VOV.VN trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thưa Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Vương quốc Campuchia!
Thưa các vị lãnh đạo Campuchia
Thưa quý vị đại biểu và đại diện các cấp, các ngành, các địa phương của Campuchia và Việt Nam!
Hôm nay, tôi rất vui mừng và xúc động cùng Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen và quý vị đại biểu tham dự buổi lễ trọng thể kỷ niệm 45 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen.
Đây là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa hết sức quan trọng, kỷ niệm 45 năm bắt đầu hành trình lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, đưa đất nước Campuchia hồi sinh, thể hiện sự hợp tác và đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc chúng ta, góp phần vun đắp cho quan hệ hữu nghị truyền thống quý báu Campuchia - Việt Nam.
Lễ kỷ niệm này càng có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước đang cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động trọng thể chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2022), và đặc biệt trong niềm vui hân hoan của nhân dân Campuchia khi vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng xã/phường ngày 05/6/2022.
Tôi vui mừng được biết, tham dự Lễ kỷ niệm này có các vị lãnh đạo Chính phủ, tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp và đông đảo đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương và nhân dân Campuchia - đất nước của di sản văn hóa thế giới, kỳ quan nổi tiếng Angkor, trong đó có tỉnh T’bong Kh’mum - điểm khởi nguồn cho hành trình cứu nước của Samdech Techo. Trong đó, có những người đã từng kề vai, sát cánh với quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc chiến chính nghĩa lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo, cũng như đã cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi trong giai đoạn bảo vệ thành quả cách mạng và hồi sinh đất nước Chùa Tháp tươi đẹp từ đống tro tàn của chế độ diệt chủng Pol Pot.
Đầu buổi sáng ngày hôm nay, Samdech Techo Hun Sen cùng tôi và các đại biểu đã thăm một số địa điểm gắn liền với những thời khắc lịch sử của đêm 20/6/1977 bắt đầu chặng đường đầy gian khó nhưng cũng vô cùng vinh quang của Samdech Techo Hun Sen cùng các đồng đội để lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Samdech Techo Hun Sen cũng đã dành thời gian gặp cán bộ, nhân dân Việt Nam, chia sẻ những tình cảm, kỷ niệm sâu sắc về những năm tháng không bao giờ quên.
Thưa các quý vị,
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống gắn bó từ lâu đời. Hai dân tộc đã đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn và hoạn nạn, cùng nhau vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Ngay từ cuối năm 1945 khi đất nước Việt Nam vừa giành được độc lập, nhiều đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đã sang giúp những người yêu nước, cách mạng Campuchia xây dựng “Bộ đội Ít-xa-rạ”, tiền thân của Quân đội cách mạng Campuchia và phối hợp với quân, dân Campuchia đẩy mạnh chiến tranh du kích, kháng chiến chống thực dân giành độc lập dân tộc.
Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân Việt Nam đã góp phần tạo thời cơ, tăng cường thế và lực để Quân giải phóng Campuchia tiến lên, giải phóng thủ đô Phnom Penh ngày 17/4/1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân và chính quyền tay sai.
Tuy nhiên, ngay sau đó, đất nước Campuchia chưa kịp hưởng hòa bình, đã rơi vào bi kịch lớn khi Tập đoàn phản động Pol Pot đặt dân tộc Campuchia trước thảm họa diệt chủng khủng khiếp, tội ác “trời không dung, đất không tha” mà 4 thập kỷ sau đó, ngày 16/11/2018, Tòa án Đặc biệt Tư pháp Campuchia đã ra phán quyết lên án và nghiêm khắc trừng trị. Nhân loại sẽ không bao giờ quên, chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày, Tập đoàn Pol Pot đã sát hại hơn 3 triệu người Campuchia vô tội.
Không dừng lại ở đó, Tập đoàn phản động Pol Pot đã chà đạp lên những giá trị truyền thống tốt đẹp và nguyện vọng hữu nghị, hòa bình của hai dân tộc, đưa quân đánh chiếm một số đảo của Việt Nam ngay trong tháng 5/1975; triển khai 19/23 sư đoàn dọc tuyến biên giới, trong đó huy động 10 sư đoàn gây chiến tranh biên giới Tây Nam - Việt Nam từ tháng 4/1977, gây nhiều đau thương, mất mát, giết hại hàng vạn dân thường Việt Nam. Tập đoàn phản động Pol Pot đã bỏ qua lời kêu gọi, thiện chí và những nỗ lực của Việt Nam về giữ gìn hòa bình, hữu nghị, đối thoại; bỏ qua những lời kêu gọi của lực lượng tiến bộ và những người có lương tri trên thế giới.
