• Zalo

Toàn văn bài phát biểu của ông Võ Văn Thưởng tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam

Tin tức 24h quaThứ Tư, 25/11/2020 23:06:00 +07:00Google News

Sáng 25/11, Đại hội X Hội Nhà văn Việt Nam bế mạc, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã phát biểu.

Toàn văn bài phát biểu của ông Võ Văn Thưởng tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam - 1

Ông Võ Văn Thưởng phát biểu tại Đại hội.

Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng tại Đại hội lần thứ X Hội Nhà văn Việt Nam.

Kính thưa đại hội,

Kính thưa các nhà văn,

Hôm nay, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành trung ương vui mừng đến dự Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ (2020 – 2025) - một sự kiện văn hóa quan trọng của đất nước, được gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học, nhà dịch thuật, những tên tuổi đã quen thuộc nhiều năm nay trên văn đàn cả nước với nhiều tác phẩm có giá trị, in dấu một thời kỳ lịch sử của dân tộc ta và các nhà văn trẻ đầy triển vọng của nền văn học cách mạng nước nhà.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi thân ái chúc các bác, các chị, các anh, những người sáng tạo chân chính trên lĩnh vực văn hóa và tinh thần, luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, cống hiến nhiều tác phẩm mới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi chúc đại hội đại biểu Hội Nhà văn lần thứ X thành công tốt đẹp, đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân, Đất nước và Đảng về đội ngũ nhà văn rất đáng tự hào và mang tới cho đời sống lòng tin cùng niềm cảm hứng lớn lao.

Kính thưa đại hội,

Kính thưa các nhà văn,

Văn học nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng đã có vai trò, vị trí quan trọng, đặc biệt trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, tự chủ của nước nhà. Từ khi có Đảng đến nay, vai trò và vị trí quan trọng, đặc biệt đó, luôn được Đảng quan tâm, trân trọng và phát huy. Trong suốt hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, cùng đồng bào cả nước, nhiều nhà văn theo tiếng gọi non sông đã tự nguyện bước vào kháng chiến, kiến quốc. Nhiều người trong số họ vừa cầm bút, vừa cầm súng. Và có không ít người đã anh dũng ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến thần thánh và trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc.

Những trang viết của các nhà văn được viết trong khói lửa các cuộc kháng chiến ấy đã trở thành một di sản lớn của dân tộc. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, kế tục truyền thống các thế hệ nhà văn đi trước, các nhà văn Việt Nam tiếp tục có mặt trong từng bước phát triển của đất nước và trong từng niềm vui, nỗi buồn của nhân dân, tiếp tục sứ mệnh quan trọng và đặc biệt của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Mỗi trang viết của các nhà văn Việt Nam không chỉ mang nhịp đập trái tim của dân tộc mình, của thời đại mình mà còn mang hơi thở của từng thân phận con người. Những trang viết đó đã làm cho nhiều tác phẩm của các nhà văn trở thành lương tâm, phẩm giá của con người, đã minh chứng thêm một lần nữa dân tộc Việt Nam, một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, có tình thương yêu con người vô hạn, với khát vọng hòa bình lớn lao và ý chí không gì có thể khuất phục, sẵn sàng hy sinh tất cả cho độc lập của dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Trong giờ phút trang trọng và đầm ấm của Đại hội hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau tưởng nhớ, tri ân những nhà văn đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cùng các thế hệ nhà văn đi trước, những người đã dâng hiến cả đời mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kính thưa đại hội,

Kính thưa các nhà văn,

Tiếp nối truyền thống vẻ vang và sứ mệnh quan trọng, đặc biệt của mình, trong 05 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận trong việc đẩy mạnh sáng tác, có thêm nhiều tác phẩm có giá trị, cơ bản bám sát thực tế của đất nước, đẩy mạnh quảng bá các tác phẩm và giao lưu hội nhập quốc tế. Hội đã tổ chức thành công các Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ Quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà văn nước ngoài, để lại tiếng vang và ấn tượng tốt. Hội đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh công tác lý luận phê bình, từng bước đi vào chiều sâu, bảo đảm vai trò định hướng sáng tạo, thẩm định giá trị, hướng dẫn bạn đọc, đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc, sai trái, ngược dòng, cản trở sự phát triển lành mạnh của văn học. Công tác xây dựng Hội, đặc biệt là trong công tác phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ được chú trọng hơn…

Nhưng với tinh thần trách nhiệm với đất nước, với nhân dân, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận những hạn chế:

Cho đến nay, Hội viên Hội nhà văn chúng ta vẫn chưa xây dựng được những tác phẩm lớn về các cuộc kháng chiến vĩ đại, về những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, về cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Về chất lượng tác phẩm, tính chuyên nghiệp chưa cao, có ít tác phẩm đủ sức tạo thành các hiện tượng văn học,…

Việc tiếp thu các trào lưu nghệ thuật nước ngoài được mở rộng nhưng chưa có sự chọn lọc, nghiền ngẫm sâu sắc. Trong lý luận phê bình văn học, còn biểu hiện máy móc, rập khuôn khi vận dụng các quan điểm nghệ thuật nước ngoài vào thực tiễn đời sống văn học trong nước.

Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Hội còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hoạt động Hội và đời sống văn học nước nhà,…

 Kính thưa đại hội,

Kính thưa các nhà văn,

Với tất cả những gì mà các nhà văn Việt Nam qua từng thế hệ đã làm được, Nhân dân và Đảng tiếp tục đặt lòng tin vào các nhà văn hiện tại trong một giai đoạn mới của đất nước nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức. Đại hội Hội Nhà văn lần thứ X là đại hội thực hiện chuyển giao thế hệ lãnh đạo của Hội Nhà văn Việt Nam với kỳ vọng vào những nhân tố mới, tạo ra cảm hứng và năng lượng mới trong công tác điều hành và sáng tạo, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trải qua chín nhiệm kỳ của Hội Nhà văn Việt Nam, đại hội đã luôn tìm được những nhà văn xứng đáng để bầu vào Ban chấp hành và lãnh đạo chủ chốt của Hội như nhà văn Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà thơ Hữu Thỉnh. Những nhà văn, nhà thơ xuất sắc ấy trong Ban chấp hành và lãnh đạo chủ chốt của Hội đã cùng các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam góp phần đưa nền văn học Việt Nam lên một bước phát triển mới qua mỗi thời kỳ. Tôi rất vui mừng, với trách nhiệm cao, các nhà văn đã chọn lựa được những đại diện tiêu biểu của nhà văn Việt Nam, bầu vào BCH và các chức danh lãnh đạo của Hội để cùng các hội viên hoàn thành trách nhiệm trong một giai đoạn mới của văn học nước nhà.

Nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ mới là phải tiếp tục góp phần đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống sự suy thoái biến chất về tư tưởng, chính trị và đạo đức; trong tổng kết văn học Việt Nam nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, thúc đẩy hòa hợp dân tộc, xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua văn học, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và tạo dựng những giá trị nhân văn mới cho xã hội; đồng thời tiếp tục tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học. Hội phải tạo ra những bước đi có tính quyết định cho một dòng văn học thiếu nhi đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hóa dân tộc để cùng xã hội tạo ra sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là Con Người Việt Nam. Đó là triển vọng, là tương lai của đất nước mà nhà văn cần hướng tới.

Kính thưa đại hội,

Kính thưa các nhà văn,

Trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Dân tộc, với trách nhiệm quan trọng và đặc biệt của mình trước Nhân dân, trước Đất nước và trước Đảng, các nhà văn Việt Nam, cho dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng phải mang lại những vẻ đẹp nhân văn cao cả, niềm tin cho con người vào cuộc sống, những giấc mơ đẹp đẽ cho từng thân phận; góp phần dựng xây, phát triển và bảo vệ Tổ Quốc.

Kẻ thù lớn nhất của dân tộc trong chiến tranh là những kẻ xâm lược được xác định rõ ràng, nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình là kẻ thù không dễ nhận diện. Đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác. Nó chính là sự thoái hoá, biến chất về đạo đức trong mỗi con người. Nó ẩn náu trong đời sống thường nhật, nó có thể mang gương mặt lương thiện và đầy phép biến hình như cách nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng : "Đừng thấy đỏ mà tưởng đã chín" . Chính thế mà sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao và càng phức tạp. Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, của sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này.

Người đọc Việt Nam luôn luôn mong đợi, đón chào các nhà văn với lòng quý trọng và yêu mến nhất. Bằng tác phẩm của mình, các nhà văn sẽ giúp bạn đọc trả lời câu hỏi: giá trị thực của con người là ở đâu và thế nào là cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc? Tiến sâu vào kinh tế thị trường, vào hội nhập quốc tế, trước đe doạ của dịch bệnh, trước một cuộc sống với biết bao thay đổi, mới mẻ, thậm chí có nhiều phức tạp, gai góc, đứng trước biết bao bỡ ngỡ và lựa chọn, văn học sẽ là một trong những nơi con người tìm đến như một điểm tựa tinh thần, niềm an ủi, nâng đỡ con người, làm cho con người thực sự trở thành CON NGƯỜI, luôn có khả năng vượt qua chính mình. Các nhà văn Việt Nam hãy đáp ứng sự mong đợi đầy yêu thương này của độc giả bằng những tác phẩm Hay, kết tinh từ trí tuệ sâu sắc, tâm hồn cao thượng và trách nhiệm lớn lao của nhà văn. Chỉ có tác phẩm Hay mới thật sự vì con người, mới có thể làm giàu cho văn hóa dân tộc, góp phần làm cho đất nước phồn vinh và phát triển.

Tác phẩm Hay cũng chính là tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, là niềm mong đợi rất lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Đó là những tác phẩm phản ảnh sâu sắc thực tiễn sinh động của đất nước và tầm vóc của con người Việt Nam – những người lao động sáng tạo trên nhiều lĩnh vực, những chiến sĩ đang bảo vệ sự bình yên và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đó là những tác phẩm có sức chinh phục sâu sắc các thế hệ người đọc Việt Nam ở trong nước và ngoài nước. Tôi trộm nghĩ, để có những tác phẩm hay là khát vọng theo đuổi cả một đời cầm bút của các nhà văn. Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn đồng hành với các nhà văn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà văn sáng tạo và cống hiến.

Tôi mong sau mỗi kỳ Đại hội, các nhà văn lại viết Hay hơn, và đại hội sau sẽ ghi dấu thêm những tác phẩm Hay hơn Đại hội trước. Còn làm thế nào để có tác phẩm Hay, viết thế nào cho hay, cho xứng đáng với Nhân dân, xứng đáng với Tổ quốc, tôi tin là các nhà văn sẽ hiểu biết hơn ai hết.

Kính thưa đại hội,

Kính thưa các nhà văn,

Với tất cả lòng ngưỡng mộ và yêu quí, tôi xin thay mặt Đảng, Nhà nước và thay mặt các bạn đọc Việt Nam kính chúc các nhà văn mạnh khỏe, đầy cảm hứng sáng tạo, kiên định với con đường đã chọn để đáp ứng lòng tin và sự đợi chờ của Nhân dân, của Đất nước và của Đảng.

Xin kính chúc đại hội thành công tốt đẹp.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn