Nam cổ phần hóa gần 7 năm nay, anh là một trong những nghệ sĩ lên tiếng mạnh mẽ và bền bỉ nhất để bảo vệ Hãng. Tôi được biết mấy tháng trước, anh có gửi đơn kiến nghị lên Bộ VHTT&DL, đó đã là lần kiến nghị thứ bao nhiêu và anh đã nhận được hồi âm chưa? Anh sẽ tiếp tục kiến nghị khi đơn thư của mình rơi vào im lặng?
Nếu xem clip chúng tôi làm để kỷ niệm 70 năm Hãng phim, bạn sẽ thấy sự xuất hiện của rất nhiều đơn kiến nghị, đơn kêu cứu khẩn cấp gửi tất cả các cấp lãnh đạo. Chúng tôi gửi kiến nghị bền bỉ liên tục ít nhất từ khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm trong cổ phần hóa Hãng. Họ luôn ra những văn bản mang tính chất đối phó như: Chúng tôi xin ý kiến chỉ đạo, chúng tôi đang phối hợp ban ngành, chúng tôi đang rà soát lại... Tất cả những câu đó được lặp đi lặp lại và chúng tôi biết rằng những văn bản trả lời như thế thực chất là sự việc của Hãng vẫn đang nằm trong im lặng.
- Rất nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng từ những ngày đầu nay dần im lặng vì quá chán nản và cho rằng nói mãi cũng không có kết quả. Còn anh định lên tiếng kêu cứu cho Hãng phim truyện Việt Nam đến bao giờ?
Một việc sai phạm rõ ràng như vậy đã được Thanh tra Chính phủ kết luận 5 năm rồi, đau đớn hơn là không chỉ riêng số phận của những cá nhân đang công tác ở Hãng, có danh sách bảo hiểm lương hưu ở Hãng, và quan trọng hơn là việc mất đi một thương hiệu mà lịch sử và tương lai cần phải trân trọng. Đó là quá khứ bi tráng đóng góp cho điện ảnh cách mạng mà bị bỏ rơi một cách không thương tiếc.
Chúng tôi hay ngồi nói với nhau rằng đến người chết còn có ngày giỗ, có mộ để viếng thăm. Tại sao để một hãng phim có bao nhiêu số phận con người, bao nhiêu linh hồn nằm trong từng thước phim, có cả máu và nước mắt của bao thế hệ mà để nó chết vật vã, ngắc ngoải và kéo dài đến gần 10 năm như vậy?
Tại sao cứ tôn vinh Hãng ở các lễ kỷ niệm nhiều lần mà thực tế để nó chết ngắc ngoải như thế. Đau đớn nhất là kho phim, với ngụy biện của những kẻ không biết giá trị tinh thần vô giá trong đó, coi đó là một đồ vật không còn sử dụng được nữa cho nó mốc meo và chết đi. Sự phẫn nộ này còn kéo dài, không có chuyện về hưu hay không mà bất cứ khi nào có cơ hội cất lên tiếng nói, tôi vẫn sẵn sàng.
- Dạo này anh có lên Hãng dù không hoạt động?
Thỉnh thoảng tôi có lên và anh em nghệ sĩ vẫn gặp nhau ở Hãng. Tuy vậy, từ năm ngoái, người của phòng tài vụ đã rút hết, vì Hãng không hoạt động gì cả, giờ chỉ là chỗ giữ đất...
- Theo tôi biết, anh và các nghệ sĩ chưa nghỉ hưu từ lâu đã bị cắt chế độ, cắt lương bảo hiểm?
Tôi vừa rồi ốm đi nằm viện vẫn phải trả 100% viện phí. Rất cay đắng là hơn 30 năm cống hiến, đáng lẽ phải được hưởng chế độ bảo hiểm y tế vài chục phần trăm thì giờ không còn gì. Người ta vẫn tổ chức lễ kỷ niệm tưng bừng khi bao nhiêu số phận con người bị bỏ rơi không thương tiếc.
Bình luận