Khi đó, mặc dù có quyền đánh trả và đủ khả năng tiêu diệt hoàn toàn quân xâm lược, nhưng Việt Nam vẫn hết sức kiềm chế, tránh một cuộc chiến tranh không mong muốn, gây tổn thất cho nhân dân hai nước và tin tưởng chắc chắn rằng với truyền thống kiên cường, bất khuất, yêu chuộng hòa bình, không chịu khuất phục trước các thế lực bạo tàn, nhân dân Campuchia nhất định sẽ vùng lên lật đổ chế độ diệt chủng.
Thực tế là, nhiều cuộc nổi dậy của các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia đã diễn ra ở Quân khu Trung tâm, Đông Bắc, Quân khu 203... Tuy nhiên, do sự chênh lệch về tương quan so sánh lực lượng, cuộc đấu tranh của các lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia chịu nhiều tổn thất và đứng trước tình thế hiểm nguy, vô cùng khó khăn, như Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen từng kể lại rằng khi ấy “chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết”.
Trong thời khắc gian nan tột đỉnh đó, Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen, khi ấy là lãnh đạo Trung đoàn, cùng một số cán bộ yêu nước của Campuchia, đã quyết định sang Việt Nam bày tỏ ý nguyện của nhân dân Campuchia mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ Việt Nam. Như Samdech Techo Hun Sen sau này kể lại: “Căn cứ vào tình hình chính trị trong nước và quốc tế lúc đó, không còn con đường nào khác... Nước mà có khả năng giúp đỡ và có thể giúp đỡ chỉ có Việt Nam là duy nhất...”.
Mặc dù Việt Nam còn trong hoàn cảnh rất khó khăn bộn bề vì vừa ra khỏi chiến tranh, nhưng đáp lại niềm tin, nguyện vọng của nhân dân và những người cách mạng chân chính của đất nước Campuchia anh em, Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, làm hết sức mình, hết lòng giúp đỡ, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cốt cán, xây dựng lực lượng cho cách mạng Campuchia; đồng thời hỗ trợ và phối hợp với lực lượng nổi dậy Campuchia đấu tranh chống lại Tập đoàn phản động Pol Pot.
Nhờ sự nỗ lực và giúp đỡ của Việt Nam, ngày 12/5/1978, “Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia”, đơn vị tiền thân của Quân đội cách mạng Campuchia, đã được thành lập do Samdech Techo Hun Sen làm Chỉ huy trưởng. Ngày 02/12/1978, Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập, do Samdech Heng Samrin làm Chủ tịch, Samdech Techo là Ủy viên. Đây là nòng cốt của lực lượng cách mạng và lực lượng vũ trang cách mạng, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới của cách mạng Campuchia.
Đáp lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và xuất phát từ truyền thống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc, sau khi thực hiện quyền tự vệ chính đáng, chặn đứng hành động gây chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam của Tập đoàn phản động Pol Pot; Việt Nam đã giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng, khôi phục, xây dựng lại đất nước.
Quân tình nguyện Việt Nam đã kề vai, sát cánh cùng với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia tiến hành nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh tại các tỉnh, thành phố, địa phương khác nhau và đến ngày 07/1/1979 đã hoàn toàn giải phóng thủ đô Phnom Penh. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, đưa Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen từng đánh giá: “Thắng lợi có được là do lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia kết hợp với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam”.
Ngày 08/01/1979, Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và tiếp tục đề nghị Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang Campuchia truy quét tàn quân Pol Pot và củng cố chính quyền cách mạng. Việt Nam đã cử nhiều đoàn chuyên gia trên tất cả các lĩnh vực hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, giúp Campuchia xây dựng chính quyền cơ sở và phục hồi kinh tế - xã hội từ đống đổ nát do chế độ diệt chủng để lại.
Qua quá trình kề vai, sát cánh chiến đấu, xây dựng đất nước Campuchia với biết bao gian khổ, hy sinh anh dũng của nhiều cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đủ khả năng tự lực bảo vệ thành quả cách mạng và hồi sinh đất nước.
Trên cơ sở đó, theo thỏa thuận giữa hai Nhà nước, năm 1989, Việt Nam rút hết quân tình nguyện về nước trong niềm tự hào, vinh quang, với những tình cảm lưu luyến, thắm thiết nghĩa tình của nhân dân Campuchia anh em; hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, vẻ vang, vô tư, trong sáng, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Thưa các Quý vị,
Chúng ta luôn tự hào về những năm tháng không thể nào quên ấy, nhân dân Campuchia đã trìu mến gọi các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật”. Trong buổi gặp gỡ chuyên gia Việt Nam chuẩn bị về nước, Chủ tịch Hêng Xom-rin nhấn mạnh: “Tổ quốc và nhân dân Campuchia đã khắc sâu vào trái tim mình, lịch sử đất nước Campuchia sẽ mãi khắc bằng chữ vàng công ơn to lớn của các đồng chí chuyên gia, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước Campuchia”.
Nhân dịp kỷ niệm sự kiện đặc biệt trọng đại này, chúng ta thành kính tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn và sự hy sinh anh dũng của những người con ưu tú của cả hai dân tộc trong cuộc đấu tranh cao cả đó; đặc biệt là các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, các cựu cán bộ, chuyên gia, đội ngũ cựu Quân tình nguyện Việt Nam, đã kề vai sát cánh với những người con anh hùng của đất nước Campuchia anh em không tiếc máu xương, hy sinh thân mình để lật đổ chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước Campuchia, vun đắp cho tình đoàn kết, gắn bó, hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, khẳng định chính nghĩa và đóng góp vào những lý tưởng cao đẹp của các lực lượng tiến bộ trên thế giới.
Thưa các Quý vị,
Nhìn lại chặng đường 45 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam rất vui mừng chứng kiến đất nước và nhân dân Campuchia đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giữ vững hoà bình, độc lập, tái thiết và phát triển ngày càng thịnh vượng, cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn, không ngừng nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Trong suốt chặng đường lịch sử vinh quang đó luôn có dấu ấn sâu đậm của các thế hệ lãnh đạo Campuchia, đặc biệt là Samdech Techo Hun Sen, từ người lãnh đạo Trung đoàn năm nào sang Việt Nam tìm đường cứu nước, sau này trở thành Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Vương quốc Campuchia và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia.
Có thể nói, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, sẵn sàng dấn thân vào một hành trình đầy gian khổ của Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen là một quyết định táo bạo, sáng suốt, dũng cảm, với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Việt Nam, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc chiến chính nghĩa lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, cứu những người dân vô tội khỏi nạn diệt chủng, mở ra một trang sử mới cho dân tộc Campuchia.
Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng những thắng lợi to lớn, toàn diện, những dấu ấn nổi bật mà đất nước và nhân dân Campuchia anh em, dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương, sự lãnh đạo tài tình của Đảng Nhân dân Campuchia, vai trò của Thượng viện, Quốc hội và Chính phủ Hoàng gia do Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen đứng đầu đã giành được trong những năm qua.
Gần đây nhất, Campuchia là một trong hai quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố hết dịch COVID-19, nhanh chóng mở cửa, phục hồi kinh tế - xã hội, kim ngạch xuất khẩu tăng kỷ lục 33% trong năm 2021, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống cho nhân dân. Campuchia cũng đạt nhiều thành tích đối ngoại nổi bật, đóng góp rất tích cực cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2022.
Những thành tựu nổi bật đó của Campuchia dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương Norodom Sihamoni không thể tách rời những đóng góp hết sức quan trọng của Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen với tài thao lược, khả năng lãnh đạo sáng suốt, chèo lái tài tình của mình và sự đồng hành của các nhà lãnh đạo khác như Xăm-đéc Hêng Xom-rin – Chủ tịch Quốc hội và Xăm-đéc Xay Chum – Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia.
Thưa các Quý vị,
Cùng chia sẻ niềm vui về sự vươn lên mạnh mẽ, không ngừng của đất nước Chùa Tháp, chúng ta cũng phấn khởi nhận thấy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác toàn diện tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Phát huy truyền thống đoàn kết gắn bó, trong giai đoạn khó khăn khi đại dịch Covid-19 hoành hành, hai nước đã kịp thời hỗ trợ nhau vật tư y tế, tiền mặt và vắc xin. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 80% so với năm 2020 và trong 5 tháng đầu năm nay đã đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, Việt Nam có 188 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,8 tỷ USD, duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và trong nhóm 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.
Hợp tác quốc phòng, an ninh phát triển ngày càng tốt đẹp, thực chất, hiệu quả, là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Các quân khu, lực lượng bảo vệ biên giới hai bên đã phối hợp hiệu quả, duy trì an ninh, trật tự khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội vùng biên; đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các loại tội phạm. Hai nước cũng đã hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại mỗi nước.
Hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương hai nước chúng ta đang ngày càng mở rộng và hiệu quả. Việt Nam là một trong ba nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Campuchia.
Thưa Quý vị và các bạn,
Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức với cả hai nước chúng ta. Tôi tin tưởng rằng, hai nước chúng ta sẽ cùng nhau thắt chặt, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống quý báu giữa hai dân tộc, xứng đáng với máu xương của biết bao thế hệ đi trước, đồng thời đáp lại sự mong mỏi, vì lợi ích của nhân dân hai nước chúng ta.
Đây là tài sản vô giá phải được thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau mãi mãi trân trọng, nâng niu, giữ gìn và phát huy. Đây cũng là vinh dự và trách nhiệm đặc biệt của chính quyền và nhân dân các tỉnh biên giới giữa hai nước chúng ta.
Nhân dịp này, một lần nữa, chúng tôi bày tỏ sự cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất về sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Campuchia anh em đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Chúng tôi đặc biệt tri ân việc Chính phủ theo đường lối trung lập tích cực của Campuchia đã công nhận Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho cách mạng Việt Nam xây dựng cơ sở hậu cần và tuyến đường vận tải chi viện cho chiến trường Nam Bộ trong những hoàn cảnh đầy khó khăn, gian khổ.
Những người yêu nước, cách mạng và nhân dân Campuchia đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ nhiều mặt, chia sẻ, hy sinh máu xương cùng bộ đội và nhân dân Việt Nam. Với truyền thống văn hóa thủy chung, nghĩa tình, nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, ghi tâm điều này và luôn dành cho người dân và đất nước Campuchia những tình cảm tốt đẹp, chân thành, yêu quý.
Cũng nhân sự kiện trọng đại này, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, tôi xin khẳng định Việt Nam luôn hết sức coi trọng mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” với Campuchia. Việt Nam mong muốn không ngừng củng cố và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, du lịch giữa hai nước; thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Chú trọng tăng cường hợp tác giữa các địa phương; thúc đẩy đàm phán, tiến tới ký kết các hiệp định về quy chế quản lý biên giới, về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền để góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, trong đó có tỉnh Bình Phước của Việt Nam và tỉnh T’bong Kh’mum của Campuchia; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân hai nước.
Phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đạt được, chúng ta tin tưởng rằng quan hệ Việt Nam – Campuchia sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Kỷ niệm 45 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen không chỉ nhắc nhở chúng ta ghi nhớ dấu mốc lịch sử về sự khởi nguồn của cuộc đấu tranh vì lương tâm, phẩm giá con người, vì chính nghĩa lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo mà còn là minh chứng sống động về mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, thủy chung, gắn bó sắt son giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia mà lớp lớp các thế hệ nhân dân hai nước hiện nay và mai sau luôn khắc ghi, tiếp nối và phát triển lên những tầm cao mới.
Chúc tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác bền chặt Việt Nam - Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững!
Chúc Quốc vương Norodom Sihamoni mạnh khỏe, trường thọ và tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự thịnh vượng của Vương quốc Campuchia!
Chúc Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen mạnh khỏe và giành được thêm nhiều thành công trên cương vị cao cả, đầy trọng trách của mình!
Chúc các nhà Lãnh đạo Campuchia sức khỏe, hạnh phúc, thành công!
Chúc sức khỏe tất cả các quý vị đại biểu!
Xin trân trọng cảm ơn!
Bình luận